Học sinh tự giác nhờ “tiếng trống học bài”

14/12/2024 - 06:17

PNO - Cứ đến 19g, loa phát thanh của xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) lại vang lên: “Các em học sinh yêu quý, tiếng trống học bài, người bạn đồng hành của các em mỗi buổi tối chuẩn bị vang lên. Các em hãy khẩn trương thu xếp, ngồi ngay vào bàn học của mình và học bài…”.

Âm thanh “Tùng tùng tùng!… Tùng tùng tùng!…” vang ra từ loa phát thanh thúc giục không chỉ học sinh mà phụ huynh cùng thu xếp, tạo điều kiện cho con, em học bài. Không ai bảo ai, người lớn vặn nhỏ tiếng ti vi, trẻ em tự giác ngồi vào bàn học. Trong không gian yên tĩnh của làng quê, chỉ còn nghe tiếng đọc bài vọng ra từ các ngôi nhà.

Hình thành ý thức tự học

“Tiếng trống học bài” được xã triển khai từ đầu năm học 2024-2025, đến nay đã quen thuộc với từng hộ gia đình, giúp phụ huynh đôn đốc, quản lý thời gian học tập buổi tối của con. Khi nghe tiếng trống, mọi thành viên trong gia đình đều ngừng các công việc có thể làm ảnh hưởng đến con cháu học bài. Đặc biệt, vấn nạn “karaoke kẹo kéo” di động ở xóm làng gần như không còn.

Em Phan Xuân Tấn - học sinh Trường THPT Vinh Lộc và chị của mình nhanh chóng ngồi vào bàn học khi “tiếng trống học bài” vang lên
Em Phan Xuân Tấn - học sinh Trường THPT Vinh Lộc và chị của mình nhanh chóng ngồi vào bàn học khi “tiếng trống học bài” vang lên

Em Phan Xuân Tấn - học sinh Trường THPT Vinh Lộc (huyện Phú lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - chia sẻ, trước đây, có những buổi tối khi học bài, em chẳng thể nào tập trung khi tiếng loa kẹo kéo văng vẳng âm thanh hát hò. Có nhà gây gổ hay ăn nhậu cười nói rất ồn ào. Từ khi có “tiếng trống học bài”, các phiền toái đó đã giảm hẳn. Nhờ không gian yên tĩnh, em có thể tập trung, dễ học bài, dễ nhớ bài hơn. Em cũng đã xây dựng 1 thời gian biểu để học tập hiệu quả.

Cũng là học sinh Trường THPT Vinh Lộc, em Nguyễn Xuân Toàn cho biết: “Cứ nghe tiếng trống khuyến học phát trên loa truyền thanh thôn là em bắt đầu mở tập, sách giáo khoa ra. Cũng có hôm gia đình bận việc, cha mẹ cho em ăn cơm trước để có thể học bài đúng giờ “trống giục”. Đến nay đã thành thói quen, không để cha mẹ phải nhắc nhở, 3 anh chị em trong nhà đều chăm chỉ học tập. Kết quả, điểm kiểm tra giữa kỳ I vừa qua của cả ba đều cao nhất lớp”.

Với em Nguyễn Cảnh Toàn (thôn Diêm Trường 1, xã Vinh Hưng), tiếng trống không chỉ là người bạn đồng hành mỗi tối mà còn giúp em và các bạn tránh xa các tệ nạn xã hội, không còn tụ tập chơi game, bida… Chị Trần Thị Kim Mộng - người dân ở thôn Diêm Trường 1 - cho hay: “Tôi thấy hoạt động này rất hay và ý nghĩa. Học sinh đã dành nhiều thời gian cho việc học, đọc sách, giảm hẳn những trò chơi vô bổ”.

Thôn Diêm Trường 1 còn cử ra ban đại diện với các thành viên trong ban khuyến học, các hội, đoàn thể thay nhau kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các gia đình. Từ thôn này, tiếng trống khuyến học lan nhanh đến hầu khắp các thôn, khu phố của huyện Phú Lộc rồi tỏa đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mỗi nơi có cách làm sáng tạo phù hợp với việc học tập của con em địa phương mình.

Phong trào học tập sôi nổi

“Tiếng trống học bài” qua loa phát thanh ở xã Vinh Hưng đã trở thành nét văn hóa quen thuộc vào mỗi buổi tối, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân. Để phát huy hiệu quả, UBND xã Vinh Hưng giao cho ban khuyến học xã phối hợp cùng ban giám hiệu các trường kiểm tra đột xuất ý thức học tập của học sinh ở các thôn, xóm. Ban giám sát đôn đốc, nhắc nhở các em còn ham chơi, xem ti vi chưa ngồi vào bàn học. Cứ thế, phong trào học tập của xã ngày một sôi nổi.

Theo nhiều giáo viên tại các trường ở xã Vinh Hưng, còn cần thời gian mới đánh giá hết được những hiệu quả mà phong trào mang lại. Nhưng có một điều rất dễ thấy là việc học bài cũ và soạn bài mới của học sinh có chuyển biến tích cực. Ông Đoàn Hoài Trung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng - cho biết: “Trước đây, có một bộ phận nhỏ phụ huynh chưa thực sự quan tâm chuyện học hành của con. Có trường hợp con học cứ học, cha mẹ vẫn cứ hát karaoke. Nhưng nay, họ đã hết sức tạo điều kiện cho con em học và lan tỏa ý thức này trong thôn xóm, dòng họ và khắp xã. Học sinh đã dần quen và duy trì nền nếp tự học”.

Vinh Hưng không phải là địa phương đầu tiên thực hiện phong trào này. Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng - thông tin, “tiếng trống học bài” được xã tham khảo, nghiên cứu từ một địa phương tại Hà Nội. Tuy thời gian triển khai chỉ vài tháng nhưng hiệu quả bước đầu đã thấy rất rõ. Gần như tuyệt đối từ 19g, không còn chuyện hát hò, các hoạt động gây âm thanh lớn ảnh hưởng trong khung giờ học tập của học sinh. Cả gia đình, xã hội đang cùng chung tay tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI