Học sinh trải nghiệm làm món ăn đường phố

12/03/2023 - 14:46

PNO - Hơn 170 học sinh khối 7, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã cùng “vào bếp” làm các món ăn đường phố đặc sắc của TPHCM như bánh mì, gỏi cuốn, bánh tráng trộn… trong giờ học Nội dung giáo dục địa phương.

Bước ra ngoài không gian lớp học, giờ Nội dung giáo dục địa phương khối 7 với chủ đề “Văn hoá ẩm thực TPHCM” được Trường THCS Nguyễn Du tổ chức giữa sân trường cho học sinh toàn khối. 6 lớp 7, mỗi lớp làm một món ăn khác nhau, bao gồm: bánh mì, gỏi cuốn, bò bía, bánh tráng trộn, xoài lắc, trà tắc.

Tiết học ngay tại giữa sân trường
Tiết học ngay tại giữa sân trường

Hào hứng làm món bánh mỳ kẹp, Phạm Hoàng Yến (học sinh lớp 7/4) cho biết cả lớp rất thích thú khi làm “món ăn ngon nhất thế giới”, cùng phân công nhau chuẩn bị các nguyên liệu thật tươi, gồm thịt nguội, chả lụa, rau, dưa leo.

“Bánh mì kẹp Việt Nam nằm trong tốp 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Khi được tìm hiểu về món ăn trong giờ học địa phương, em hiểu ra rằng chính sự độc đáo trong cách thức chế biến, hoà quyện giữa ẩm thực và sự dung dị của người dân TPHCM đã giúp món ăn bình dân này lại được thế giới gọi tên, trân trọng”- Hoàng Yến bày tỏ.

Thích thú làm món ăn đường phố ngon nhất thế giới
Thích thú làm món ăn đường phố "ngon nhất thế giới"

Cùng bạn bè trông lớp làm bánh tráng trộn, Hồ Đắc Quỳnh Anh (học sinh lớp 7/3) kể, đây là món mà cả lớp đều “khoái”, ngày nào cũng ăn song khi bắt tay làm thì lại “khó vô cùng”.

“Chúng em phải canh lượng muối tôm, nước bò, số tắc cần bỏ vào vì nếu quá tay thì bánh sẽ rất mặn, chua, mùi tắc sẽ lấn át mùi đặc trưng của bánh tráng trộn. Món ăn dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi trong thành phố chứa đựng sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm, góp phần làm nên nét độc đáo ẩm thực đường phố TPHCM”- Quỳnh Anh nói và cho biết đã giới thiệu món ăn đến các bạn nước ngoài của mình để họ trải nghiệm khi có dịp đến TPHCM.

Món xoài lắc của lớp 7/1
Món xoài lắc của lớp 7/1

Cô Nguyễn Hồng Phương - giáo viên công nghệ - phụ trách chủ đề văn hoá ẩm thực TPHCM cho hay, gỏi cuốn, bò bía, bánh mì, bánh tráng trộn, xoài lắc, trà tắc - các món ăn được giới thiệu trong chủ đề đều rất gần gũi với học sinh và mang nét đặc trưng của ẩm thực thành phố.

Điều khó nhất là phải tạo được tiết học sinh động cho học sinh trải nghiệm nhẹ nhàng, hiệu quả, không những được thực hành, biết cách làm mà còn hiểu thêm về nét độc đáo của ẩm thực thành phố.

“Trước khi được thực hành, giáo viên đã xây dựng các bài giảng video giới thiệu ẩm thực TPHCM xưa và nay cũng như một số món ăn tiêu biểu của thành phố, hướng dẫn cách làm món gỏi cuốn, đưa lên hệ thống LMS. Học sinh sẽ học trên hệ thống và hoàn thành yêu cầu vẽ sơ đồ tư duy về cách thực hiện 1 món ăn đặc trưng của thành phố. Điều này giúp các em có kiến thức khi bắt tay làm” - cô Hồng Phương nói. 

Tại TPHCM, Nội dung giáo dục địa phương khối 7 năm học 2022-2023 được giảng dạy bắt đầu từ học kỳ 2 do gặp khó khăn khi phê duyệt tài liệu. Trong điều kiện thiếu giáo viên giảng dạy lại phải tăng tiết để đảm bảo đủ thời lượng 35 tiết/năm học đã buộc các nhà trường phải sáng tạo trong cách thức giảng dạy nội dung này.

Giáo viên cùng hào hứng trải nghiệm
Giáo viên cùng hào hứng trải nghiệm

Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Du, Nội dung giáo dục địa phương khối 7 không được trường phân tiết theo từng tuần mà triển khai theo từng tháng cho toàn khối với các chủ đề cụ thể. Ở từng chủ đề, nhà trường phân công nhóm giáo viên bộ môn phù hợp giảng dạy. Ví dụ, về ẩm thực do giáo viên công nghệ đảm nhiệm; chủ đề môi trường lại là giáo viên khoa học tự nhiên; hướng nghiệp là giáo viên giáo dục công dân giảng dạy…

Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du thông tin, với mỗi chủ đề, giáo viên sẽ tự xây dựng nội dung mang đến cho học sinh trải nghiệm địa phương. Các nội dung này được đưa lên hệ thống LMS theo dạng bài giảng video, cụ thể hoá yêu cầu chuyển đổi số đưa 35% nội dung chương trình lên trực tuyến. Học sinh sẽ tự học, giáo viên sẽ theo dõi quá trình tự học trên hệ thống.

Các món ăn đường phố đặc sắc của TPHCM được tái hiện sinh động ngay trong giờ học của học sinh
Các món ăn đường phố đặc sắc của TPHCM được tái hiện sinh động ngay trong giờ học của học sinh

“Nội dung giáo dục địa phương ngoài cung cấp kiến thức địa phương thì còn hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Nếu triển khai không khéo có thể trở thành một môn học đơn thuần là lý thuyết suông, trong khi nội hàm đây là một hoạt động trải nghiệm. Vì vậy, điều quan trọng nhất đó là dù triển khai theo hình thức nào thì phải thiết kế để học sinh cảm thấy thú vị, có những giờ học trải nghiệm vui vẻ, không áp lực…” - thầy Khánh bày tỏ.

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI