Học sinh TPHCM lội ruộng gặt lúa, bắt cá trong... sân trường

21/03/2023 - 17:59

PNO - Gặt lúa, lội ruộng, bắt cá ngay trong sân trường là trải nghiệm mà học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) vừa có trong tiết học ngoài không gian lớp học.

Thay vì phải đóng tiền về tận Bến Tre, Long An để đóng vai “nông dân”, Trường THCS Hà Huy Tập đã tận dụng ngay sân trường để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh như gặt lúa, lội bùn, bắt cá…

Ngay trong sân trường, học sinh được trải nghiệm lội ruộng gặt lúa
Ngay trong sân trường, học sinh được trải nghiệm lội ruộng gặt lúa

Cô Hứa Thị Diễm Trâm - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, khu trồng lúa được trường tận dụng từ chính tiểu cảnh trang trí dịp Tết, thả thêm cá, lươn, hàng ngày được các thầy cô chăm sóc, bón phân, tưới nước để lúa phát triển. Sau 3 tháng, khi lúa đã trổ đòng và chín, trường thiết kế hoạt động trải nghiệm cho học sinh tham gia.

Khu trồng lúa được tận dụng ngay sân trường, nơi trang trí tiểu cảnh dịp Tết
Khu trồng lúa được tận dụng ngay sân trường, nơi trang trí tiểu cảnh dịp Tết

“Chỉ hết vài trăm ngàn đồng, từ mua giống lúa, mua cá, bón phân… nhưng rõ ràng học sinh được trải nghiệm hết sức thú vị. Các em háo hức cầm liềm, gặt từng gốc lúa, háo hức bó lúa, gánh lúa, tuốt lúa, lội sình bùn… Những trải nghiệm thú vị tưởng chỉ có ở quê hay trong các khu du lịch sinh thái thì nay ngay trong sân trường học sinh thành phố các em có thể trải nghiệm được nên em nào cũng rất háo hức”- cô Trâm chia sẻ.

Lần đầu được cầm liềm, lội ruộng gặt lúa, Lê Thanh Hà - học sinh lớp 9/8 vô cùng phấn khích. Sau khi theo dõi thầy cô hướng dẫn cách cầm liềm, gặt lúa, bó lúa, bạn cẩn trọng cắt từng gốc lúa, nhăn mặt khi bị lá lúa sắc lẹm xoà vào người…

Thầy trò cùng nhau bắt cá sau khi ruộng lúa đã gặt xong
Thầy trò cùng nhau bắt cá sau khi ruộng lúa đã gặt xong

“Không phải đi xa ra ngoài thành phố mới được sắm vai nông dân mà ngay trong sân trường, mặc bộ đồ đồng phục trường chúng em vẫn được trải nghiệm cảm giác của một nông dân. Hoạt động mang đến cho chúng em những cảm giác rất tuyệt vời khi được tìm hiểu, khám phá nhiều hơn kiến thức nông nghiệp, qua đó giúp chúng em biết trân trọng hơn công sức lao động của người nông dân, trân quý hơn từng bữa cơm hàng ngày…” - Thanh Hà bày tỏ.

Do không mang theo quần áo để thay nên, Đức Huy- học sinh lớp 7/2 tiếc nuối khi không thể lội ruộng gặt lúa, bắt cá mà chỉ có thể đứng trên bờ theo dõi và cổ vũ các bạn. Tuy nhiên, chốc chốc Huy lại không giấu được những tràng cười giòn giã khi chứng kiến bạn bè lóng ngóng cầm liềm, gặt lúa, bắt cá. Với Huy, bắt cá, gặt lúa, lội ruộng ngay trong sân trường là trải nghiệm “có một không hai”.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đập lúa sau khi thu hoạch
Giáo viên hướng dẫn học sinh đập lúa sau khi thu hoạch

“Chúng em hiểu về quá trình sinh trưởng của cây lúa, về đời sống của cây lúa… Khi tiếp cận môn học dưới góc độ này, em thấy bài học nhẹ nhàng, dễ hiểu, kiến thức dễ tiếp thu” - Huy chia sẻ. 

Cô Mai Thị Huế - giáo viên Khoa học tự nhiên, Trường THCS Hà Huy Tập đánh giá, qua các trải nghiệm gặt lúa, lội bùn học sinh khám phá và hình thành kỹ năng tìm hiểu khoa học tự nhiên. Các em biết được môi trường trong đất như thế nào, quan sát được quá trình cây lúa phát triển, từ đó hình thành kỹ năng để các em tiếp cận môn khoa học tự nhiên một cách nhẹ nhàng. 

Thành quả sau khi gặt lúa
Thành quả sau khi gặt lúa

“Môn khoa học tự nhiên trong Chương trình GDPT 2018 ở cấp THCS không đòi hỏi học sinh các kiến thức quá chuyên sâu mà chỉ ở mức nhận biết, vận dụng, thực hiện được các kiến thức cơ bản trong bài học vào cuộc sống. Do đó, việc được tham gia vào đa dạng các trải nghiệm ngay trong trường sẽ giúp học sinh tiếp cận môn học một cách nhẹ nhàng, không áp lực, giáo viên cũng không phải vất vả khi giảng dạy…” - cô Mai Thị Huế đánh giá. 

Người nông dân thực thụ
Người nông dân thực thụ

Mạnh dạn đưa thiết kế nhà trường vào trong hoạt động giáo dục

Theo cô Hứa Thị Diễm Trâm, Chương trình GDTP 2018 đặt ra yêu cầu về việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, thông qua trải nghiệm các em học kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Thế nhưng, yêu cầu đó không chỉ đặt ra đối với từng môn học, trong mỗi tiết học mà còn là đối với các các hoạt động giáo dục bổ trợ ngay trong trường, tận dụng chính các thiết chế văn hoá trong trường để làm sinh động, gia tăng thêm trải nghiệm cho học sinh. Khi càng được trải nghiệm, các em càng thích thú với việc học, thích thú được đến trường.

“Chúng ta không nên chỉ quá chú trọng vào việc làm sao đưa học sinh đi trải nghiệm bên ngoài thật nhiều mà cần quan tâm và suy nghĩ nhiều hơn việc làm sao gia tăng các trải nghiệm độc đáo, mới mẻ cho học sinh ngay trong nhà trường. Khi đó, học sinh sẽ háo hức đi học, thích được đến trường, và chỉ cần như thế mục tiêu giáo dục sẽ dễ dàng đạt được”- cô Trâm nhìn nhận.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI