Ngày 25/1, UBND TPHCM chính thức “chốt” lịch cho phép trẻ thuộc khối giáo dục mầm non và học sinh từ lớp Một đến lớp Sáu đi học trực tiếp từ ngày 7/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Như vậy, ngay sau tết Nguyên đán, học sinh tất cả bậc học tại TPHCM đều có thể đi học trực tiếp.
Chỉ chờ ngày này
Hầu hết phụ huynh đều đồng thuận với kế hoạch này bởi họ đã chờ đợi việc cho con đi học trở lại hơn tám tháng ròng.
|
Trẻ mầm non mong ngày trở lại trường |
Chị Lê Thị Lan Phương, phụ huynh lớp Ba Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5), bộc bạch: “Quyết định này hợp lý với gia đình tôi bởi các hoạt động kinh tế - xã hội đã mở cửa trở lại gần hết thì trẻ cũng nên được quay lại trường. Không chỉ giải quyết vấn đề chỗ gửi con cho cha mẹ đi làm mà điều quan trọng hơn là môi trường xã hội cho các con. Các con nhớ bạn bè và thầy cô và rất cần môi trường học tập truyền thống, nghiêm túc. Ở nhà học, như con mình không theo nền nếp như lúc đi học và lệ thuộc nhiều vào điện thoại, máy tính bảng. Con đang thi lại bỏ ra chơi game và có phần cáu gắt hơn trước. Mình cho ý kiến “đồng ý” khi trường khảo sát nên mình đã tập cho con thói quen giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với bạn… cho đến khi được tiêm vắc-xin”.
Còn chị Huỳnh Thúy Linh, phụ huynh lớp Hai Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8), cho biết chỉ hơi lo lắng ở chỗ con chưa được tiêm vắc-xin mà phải đi học nơi đông người. Nhưng suy đi tính lại, nếu con ở nhà mà cha mẹ ra ngoài đi làm thì cũng chưa chắc con không bị lây bệnh. Vì vậy, trong đợt khảo sát tới, chị sẽ bỏ phiếu đồng ý cho con đi học trực tiếp với mong muốn con sớm trở lại cuộc sống bình thường. Chị Linh cho hay nhiều phụ huynh trong lớp con chị cũng có chung suy nghĩ và mong là TPHCM sớm tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi để trẻ đến trường thật sự an toàn, cha mẹ yên tâm.
Trong khi đó, lãnh đạo các trường tiểu học và mầm non tại TPHCM khẳng định đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón trẻ từ lâu. Quan niệm không theo đuổi lý tưởng “zero COVID” nên các trường đã lên kịch bản ứng phó với ca F0 xuất hiện trong trường, quy trình xử lý đều được tập huấn kỹ càng. Ngoài ra, các trường sẽ làm việc với phụ huynh để chăm sóc và giáo dục trẻ trong điều kiện trẻ trở lại trường.
Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 25/1, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Hùng Vân, Hiệu trưởng Trường đại học Phan Chu Trinh, cho rằng quyết định cho học sinh đi học lại là đúng đắn với xu thế quốc tế. Bởi thứ nhất, học trực tuyến kém hiệu quả. Thứ hai, nếu đã chấp nhận sống chung với COVID-19 mà cứ giữ các em ở nhà thì quan điểm “sống chung” đó đang nửa vời. Thứ ba, tại sao có thể xác định “sống chung”, là bởi hiện nay gần như 97% người dân TPHCM đã được tiêm ngừa hai mũi nên tỷ lệ bệnh nặng rất ít cho dù có nhiễm.
Đừng bắt con trẻ “tuân thủ” quá nhiều
Liên quan đến việc làm thế nào để bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường, bác sĩ Phạm Hùng Vân cho rằng, cần hiểu chuyện an toàn hay không xuất phát từ hai lo lắng mà thôi.
“Quan điểm không muốn trẻ đi học là xuất phát từ hai vấn đề gây quan ngại, trẻ nhiễm vi-rút và về lây cho người nhà. Vấn đề trẻ em nhiễm COVID-19 vẫn xảy ra nhưng triệu chứng rất nhẹ, chỉ sốt là hết, tỷ lệ tử vong thấp. Còn sợ về lây cho gia đình thì giờ đây ở nhà, người lớn đã tiêm vắc-xin, có nhiễm cũng nhẹ. Bối cảnh hiện nay đã khác hồi thành phố chưa có vắc-xin. Vấn đề chính là đây, khi đã phủ tiêm chủng thì không còn gì đáng lo”, bác sĩ Phạm Hùng Vân nói.
Ngoài ra, theo bác sĩ, trẻ con tuổi mầm non và tiểu học mà bắt ghi nhớ, tuân thủ quá nhiều điều thì làm sao các em làm được. Nhà trường và gia đình cố gắng giữ cho các em luôn đeo khẩu trang và giữ vệ sinh, khoảng cách thật tốt, chạm bất cứ thứ gì phải rửa tay ngay. Khi trẻ từ trường về nhà, cha mẹ nhắc nhở các em rửa tay, tắm rửa sạch sẽ rồi mới ngồi vô bàn học, bàn ăn hoặc chơi với người thân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng đã thực hiện sổ tay “Phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học” dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới. Sổ tay được xây dựng cho phạm vi áp dụng gồm các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học.
Một số trường thiếu nhân viên y tế chuyên trách Báo cáo nhanh về kết quả học trực tiếp tại cơ sở giáo dục hôm 24/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, thời gian qua đã có nhiều thuận lợi khi có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa ngành y tế và giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn. Công tác của nhân viên y tế tại tuyến trạm y tế phường xã, thị trấn hiện đang quá tải dẫn đến tình trạng một vài trường hợp không kịp hỗ trợ nhà trường phát hiện và xử lý ca F0. Hiện có hơn 900 cơ sở giáo dục được trưng dụng cần sửa chữa, vệ sinh khử khuẩn sau khi trao trả. Một số cơ sở giáo dục mầm non vẫn còn đang bị trưng dụng. Phần lớn cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi nhiễm hoặc F0 và tầm soát F1 như đồ bảo hộ, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Một số trường thiếu nhân viên y tế học đường chuyên trách... Bên cạnh đó, một số cha mẹ học sinh không khai báo y tế địa phương và nhà trường khi có con em đang nhiễm bệnh trong thời gian học trực tiếp tại trường, gây cản trở công tác khoanh vùng xử lý F1 tại trường. Một số học sinh chưa thực hiện đúng quy định về khoảng cách trong giờ giải lao, cần phải có thầy cô nhắc nhở. Nam Anh |
Quốc Ngọc - Gia Tuệ