Học sinh tốt nghiệp THPT học quản lý giáo dục: Khó có đầu ra

02/08/2021 - 16:37

PNO - Việc một số trường đại học tuyển sinh ngành quản lý giáo dục đối với học sinh vừa tốt nghiệp THPT gây nhiều lo lắng về đầu ra cho người học.

Trường đại học Sư phạm TP.HCM vừa công bố kết quả xét tuyển thẳng và xét học bạ THPT các ngành tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2021. Trong đó, ngành cử nhân quản lý giáo dục có điểm chuẩn 27,5 điểm với các khối xét tuyển A00, C00 và D01.

Không chỉ trường này xét tuyển ngành quản lý giáo dục đối với học sinh vừa tốt nghiệp THPT, Học viện Quản lý giáo dục cũng xét điểm học bạ ngành quản lý giáo dục 18 điểm/ba môn. Trường đại học Sư phạm Hà Nội lấy điểm học bạ với ngành quản lý giáo dục là 73,75/90 điểm. Trường đại học Thủ Đô lấy 28/30 điểm, Trường đại học Quy Nhơn xét 18/30 điểm cho ngành này…

Thí sinh vừa tốt nghiệp THPT học quản lý giáo dục ngay khó có việc làm (ảnh minh họa)
Thí sinh vừa tốt nghiệp THPT học quản lý giáo dục ngay khó có việc làm (ảnh minh họa)


Một số chuyên gia cho rằng, đào tạo cử nhân quản lý giáo dục mà lấy đầu vào là học sinh mới tốt nghiệp THPT là bất cập cho người học. Đây là ngành học để tổ chức, quản lý giáo dục, hiểu nôm na là học ra để làm quản lý, không phải học ra để đứng lớp giảng dạy. Không giống như kinh doanh, người học có thể làm quản lý ngay khi ra trường. Trong lĩnh vực giáo dục, để quản lý hay tổ chức một đơn vị thì người đó phải hiểu rõ về giáo dục, nắm chắc hoạt động dạy và học… Do đó, đào tạo cử nhân quản lý giáo dục nên là văn bằng hai, dành cho những giáo viên đã kinh qua giảng dạy và có chuyên môn để làm quản lý. 

Cô Lê Thị Loan, nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục, cho biết: Đối với cử nhân quản lý giáo dục đầu vào là những học sinh vừa tốt nghiệp THPT, mục tiêu không phải đào tạo ra các nhà quản lý ở chức vụ như hiệu trưởng hay đứng đầu một cơ quan. Cụ thể, mục tiêu đào tạo cử nhân quản lý giáo dục tại Học viện Quản lý giáo dục là các cử nhân có thể làm việc ở các cơ quan quản lý chứ không phải đào tạo thành những nhà quản lý. Các cử nhân có thể làm việc tại phòng công tác sinh viên, giúp việc cho hiệu trưởng, hỗ trợ hiệu trưởng trong việc tổ chức và quản lý nhà trường. Tất nhiên, một sinh viên mới tốt nghiệp cử nhân quản lý giáo dục không thể làm lãnh đạo được. 

Theo cô Lê Thị Loan, cử nhân quản lý giáo dục với đầu vào là học sinh vừa tốt nghiệp THPT chỉ là bước tiền đề. Các cử nhân muốn có vị trí cao hơn trong sự nghiệp phải trải qua những vị trí làm việc khác nhau để tích lũy chuyên môn, kinh nghiệm. Hiện nay, trong ngành quản lý giáo dục có nhiều chuyên ngành như kinh tế học giáo dục, văn phòng… sau này ra trường có thể giúp việc cho hiệu trưởng về lĩnh vực kinh tế đào tạo, trợ lý đào tạo ở các cơ sở giáo dục…

Trong khi đó, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, cho hay để trở thành nhà quản lý, học sinh tốt nghiệp THPT phải qua trường đào tạo về chuyên ngành, có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực và học văn bằng tiếp theo về quản lý giáo dục. Sở không thể đề xuất một sinh viên mới tốt nghiệp quản lý giáo dục ngồi vào vị trí lãnh đạo, vì không có chuyên môn, không hiểu văn hóa trong lĩnh vực đó.

Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, việc đào tạo quản lý giáo dục cho những nhà giáo dục chắc chắn phải bằng hình thức văn bằng hai hoặc thạc sĩ quản lý giáo dục. Việc này là bắt buộc để nâng cấp giáo viên, giảng viên lên vị trí quản lý như trưởng, phó các đơn vị, hiệu phó, hiệu trưởng…

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI