PNO - Thông tư 28 về Điều lệ Trường tiểu học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ ngày 20/10 tới. Trong đó quy định học sinh tiểu học có thể học vượt lớp, nhưng thực tế... không dễ.
Trước khi vào năm học mới, chị Nguyễn N.K.T. (H.Bình Chánh) đã đề đạt nguyện vọng với ngành giáo dục, xin cho con là N.N.N.T. sáu tuổi, vừa hoàn thành bậc mầm non, được học vượt lớp.
Theo chị T., dù không dạy trước chương trình cho con nhưng bé đã biết đọc chữ trôi chảy, làm toán, hát... Nhận thấy con mình có khả năng học lớp Hai cộng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có quy định cho học sinh học vượt lớp, gia đình mong muốn xin cho bé học vượt từ mầm non thẳng lên lớp Hai, bỏ qua chương trình học lớp Một. Điều này cũng là nguyện vọng của bé. Bé được thử năng lực giải toán và đọc bài bất kỳ trong bộ sách Cánh diều (sách được chọn tại trường tiểu học bé sẽ học) và đều hoàn thành tốt.
Điều lệ Trường tiểu học cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học - Ảnh: Phùng Huy
Trước khi lên Sở GD-ĐT TP.HCM đề đạt ý nguyện và mong muốn được giải đáp, chị có làm đơn xin kiểm tra năng lực cho bé N.T. tại trường tiểu học bé sẽ nhập học cũng như nộp đơn xin học vượt lớp cho con. Nhưng nơi này cũng khá bối rối nên chị có đưa bé N.T. đến sở nhờ hướng dẫn. Theo Sở GD-ĐT, chương trình học còn rất nhiều môn, kỹ năng khác mà trẻ cần được tiếp cận, không chỉ là đọc, viết, làm toán. Vì vậy, bé N.T. được khuyến khích vào học lớp Một. Nếu trong quá trình học lớp Một, bé N.T. có khả năng vượt trội, gia đình có thể làm đơn đề nghị với nhà trường. Trường thành lập hội đồng khảo sát. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, quy định học vượt lớp trong Điều lệ Trường tiểu học của Bộ GD-ĐT trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Ngay trong điều lệ mới có quy định học sinh sáu tuổi phải vào học lớp Một. Điều lệ cũng có nội dung cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học, nghĩa là chỉ học vượt lớp, không được vượt cấp.
Điều lệ Trường tiểu học mới quy định học sinh tiểu học có thể học vượt lớp. Những học sinh có thể lực tốt, trí tuệ phát triển sớm có thể được xét học vượt lớp trong cùng cấp học. Căn cứ vào đơn xin của phụ huynh và kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn (gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội), hiệu trưởng có thẩm quyền quyết định.
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể để phát hiện, khảo sát và thẩm định khả năng của trẻ để xác định có nên cho học vượt lớp để phát triển khả năng hay không, không thể chỉ dựa vào mong muốn của cha mẹ. Chúng ta không nên ngộ nhận trẻ được học trước và trẻ có năng khiếu đặc biệt, điều chúng ta cần xác định là khả năng của đứa trẻ, chứ không phải là biểu hiện học được chương trình.
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, một đứa trẻ đôi khi phát triển không đồng đều, có thể vượt trội về toán học nhưng các lĩnh vực khác lại chỉ ở mức bình thường, rất khó để cho một đứa trẻ học vượt một khối lớp cụ thể mà phù hợp một cách tuyệt đối. Ở Việt Nam chưa thể thực hiện phát triển từng khả năng riêng biệt của trẻ ngay trong trường phổ thông. Như tại Úc, họ làm được điều đó, một đứa trẻ có thể học chương trình toán lớp Năm nhưng giờ học ngôn ngữ là chương trình lớp Một. Họ làm được như vậy vì tinh thần tự giác của phụ huynh và học sinh rất cao, đồng thời sự phát hiện, sàng lọc của nhà giáo dục cũng vô cùng khách quan và khoa học. Họ không có khái niệm học vượt lớp, vượt cấp.
Có một thực tế là không ít phụ huynh hay ảo tưởng và ngưỡng vọng quá sớm ở con cái. Việc cho con học sớm, học nhiều dễ khiến trẻ không phát triển bình thường. Ngày nay, một số trẻ có khả năng để học vượt lớp nhưng đó không phải là một tài năng gì to tát. Nguyên nhân là do cha mẹ có đủ điều kiện, giáo dục sớm. Trong giai đoạn những năm đầu đời, trẻ tiếp thu được khá tốt về ngôn ngữ, khả năng logic, toán học và các năng khiếu. Do đó, nhiều đứa trẻ bị "ép quả chín sớm". Vì thế, nhà trường, phụ huynh cần tỉnh táo trong lựa chọn cho trẻ học vượt.
Cần có bài thi trắc nghiệm thể lực, trình độ
Trao đổi với báo chí, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, cho biết quy định học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc học vượt lớp không phải điểm hoàn toàn mới mà đã có quy định trong điều lệ trường tiểu học ban hành trước đây. Nhưng ở điều lệ mới được quy định chặt chẽ hơn. Nếu trước đây việc này giao cho hiệu trưởng nhà trường quyết định thì ở điều lệ mới đã nêu rõ thủ tục xem xét với từng trường hợp cụ thể.
Một hiệu trưởng tiểu học ở Q.3 thừa nhận, thực tế các trường chưa có kinh nghiệm xử lý trong những trường hợp này, từ khâu thẩm định đến giai đoạn sau khi cho trẻ vượt lớp. “Trẻ không phải lúc nào cũng có năng lực đồng đều ở tất cả các lĩnh vực, môn học thì giáo viên sẽ dạy như thế nào vì lớp học đâu chỉ có một vài học sinh? Rồi đứa trẻ đó phải học tập và sinh hoạt với trẻ lớn tuổi hơn liệu có thể hòa nhập tốt không?... Chúng ta chưa có một nghiên cứu hay báo cáo bài bản về những đứa trẻ học vượt nên khá băn khoăn. Cần phải có những hướng dẫn cụ thể, bài thi trắc nghiệm về thể lực, trình độ…”, vị này đề xuất.
Năm 2025, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM tuyển sinh bằng 5 phương thức khác nhau, như: ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…
Trường dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng và ưu tiên; tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số, chung tay khắc phục bão Yagi... là những sự kiện lớn của ngành giáo dục trong năm 2024.