Học sinh tiểu học học trực tuyến: Khó hiệu quả

24/02/2021 - 06:02

PNO - Những ngày này, khi trẻ tạm dừng đến trường, việc học qua internet là cần thiết để không làm gián đoạn việc học. Tuy nhiên, có nhiều khó khăn phát sinh cần được giải quyết để mang lại hiệu quả tốt nhất cho trò, đỡ vất vả cho thầy và phụ huynh.

“Cô ơi, T. Tín lớp 4/1 chưa vào được ạ - Mẹ đã cho con ra màn hình nhập mật khẩu chưa. Nếu chưa nhập mật khẩu được thì khởi động lại máy hoặc mạng internet nhé! - Cô ơi, bạn Đ. Nguyên cũng không vào được - Ba khởi động lại máy nhé, lúc nãy các bạn bị vậy khởi động lại máy thì vào được ạ - Cô ơi, văng ra hoài, vào máy tính, laptop đều không ổn định, đăng nhập trên iphone thì khá hơn một tí…”.

Đây là diễn biến của một group liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh lớp 4/1 một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM khi các học sinh (HS) học online. Do liên tục xảy ra trục trặc nên việc học của HS thường xuyên gián đoạn, phụ huynh xoay xở, còn giáo viên quay cuồng trả lời, giải thích, hướng dẫn. Mới thấy, chuyện học trực tuyến tưởng không khó nhưng thực tế không hề dễ.

Học sinh tiểu học tại Q.5, TP.HCM đang học online tại nhà
Học sinh tiểu học tại Q.5, TP.HCM đang học online tại nhà

Con học online, phụ huynh nháo nhào

Chị Huỳnh Thị Thúy Liên (Q.8), phụ huynh lớp Một, cho biết: hằng ngày, giáo viên chủ nhiệm gửi link bài giảng môn toán và tiếng Việt, phụ huynh mở cho con xem, học, làm bài tập và gửi về cho cô trước 21 giờ. Cô xem, sửa và phản hồi ngay cho phụ huynh.  Phần này thì ổn, phụ huynh chủ động sắp xếp thời gian.

Nhưng phần học trực tuyến tiếng Anh tích hợp khó phù hợp với trẻ lớp Một vì phụ huynh chưa có kinh nghiệm. Phần này học theo đúng thời khóa biểu trên lớp.

Trường triển khai từ thứ Sáu (19/2) nhưng nhiều phụ huynh đến giờ học không đăng nhập vào Zoom được. Có nhiều tình huống phát sinh như: lỗi đường truyền, nhập sai phòng, mật khẩu, ứng dụng không có âm thanh, âm thanh xung quanh nhà HS quá ồn, ảnh hưởng đến lớp.

Các bé còn quá nhỏ, chưa tập trung, cũng không biết cách thao tác trên máy nên buộc phải có phụ huynh bên cạnh hỗ trợ. Trong khi, hầu hết phụ huynh đều đi làm nên giờ học ngay giờ hành chính cũng là vấn đề nan giải.

Chị Bé Hồng có con đang học lớp Một ở Q.Phú Nhuận “than trời” vì con chị cũng ngồi vào máy học online nhưng không lo nhìn cô, mà quẹt sang giao diện ngắm nhìn bạn học vì “con nhớ các bạn quá mẹ ơi!”.

“Buổi học nào mình cũng đánh vật với bạn ấy, hết hò hét để bạn tập trung vào thầy cô, còn phải liên tục chat với giáo viên để hỏi vì cứ bị trục trặc kỹ thuật. Con học nhưng cha mẹ không thể rời máy là vậy”, chị Hồng kể. 

Anh Minh Phát, giảng viên đại học ngành công nghệ thông tin tại TP.HCM, nói: “Con tôi học lớp Hai. Tôi phải túc trực kế bên khi con học, cả buổi sáng và buổi chiều. May mắn, thời điểm này, trường đại học cũng tạm dừng đến trường nên tôi có thời gian kèm. Còn bạn tôi phải xin nghỉ việc không lương một tuần để ở nhà học online với con. Có người chọn cách cho con nghỉ học trực tuyến luôn, chờ khi trở lại trường, giáo viên sẽ ôn tập…”. 

Trẻ lớp Một, Hai chưa thể tự học

Trong thời điểm này, cấp tiểu học không cần thiết học online. Nhất là học sinh lớp Một, Hai chưa đủ hiểu biết, trình độ sử dụng các công cụ tin học; không thể tự học, trong khi đó phụ huynh vẫn phải đi làm. Nếu vẫn dạy online là đẩy cái khó về cho phụ huynh.

Trong tình huống phải nghỉ học dài hơn, cần có chiến lược cho việc học trực tuyến. Đó là nhà trường phải cơ sở hạ tầng, dữ liệu online; thầy cô chuẩn bị bài giảng đầy đủ và đặc biệt đường truyền phải đủ mạnh để giờ học diễn ra tốt nhất. Nhà trường phải có các clip bài giảng và cung cấp cho HS xem trước, khi vào lớp chỉ tương tác, thảo luận.

Theo tôi, chuyển sang học buổi tối chỉ là giải pháp tình huống, không mang lại hiệu quả vì buổi tối là thời điểm đường truyền được sử dụng tối đa, việc học sẽ khó khăn. Thêm nữa, sau một ngày làm việc mệt nhọc, phụ huynh khó bình tĩnh khi cùng con học. Thời gian này, về mặt khoa học, cũng không phải thời điểm tốt nhất để trẻ học tập…
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường đại học Khoa học Tự nhiên 
(Đại học Quốc gia TP.HCM)

Còn con trai chị Nguyễn Thị Thu Sương (Q.1) đang học lớp Bốn, không gặp khó về thao tác máy nhưng suốt buổi học, hết loay hoay đi uống nước, ăn dặm đến xin đi vệ sinh. Nói chung, con chị tìm mọi cách để xả hơi.

Chị Thu, phụ huynh lớp 12 một trường quốc tế, đang lo lắng: “Mỗi ngày, con tôi ngồi vào bàn học từ 7g15 đến 16g30. Vì là năm học cuối cấp nên bài vở nhiều, buổi trưa chỉ kịp ăn vội vàng và nghỉ ngơi ngắn rồi trở vào học. Suốt ngày phải ngồi một chỗ với chiếc máy tính trong phòng, không được tiếp xúc bạn bè nên con bị cuồng chân tay”.  

Cách nào hiệu quả?

Từ ngày 22/2, HS lớp Một và Hai của TP.Hải Phòng sẽ ngừng học trực tuyến vì không mang lại hiệu quả. Ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hải Phòng, cho hay: “Chúng tôi điều chỉnh cách dạy học trực tuyến với HS lớp Một và Hai. Nhà trường không dạy bài mới cho HS bằng hình thức trực tuyến. Nhưng thầy cô vẫn gửi tài liệu, video ôn tập cho phụ huynh và nhờ kèm cặp con, chứ không phải dừng không học bài mới cũng không ôn tập”.

Ông Trà nói thêm: “Tôi tin nếu trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh khung chương trình năm học hay tinh giản nội dung. Thậm chí, còn hai tuần học dự phòng và quỹ của ba tháng hè để dạy bù.

Trẻ ngồi đủ mọi tư thế khi học online    Ảnh: Đoàn Kim Ngọc
Trẻ ngồi đủ mọi tư thế khi học online            Ảnh: Đoàn Kim Ngọc

Nếu làm gì hình thức, không hiệu quả, chúng tôi mạnh dạn thay đổi chứ không khiên cưỡng. Thay vì cứ bắt HS học trực tuyến không hiệu quả thì chúng tôi nghĩ giáo viên gửi tài liệu học cho phụ huynh, nhờ kèm con là tốt nhất”. 

Trong lúc này, nhiều trường tại TP.HCM cũng tìm cách điều chỉnh thời gian học sang ngoài giờ hành chính để phụ huynh có thể hỗ trợ; thuyết phục giáo viên nước ngoài chịu làm việc buổi tối; quay video bài học gửi cho phụ huynh và HS tham khảo trước khi vào giờ học…

Phụ huynh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.7) và một vài trường tiểu học ở Q.1 vừa nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm khối lớp Ba về lịch học online tiếng Anh tích hợp. Theo đó, lịch học trực tuyến trên nền tảng Zoom sẽ diễn ra từ 17g - 18g30. Đây là khung giờ được “chốt” sau khi tham khảo ý kiến phụ huynh, bởi trong giờ hành chính, các phụ huynh còn phải đi làm. 

Đứng trước nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh trong lớp, một phụ huynh lớp Ba Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho rằng, đang mùa dịch, mỗi phụ huynh phải cố gắng thu xếp công việc và gia đình để hỗ trợ nhà trường tổ chức học online cho con. “Như nhà mình, vợ chồng đi làm vẫn luân phiên xin về sớm để kịp có mặt giúp con đăng nhập vào buổi học”, vị phụ huynh cho hay.

Dạy học trực tuyến không phải dễ dàng

Nhiều quốc gia đã và đang áp dụng việc giảng dạy trực tuyến kể từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới, buộc các trường học phải đóng cửa, chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội. Sau gần một năm thực hiện, hầu hết các chuyên gia giáo dục, thầy cô, phụ huynh và cả HS đều thấy rằng việc học trực tuyến “khó chứ không dễ”.

Ecclesiastical, công ty bảo hiểm cho nhiều hệ thống giáo dục tại Anh, đã khảo sát 500 giáo viên trên khắp nước Anh. Kết quả cho thấy 85% giáo viên tin rằng dạy học trực tuyến là một thách thức. Gần 1/3 giáo viên phải liên lạc với HS và phụ huynh nhiều hơn qua email khi giảng dạy từ xa, và 31% cho rằng họ khó giám sát HS trong các bài học trực tuyến.

Bên cạnh đó, ước tính có khoảng 1,14 triệu đến 1,78 triệu trẻ em ở Anh không có máy tính xách tay hoặc thiết bị để học tại nhà, và 7% hộ gia đình chỉ có thể truy cập internet thông qua kết nối di động.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy môi trường học đường rất quan trọng để thúc đẩy động lực học tập và phát triển xã hội ở trẻ tiểu học; đồng thời, nhiều HS dựa vào trường học để được chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Tại Mỹ, số lượng trẻ em tự tử ở thành phố San Francisco trong năm 2020 đã đạt mức cao kỷ lục. Các chuyên gia y tế cho rằng việc đóng cửa các trường học “đang xúc tác cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em trong độ tuổi đi học”.

Kết luận này là cơ sở để chính quyền thành phố kiện học khu địa phương vào giữa tháng 2/2021, tạo sức ép để họ mở cửa trường học trở lại, giảng dạy trực tiếp thay cho trực tuyến.

Ngọc Hạ 

(theo CBA, ABC News, Computer Weekly)


Nhóm phóng viên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI