Cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp học sinh được phép không đến trường
Trước đề xuất học sinh tiểu học đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, cô Nguyễn Thị Hồng Yến (Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị, quận 1) cho biết, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận rất cao, chỉ một số phụ huynh e ngại dịch nên chưa đồng ý cho con đến trường. Việc học sinh được đi học trực tiếp sẽ đảm bảo giúp các em tiếp cận kiến thức, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực…
“Khi cho phép học sinh đi học trực tiếp, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về trường hợp không đến trường, trường hợp được đến trường cũng như việc tổ chức dạy học khi các em không thể đến trường. Bởi, khi học sinh không đến trường, nếu áp dụng hình thức phát trực tuyến với lớp học trực tiếp hay dồn lớp để dạy thì cũng không thể thực hiện lâu dài được, nhất là sau này tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày…”, cô Nguyễn Thị Hồng Yến kiến nghị.
|
Theo các nhà trường, cần có quy định cụ thể về trường hợp học sinh không được đến trường |
Sẵn sàng đón học sinh tiểu học trở lại trường, song ông Trịnh Vĩnh Thanh (Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp) băn khoăn “thế nào là trường hợp bất khả kháng, học sinh được phép không đến trường?”. Ông cho rằng, nếu đã cho học sinh đi học lại nhưng phụ huynh chưa an tâm, vẫn muốn con học trực tuyến thì không thể gọi là trường hợp bất khả kháng. Trong trường hợp này, phụ huynh không đồng ý cho con học trực tiếp vẫn phải cho các em đến trường kiểm tra.
“Học sinh chưa đi học trực tiếp có thể học trực tuyến qua hình thức sắp xếp các em vào thời khóa biểu của một lớp do khối trưởng phụ trách, giáo viên sẽ vừa dạy trực tiếp vừa phát song song cho các em, như vậy sẽ rất căng cho giáo viên… Chưa kể, nếu tăng thời lượng dạy của giáo viên thì buộc nhà trường phải tính phụ trội, trong tình hình dịch bệnh, điều này rất khó. Khi phụ huynh không cho con đi học trực tiếp, các em sẽ chịu thiệt thòi nhiều”, ông Trịnh Vĩnh Thanh nhấn mạnh.
Tương tự, bà Lê Thị Xinh (Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức) cho biết, 2 tuần nay địa phương đã nhắc nhở các trường chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại. Trong trường hợp bất khả kháng học sinh không đến trường học trực tiếp, nhà trường sẽ đặt camera để học sinh học trực tuyến cùng lớp học trực tiếp.
“Khó khăn lớn nhất khi tổ chức hình thức này là giáo viên không thể đồng thời tương tác với học sinh vừa học trực tiếp, vừa học trực tuyến. Do đó, học sinh lớp 1, 2 sẽ khá khó khăn khi nắm bắt bài học mà đơn thuần chỉ là các em theo dõi trực tuyến thầy cô đang dạy trực tiếp trên lớp với bạn. Nếu giáo viên dạy song song trực tiếp, trực tuyến thì sẽ không đảm bảo sức khỏe, thời gian…”, bà Lê Thị Xinh bày tỏ.
Chuẩn bị tâm thế cho phụ huynh, học sinh trước khi trở lại trường
Tại buổi họp chuẩn bị đón học sinh tiểu học trở lại trường do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bà Lâm Hồng Lãm Thúy (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, “bất khả kháng” không thể đến trường là trường hợp học sinh đang trong thời gian điều trị, cách ly, phong tỏa hoặc có lý do chính đáng. Trường hợp phụ huynh không đồng thuận cho con đến trường học trực tiếp vì chưa an tâm, vì con chưa tiêm vắc xin… không được xác định là trường hợp bất khả kháng.
Khi học sinh tiểu học trở lại trường, các trường sẽ duy trì dạy trực tiếp và trực tuyến, bởi vì số học sinh đang ở tỉnh chưa về lại thành phố vẫn còn khá nhiều. Ngoài ra, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa sẵn sàng đưa con đến trường.
“Không thể đưa ra một hình thức dạy học trực tuyến quy củ cho tất cả các trường. Phương án dạy trực tuyến cho học sinh không đến trường phù hợp theo từng lớp học, theo từng thỏa thuận của phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm (GVCN), phù hợp với từng địa phương. Về hình thức dạy sẽ do hiệu trưởng linh động, đảm bảo quyền lợi của học sinh”, bà Lâm Hồng Lãm Thúy nhấn mạnh.
|
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các trường chú trọng chuẩn bị tâm thế cho phụ huynh, học sinh trước khi trở lại trường |
Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, bà Lâm Hồng Lãm Thúy đề nghị các trường họp với giáo viên, phụ huynh để phụ huynh có tâm thế chuẩn bị cho con trở lại trường. Đặc biệt là làm tư tưởng cho phụ huynh, tránh để phụ huynh e ngại làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.
“Trước khi các em trở lại trường, GVCN phải tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch cho phụ huynh, học sinh, tạo tâm thế, tâm lý, giúp các em có kỹ năng trước, không đợi khi học sinh đến trường mới hướng dẫn. Trong tuần đầu đi học trực tiếp, có thể giúp học sinh làm quen, hình thành nề nếp, kỹ năng phòng chống dịch sau thời gian ở nhà quá lâu”, bà Thúy lưu ý.
Bài kiểm tra học kỳ 1 không đánh giá được học sinh học tốt hay không Về việc kiểm tra học kỳ 1 với học sinh không đến trường, bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết, với từng trường hợp bất khả kháng, nhà trường sẽ xin ý kiến phòng giáo dục về phương án tổ chức kiểm tra cho học sinh. Bà Thúy chỉ rõ, kết quả kiểm tra học kỳ 1 là căn cứ để nhà trường, giáo viên điều chỉnh phương pháp, hình thức dạy học, rà soát lại việc học tập trong thời gian học trực tuyến để đưa ra kế hoạch giúp các em hoàn thành chương trình. Kết quả này không phải là áp lực để đánh giá học sinh học tốt hay không tốt mà chỉ phản ánh một thời điểm. Đánh giá thường xuyên mới chính là căn cứ quan trọng để đánh giá. “Quá trình học của học sinh trên lớp mới đánh giá được phẩm chất, năng lực của các em. Quá trình đánh giá thường xuyên sẽ là căn cứ để thầy cô trao đổi, cùng với phụ huynh giúp đỡ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập. Lãnh đạo các trường cần phải lưu ý, quan tâm, làm tư tưởng cho phụ huynh về vấn đề này bởi thực tế còn rất nhiều phụ huynh áp lực điểm số học kỳ của con”, bà Lâm Hồng Lãm Thúy nhấn mạnh. |
Én Bông