Học sinh tiểu học đang được khen… vô tội vạ

11/01/2015 - 14:13

PNO - PNO - Đi học về, thằng cháu tôi hớn hở chìa ra khoe tấm giấy khen vừa được phát ở trường. Lướt qua nội dung, tôi thật sự bất ngờ với thành tích “học tập tiến bộ, mạnh dạn giao tiếp”. Thành tích mới chăng?

edf40wrjww2tblPage:Content

 Khen vô tội vạ

Qua nhà người chú chơi, con trai của chú cũng hí hửng khoe đạt thành tích hoành tráng hơn: “Nổi bật về năng lực và phẩm chất”. Ôi chao, thằng bé mới vào lớp Hai thôi, liệu nó có hiểu nổi lời khen đó không?

Chắc chắn, ở năm học này, đặc biệt là cấp tiểu học sẽ có sự “bùng nổ” lời khen lẫn giấy khen. Khen vô tội vạ, có đi học đều đáng được khen.

Hoc sinh tieu hoc dang duoc khen… vo toi va

Bất ngờ với thành tích của em họ lẫn đứa cháu, tôi lên mạng tìm hiểu mới hay đây là chỉ đạo từ Bộ, từ Sở GD-ĐT.

Theo đó, giáo viên chủ nhiệm phải hướng dẫn học sinh bình bầu ra những học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc tiến bộ vượt bậc trong phong trào thi đua hoặc học tập; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh, tổng hợp và lập danh sách đề nghị khen thưởng.

Có vô số “hạng mục” để đạt thành tích: hoàn thành tốt nội dung môn toán; có tiến bộ vượt bậc môn tiếng Việt; có sáng tạo và say mê môn mỹ thuật; có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản; luôn nhiệt tình và giúp đỡ bạn học tập… Toàn những “thành tích” không ngờ đến, ngôn từ lại đao to búa lớn.

Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được nhìn nhận năng lực, động viên để tiến bộ, khen tặng khi làm tốt hay học tốt, nhưng cách làm mới này có gì đó bất ổn. Em này đạt “thành tích” mà em khác không có “thành tích” để khen thì khó coi, vậy là phải cố tìm cho ra ưu điểm nào đó để mục “đạt thành tích” có nội dung.

Việc giáo viên phải phối hợp với phụ huynh để đưa ra đánh giá cũng giảm đi tính khách quan. Trong mắt các bậc cha mẹ, con mình bao giờ cũng giỏi giang, ngoan ngoãn và nhiều ưu điểm. Vậy là lớp học 50 học sinh thì cả 50 em đều có giấy khen mang về.

Chưa kể việc học sinh được tham gia vào việc đánh giá cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo. Các em còn quá nhỏ để hiểu, để đánh giá chính xác cái gọi là tiến bộ hay nỗ lực. Lứa tuổi các em, chỉ đơn thuần là bạn này học giỏi hay không, ngoan hay quậy, hiền hay dữ… Em này chơi thân với em kia thì mặc nhiên bạn đó tốt, hay được điểm cao là học giỏi và ngược lại. Hoàn toàn cảm tính và vô tư.

Người lớn chúng ta còn bị tình cảm chi phối thì tại sao bắt trẻ nhỏ phân định cụ thể.

Để học sinh tham gia vào đánh giá kết quả học tập là nét mới tích cực nhưng nó lộ ra khuyết điểm khi áp dụng cho khối tiểu học. Khi làm một bài tập làm văn tả người bạn thân, có em còn hồn nhiên viết “Em rất thích bạn X vì bạn ấy rất độc ác…” thì làm sao hiểu nổi thế nào là “ý thức trách nhiệm” hay “tự phục vụ, tự quản”.

Làm giáo viên tiểu học cả chục năm, người bạn thân của tôi than thở: “Thầy cô tiểu học bây giờ bị buộc phải khen, phải vuốt ve hết lời. Làm xong mớ sổ liên lạc và học bạ là mệt rũ người, stress kinh khủng với những đánh giá nhận xét. Cấm được nhận xét thẳng thắn kiểu chê bai bất kể học lực và hạnh kiểm em đó có vấn đề. Dù thế nào cũng phải tìm cho ra ưu điểm để khen bằng được thì thôi”.

Lạm phát giấy khen

Tờ giấy khen hiện nay cũng có nhiều điều đáng nói. Việc giấy khen được phát như cho không vô tình làm giảm sút giá trị và ý nghĩa của thứ đáng ra phải được trân trọng.

Bởi lẽ, người nhận phải phấn đấu thế nào mới có được nó chứ không phải ai ai cũng được như nhau. Dễ dàng có thì xem nhẹ, xem xong rồi vứt đâu đó, lỡ có mất thì cuối năm lại có cái khác.

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Có lần tôi mua sách cũ, bên trong còn kẹp tờ giấy khen xếp làm đôi, phần nào cho thấy sự trân quý của người nhận với tấm giấy đó ở mức độ nào. Khi còn đi dạy tiếng Anh mẫu giáo, trung tâm ngoại ngữ yêu cầu chọn ra mỗi lớp hai học sinh để trao giấy khen và tặng phần thưởng cuối năm. Tôi vào văn phòng báo danh sách, cô nhân viên học vụ mở ngăn kéo lấy ra xấp phôi giấy khen ghi tên học sinh để đưa tôi ngay.

Chẳng may, cô ấy nghe nhầm nên ghi sai, vậy là thẳng tay vò tờ giấy, vứt thẳng vào sọt rác dưới chân, điềm nhiên rút tờ phôi khác ghi lại. Sai thì phải bỏ nhưng nhìn tấm giấy khen nhăn nhúm vì bị lỗi bay thẳng vào sọt rác, cảm giác như đó chỉ là tờ giấy lộn không hơn không kém.

Lúc nhỏ, ba tôi làm cho mỗi đứa con một cái bìa sơ mi bằng giấy cứng. Cái bìa để tên từng đứa là nơi lưu giữ toàn bộ giấy khen suốt thời đi học. Tất cả đều được gìn giữ cẩn thận và trang trọng. Những tấm giấy be bé bên trong là kết quả học tập mà chủ nhân phải nỗ lực cả học kì, có khi cả năm học mới có được. Mỗi đợt xét chọn khen thưởng như thế, mỗi lớp chỉ được chọn ra 5 em đứng đầu, thậm chí có khi chỉ 3 em để trao giấy khen và nhận phần thưởng.

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

Phần thưởng thường là tập. Sách vở rồi sẽ dùng đến, sẽ hao mòn và mất đi nhưng giấy khen vẫn còn đó. Đó là niềm vinh dự và lòng tự hào khi mọi thứ qua đi. Thời gian đã làm cho cái bìa sơ mi mòn gáy, mấy tấm giấy khen cũng ố vàng, nhưng sau gần 30 năm vẫn chứa đựng vẹn nguyên sự kiêu hãnh.

Tại một số gia đình, đặc biệt là vùng nông thôn, tấm giấy khen còn được lồng trang trọng sau khung kính, treo trên vách nhà. Điều đó đủ thấy tấm giấy khen mang ý nghĩa thế nào.

Thời nay, giấy khen được ban phát đại trà. Giấy khen là sự ghi nhận nhưng sở hữu một cách dễ dàng như hiện nay sẽ làm người nhận có cái nhìn méo mó về danh hiệu: hoặc háo danh, hoặc xem nhẹ sự cố gắng.

Với tình hình này, “mạnh dạn giao tiếp” cũng nằm trong hạng mục được trao giấy khen thì kể cả khi em học sinh nào lỡ đau ốm phải gián đoạn việc học thời gian dài thì cũng yên tâm cuối năm lên nhận giấy khen vì đạt thành tích “có nỗ lực đến trường”.

Tôi không rõ các bậc phụ huynh cảm thấy thế nào khi con em mình khoe tấm giấy khen vì đạt thành tích các kiểu này, nhưng với riêng tôi, câu “con cái chúng ta giỏi thật” bao giờ cũng chua chát.

Đừng làm người thầy khổ thêm vì những sáng kiến từ mấy vị toàn ngồi phòng máy lạnh, đừng dạy trẻ tự mãn về các giá trị ảo mà hãy để chúng thật sự hãnh diện trong từng lời khen, biết nâng niu gìn giữ tấm giấy khen trang trọng ghi tên mình.

ĐÀM CHÂU SONG THUẬN (P.Phú Thọ Hòa Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI