Học sinh tiểu học cũng kè kè điện thoại thông minh

09/10/2023 - 06:12

PNO - Gần 17g, Tuấn Kiệt - học sinh lớp Năm của một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận, TPHCM - về đến nhà. Vứt ba lô lên bàn, giữ nguyên bộ đồng phục, Kiệt nằm ra giường ôm ngay chiếc điện thoại thông minh (smartphone), dán mắt vào màn hình.

Trường cấm, phụ huynh vẫn cho dùng

Ngồi trên võng cạnh đó, bà ngoại Tuấn Kiệt liên tục hỏi han việc học hành, ăn uống ở trường nhưng Kiệt chỉ đáp lại một cách nhát gừng, cộc lốc. Chỉ khi bà dọn cơm lên và quát lớn, Kiệt mới chịu buông điện thoại để ngồi ăn. Nhưng cu cậu và từng búng cơm lớn, vừa ăn hết chén đã trở lại giường, tiếp tục dán mắt vào màn hình cho đến khi điện thoại cạn sạch pin. 

“Cha mẹ nó đi làm xa, tôi thấy tội nên đưa điện thoại cho xài. Hồi đầu, bà cháu cũng đặt ra quy tắc, giờ giấc nhưng khi có điện thoại rồi thì nó quên sạch. Tôi nói nó lo học hành, mà nói nhiều là nó cự” - bà ngoại Tuấn Kiệt kể với vẻ bất lực. 

Cùng hoàn cảnh, chị Thanh Hương - có con đang học lớp Bốn ở quận 3, TPHCM - không khỏi bất ngờ khi con gái bật lên một câu nói bậy được giới trẻ yêu thích. Chị nhắc ngay: “Câu đó là câu nói bậy”. Con gái chị ngơ ngác: “Ủa, vậy hả mẹ? Con không biết”. Chị bỗng hiểu ra rằng, đó là câu được nói nhiều trên mạng xã hội, trở thành trào lưu (trend). Vài năm trước, con chị thường xem kênh YouTube Thơ Nguyễn và bị nhiễm cách nói không mấy hay ho của chủ kênh. 

Theo khảo sát của Google, trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi, trong khi trên thế giới là 13 tuổi ẢNH: PHÙNG HUY
Theo khảo sát của Google, trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ 9 tuổi, trong khi trên thế giới là 13 tuổi  - Ảnh: Phùng Huy

Mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại reo trong giờ học, cô Nguyễn Thị Quý Linh - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Tân Phú, TPHCM - đều nhắc rằng nhà trường cấm học sinh mang điện thoại vào lớp, đồng thời yêu cầu phụ huynh không đưa điện thoại cho con. Cách đây 2 năm, cô đã chứng kiến 1 nam sinh lớp Năm có những suy nghĩ như thanh niên do được dùng điện thoại từ sớm. Nam sinh này lên mạng xã hội Facebook, Zalo kết bạn với những nữ sinh THCS, THPT rồi yêu đương, tranh giành người yêu. Nam sinh này biết hầu hết trang web game, web 18+ và những ngôn từ của người lớn như “phi công”, “lái máy bay bà già” (ý chỉ việc yêu người lớn tuổi hơn). 

Do bận việc, cô giáo Hồng Hoa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã đưa điện thoại cho con chơi khi con mới học mầm non. Khi con vào bậc tiểu học, cô phải đưa con đi cai điện thoại bởi con chỉ thích nói chuyện với cái máy chứ không phải với cha mẹ”. Hiện tại, con cô đã học lớp Sáu và 2 người đã nhất trí với nhau rằng con chỉ dùng điện thoại 1 giờ trong mỗi ngày cuối tuần nhưng mỗi khi cô lấy lại điện thoại, đứa con vẫn tỏ vẻ bất phục mà theo cô, “chỉ cần có điện thoại thì sao cũng được”.

Học sinh mất tập trung, cộc cằn

Hầu hết trường tiểu học ở TPHCM không cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp, nhưng một số phụ huynh vẫn cho con mang theo để liên lạc hoặc chụp lại bài giảng. 

Cô Võ Thị Thùy Linh - giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM - cho rằng, việc học sinh mang theo điện thoại là không cần thiết bởi ở cấp tiểu học, sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường vô cùng chặt chẽ. Khi tan học phải có phụ huynh đến đón, học sinh mới được ra cổng nên không cần gọi điện thoại. Việc để con tự học bằng điện thoại cũng “hại nhiều hơn lợi” do trẻ cứ tìm kiếm cách học bài hay trên internet nên dần ỷ lại, không chịu tư duy. 

 

Các trường tiểu học ở TPHCM không cho dùng nhưng nhiều phụ huynh vẫn mua điện thoại thông minh cho con để tiện liên lạc - ẢNH: S.V.
Các trường tiểu học ở TPHCM không cho dùng nhưng nhiều phụ huynh vẫn mua điện thoại thông minh cho con để tiện liên lạc - Ảnh: S.V.

Ông Trần Thế Đức - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TPHCM - cũng cho hay, khi cần liên hệ gấp với người thân, học sinh có thể dùng điện thoại của trường; tất cả bài giảng đều được công bố trên website của trường, giáo viên cũng có nhóm Zalo chung để giải đáp thắc mắc nên học sinh không cần phải chụp lại bài giảng. “Nếu phát hiện điện thoại trong lớp, giáo viên sẽ nhắc nhở trực tiếp với phụ huynh, đề nghị phụ huynh quản lý việc dùng điện thoại của con, cụ thể là dùng vào việc gì” - ông nói. 

Sau nhiều năm quan sát, cô Nguyễn Thị Quý Linh nhận xét, những học sinh mang điện thoại đến trường ít tập trung vào bài giảng và giao tiếp cộc cằn với bạn bè. Khi phụ huynh đặt điều kiện cho con dùng điện thoại nếu làm xong bài tập, con sẽ làm dối, cốt cho xong bài. Theo cô, việc cho con dùng điện thoại hay không là tùy thuộc quan điểm của phụ huynh khi so sánh cái lợi, cái hại nhưng phụ huynh nên thiết lập mức thời gian cụ thể, hợp lý, đồng thời kiểm tra mức độ đáng tin cậy của các trang mạng, ứng dụng, game mà con đang dùng. 

Cô nói: “Điều quan trọng nhất là cha mẹ không được “bỏ rơi con”. Cha mẹ phải tương tác và chơi cùng con mỗi ngày để con không cần đến điện thoại. Nếu để con “lậm” điện thoại thì khi học lên cấp II, cấp III, tính sở hữu của con rất cao, dễ phản ứng lại nếu bị ngăn cản”. 

Để con không bị “lậm” điện thoại, chị Thanh Hương đặt mật khẩu cho thiết bị, yêu cầu con phải xin phép, nói rõ mục đích cũng như thời lượng dùng. Nếu không giữ đúng lời hứa, con sẽ bị cấm dùng điện thoại trong 1 tuần hoặc 1 tháng. Tuy vậy, chị không bao giờ giật điện thoại ra khỏi tay con một cách sỗ sàng. Dù bận rộn công việc, chị vẫn sắp xếp thời gian để đưa con đi chơi, sinh hoạt ngoại khóa để con không cảm thấy cô đơn. 

Trang Thư

Các nước tìm cách giúp trẻ an toàn trên mạng xã hội 

Theo một khảo sát được tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Common Sense Media công bố năm 2022, số giờ mà trẻ em Mỹ từ 8-12 tuổi dùng mạng xã hội mỗi ngày trong giai đoạn 2019-2021 đã tăng 17% so với 4 năm trước đó, từ 4 giờ 44 phút lên 5 giờ 33 phút.

Còn theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge (Anh), trẻ gái từ 11-13 tuổi dành nhiều thời gian trên mạng xã hội sẽ ít hài lòng với cuộc sống của chúng trong năm tiếp theo. 

Cô Diana Graber - người sáng lập trang web hỗ trợ người trẻ sử dụng công nghệ một cách an toàn Cyberwise - nhận định, mạng xã hội thường chứa những nội dung bạo lực, kinh dị, tự gây hại và khiêu dâm. Thêm vào đó, tin giả, tin bị bóp méo nội dung tràn lan trên nhiều nền tảng. Graber nói: “Trẻ nhỏ chưa thể phân biệt được thật, giả nên dễ bị những thông tin sai lệch dẫn dắt và rất mơ hồ về thế giới trước mặt chúng”.

Theo các chuyên gia, khó cấm cản hoặc loại bỏ hoàn toàn việc trẻ nhỏ dùng mạng xã hội, nên người lớn cần tìm nhiều cách giải quyết. Chẳng hạn, theo Graber, cha mẹ có thể ngồi cùng con, hỏi chúng trong một ngày đã tiêu tốn thời gian như thế nào: “Thường thì chúng sẽ ngạc nhiên khi thời gian dành cho màn hình là quá nhiều”. Sau đó, cha mẹ cho trẻ lên danh sách 25 điều phải làm nếu không sử dụng mạng xã hội và đề nghị chúng phải hoàn tất trong vòng 24 giờ.

Một cách khác là thường xuyên trò chuyện với trẻ về mạng xã hội, hỏi chúng thích người nào trên YouTube và tại sao. Nếu chúng thích nền tảng mạng xã hội khác thì hỏi chúng thường xem nội dung nào và thích gì trên đó. Thông qua tìm hiểu, cha mẹ có thể định hướng cho con.

Tiến sĩ Devorah Heitner - tác giả cuốn “Screenwise: Helping Kids Thrive (and Survive) in Their Digital World” (tạm dịch: “Sử dụng màn hình khôn ngoan: Giúp trẻ lớn mạnh (và tồn tại) trong thế giới số của chúng”) đề nghị một cách hiệu quả là trao đổi với trẻ về “bản chất trình diễn” của mạng xã hội, bởi những gì người ta đưa lên đó thật sự không phản ánh đời sống thật hằng ngày. 

Vô Thường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI