Học sinh “cõng”… bao nhiêu đầu sách đến trường?

30/08/2023 - 18:55

PNO - Học sinh tiểu học học cõng khoảng 30 đầu sách đến trường, song nhiều đầu sách, vở bài tập, kể cả dụng cụ học tập không sử dụng đến.

Ì ạch đến trường

Năm học 2023-2024, gia đình chị Đỗ Hồng (ngụ TP Thủ Đức) có 2 con nhỏ học lớp 2, 3. Chuẩn bị năm học mới cho các con, chị Hồng nhẩm tính, riêng các khoản về sách giáo khoa, sách bài tập, dụng cụ học tập, đồng phục đầu năm của 2 bé đã lên đến gần 7 triệu đồng. 

“Năm học trước, bé lớp 3 nhà mình đã học lớp 2, các bộ dụng cụ học tập là bộ thực hành toán lớp 2 cũng như sách bài tập hầu như không dùng đến trong suốt năm học. Vậy nhưng, trong năm học mới, giáo viên vẫn yêu cầu các con phải có đủ bộ dụng cụ này cùng sách bài tập để mang đến trường. Nhà trường không yêu cầu phụ huynh học sinh phải mua sách, tập tại trường song yêu cầu phụ huynh phải chuẩn bị đầy đủ cho học sinh trong năm học mới. Điều này là rất lãng phí” - chị Đỗ Hồng chia sẻ.

 

Học sinh tiểu học đang phải cõng quá nhiều sách khi đến trường. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Học sinh tiểu học đang phải "cõng" quá nhiều sách khi đến trường. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Chị cho biết thêm, bộ thực hành toán lớp 2, 3 có giá trên 200.000 đồng. Trong khi đó, vở bài tập lớp 2 có giá 139.000 đồng, lớp 3 có giá 151.000 đồng. Chị nhẩm tính, bé lớp 3 hiện phải “cõng” khoảng 30 đầu sách khi đến trường, bé lớp 2 sẽ “cõng" khoảng 27 đầu sách. 

Có con vào lớp 1, chị Tuyết Nhung (ngụ quận Bình Thạnh)… choáng với các khoản chuẩn bị cho con đầu năm học. Ngoài sách giáo khoa còn có vở bài tập, bộ dụng cụ thực hành toán - tiếng Việt, tin học, tiếng Anh, đồng phục học, đồng phục thể dục, đồng phục bán trú. Trong đó, sách tập đều phải được bao tập, dán nhãn. Đặc biệt, chỉ riêng tiếng Anh thôi đã phải mua đến 4 cuốn.

“Tôi không hiểu các bé học gì mà lắm thế, kể cả sách giáo khoa và vở bài tập lên đến trên 20 cuốn, đó là còn chưa bao gồm sách tiếng Anh, tin học. Với trẻ lớp 1, bằng đấy cuốn sách là quá kinh khủng, nhưng không thể không có vì nếu như mình không mua sách bài tập mà ở lớp các bạn có, con mình lại không có thì không được…” - chị Nhung bày tỏ.

Không để tình trạng... học sinh mua sách mà không dùng

Chị Tú Quỳnh - phụ huynh học sinh một trường tiểu học ở quận 12 cho biết, kết thúc năm học lớp 1, rất nhiều sách giáo khoa, vở bài tập và đồ dùng học tập chị sắm từ đầu năm song cả năm con không dùng đến. Đến cuối năm học vẫn còn mới tinh.

Tuy nhiên, đến năm lớp 2, con chị vẫn phải chuẩn bị đầy đủ.

Chú Tú Quỳnh nhẩm tính, con chị lớp 3 phải cõng 30 đầu sách đến trường
Theo chị Tú Quỳnh, con chị học lớp 3 phải "cõng" 30 đầu sách đến trường

“Các sách như mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, tự nhiên xã hội, giáo dục thể chất trong danh mục sách giáo khoa nhưng cả năm học con không dùng đến, vẫn còn mới tinh. Bộ thực hành toán - tiếng Việt lớp 1 phụ huynh được giáo viên yêu cầu chuẩn bị song cũng không dùng đến, rất lãng phí. Thế nhưng, vì trường chỉ học 1 buổi, nên sáng con mang đồ đi, trưa phải mang đồ về. Trẻ lớp 1 nhưng “cõng” quá nhiều sách tập đến trường, khiến con quá ngộp” - chị Quỳnh bức xúc.

Chị cho rằng, để tránh tốn kém cho phụ huynh và bớt áp lực cho trẻ thì sách giáo khoa tiểu học nên được tinh gọn, có những bộ môn như hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất… chỉ cần giáo viên có tài liệu là đủ, không bắt buộc học sinh phải mua vì mua cũng chưa chắc dùng đến. “Trẻ lớp 1 mà gánh cả hơn 20 đầu sách cả vở bài tập thì là quá sức” - chị bày tỏ.

Thầy Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - nhìn nhận, về nguyên tắc khi đã có môn học thì phải có sách giáo khoa. Tuy nhiên, với Chương trình GDPT 2018 số môn học nhiều, việc dạy học trên lớp với thời lượng ít có thể đã hạn chế phần nào việc sử dụng sách giáo khoa, nhất là các môn học như giáo dục thể chất đòi hỏi học sinh vận động nhiều. 

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, đối với vở bài tập và bộ dụng cụ thực hành môn học ở các khối lớp Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT TPHCM không yêu cầu các trường tiểu học bắt buộc học sinh phải có.

Đầu năm học, hiệu trưởng các trường thành lập Hội đồng lựa chọn, đề xuất danh mục xuất bản phẩm tham khảo trên cơ sở đề xuất của tổ, nhóm chuyên môn. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng lựa chọn, hiệu trưởng ban hành quyết định phê duyệt danh mục xuất bản phẩm tham khảo trong năm học để có kế hoạch mua sắm và sử dụng trong nhà trường.

"Các trường cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tài liệu tham khảo tại trường để phụ huynh biết. Không ép buộc phụ huynh mua tài liệu tham khảo" - bà Lâm Hồng Lãm Thúy nói rõ.

Từ thực tế phản ánh của phụ huynh, đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết sở sẽ yêu cầu các phòng giáo dục rà soát thực trạng sử dụng sách giáo khoa, vở bài tập và bộ dụng cụ học tập tại các trường tiểu học. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giáo viên yêu cầu học sinh phải có vở bài tập. Đặc biệt, khi giáo viên đã yêu cầu học sinh chuẩn bị dụng cụ học tập thì phải sử dụng, phục vụ học tập.

Bên cạnh đó, trong hướng dẫn đầu năm học bậc tiểu học TPHCM năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các khối lớp thống nhất sử dụng 3 quyển vở ô li: vở toán, vở tiếng Việt, vở bài học. Riêng lớp 1 không bắt buộc phải có vở bài học, khuyến khích học sinh lớp 1 sử dụng vở bài học từ giữa học kỳ 2.

Quốc Trung

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI