Học sinh thừa cân ở Mỹ bị bạn bè bắt nạt, đe dọa, gọi bằng những biệt danh mỉa mai

03/10/2016 - 06:30

PNO - Các em học sinh cho biết từng bị bạn bè bắt nạt do vấn đề cân nặng ở lớp 7. Các em bị cô lập, đe dọa, gọi bằng những biệt danh mỉa mai, thậm chí bị tấn công.

Theo nghiên cứu mới từ ĐH California (Mỹ), vấn nạn thanh thiếu niên thừa cân bị kỳ thị hoặc bị bắt nạt trong năm đầu tiên học trung học sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng những vấn đề tinh thần vào hai năm sau. Sự cô độc, lo lắng thường xuyên ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý, thậm chí dồn ép trẻ đến bước đường cùng.

Khoảng 5.000 học sinh (HS) đủ sắc tộc, giới tính là đối tượng khảo sát của nghiên cứu trên, kết quả 1/3 số HS cho biết từng bị bạn bè bắt nạt do vấn đề cân nặng ở lớp 7. Các em bị cô lập, đe dọa, gọi bằng những biệt danh mỉa mai, thậm chí bị tấn công.

Hậu quả của nạn bắt nạt đã “bóp méo” chuẩn mực xã hội, khiến trẻ trở nên tự ti dù chúng hoàn toàn bình thường. Ở các bé gái, tác động về thể chất càng rõ hơn, với những biểu hiện đau đầu, buồn nôn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) những hậu quả của việc bị bắt nạt bao gồm: trầm cảm, lo âu, bạo lực giữa các cá nhân, lạm dụng chất gây nghiện, chức năng xã hội kém, kết quả học tập sa sút và giảm chú ý. Nguy hiểm hơn là gia tăng tỷ lệ tự sát ở nhóm thanh thiếu niên thường xuyên bị bắt nạt.

Hoc sinh thua can o My bi ban be bat nat, de doa, goi bang nhung biet danh mia mai
Nếu con trẻ có vấn đề về cân nặng, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn

Tháng Tám vừa qua, cái chết của cậu bé 13 tuổi Daniel Fitzpatrick tại New York đã khiến cả nước Mỹ xôn xao. Daniel là đứa trẻ nhạy cảm, thường bị bắt nạt vì trọng lượng cơ thể và điểm số.

Trong thư tuyệt mệnh, Daniel nói, cuộc sống tại trường học của em vốn rất tốt, nhưng khi gia đình chuyển đi nơi khác một thời gian và quay trở lại, mọi thứ đều thay đổi. Những đứa trẻ từng là bạn thân của Daniel đã quay sang bắt nạt cậu bé.

Khi Daniel nhờ đến sự giúp đỡ từ giáo viên và hiệu trưởng, chỉ duy nhất một cô giáo đáp lại thỉnh cầu của cậu bé, nhưng sự hỗ trợ này cũng không được lâu. Dù nhiều người có thể thông cảm cho những trò đùa quái ác của bọn trẻ, nhưng sự thờ ơ, vô tâm của người lớn chính là giọt nước tràn ly.

Tại các trường học Mỹ, vấn nạn HS bị bắt nạt do cân nặng không mới. Theo Trung tâm Phòng chống bạo lực học đường quốc gia, gần 1/4 tổng số HS bị bạn bè bắt nạt (chiếm 22% vào năm 2015). Trong đó, tỷ lệ bị kỳ thị do hình thể chiếm đến 37% ở nữ sinh, khoảng 30% ở nam sinh. Có 84% trường hợp trong số này thường xuyên bị xúc phạm bằng cách đặt biệt danh hay chọc ghẹo trong giờ thể dục. Lối thoát tốt nhất của nạn nhân bị bắt nạt là phải tự cứu lấy mình.

Nữ sinh 19 tuổi Hannah Battiste ở Canada mồ côi cha, thường xuyên bị chọc ghẹo ở trường về cân nặng, một số bạn học thậm chí còn “độc miệng” bảo cô nên tự tử. Sau lần tự sát bất thành cuối năm 2015, Hannah hoàn toàn thay đổi. Cô trở nên tự tin, tích cực viết thư, tham gia các công tác xã hội, dùng óc hài hước của bản thân để gắn kết với những người cùng cảnh ngộ qua internet.

Trên trang facebook của mình, cô viết: “Mặc cho tất cả phán xét, tôi biết tôi là ai, tôi biết mục đích tồn tại của mình trong cuộc sống”. Bài viết này của Hannah đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ khắp thế giới.

Ảnh hưởng từ những người xung quanh đối với chuyện bắt nạt là rất lớn. Hơn một nửa số tình huống bắt nạt (57%) đã dừng lại khi có một người đứng ra can thiệp. Bạn bè thân thiết là đối tượng trẻ tìm đến đầu tiên khi gặp rắc rối tại trường học.

Vì vậy, phụ huynh nên dạy con mình những điều sau nhằm đối phó với nạn bắt nạt trong trường học: Luôn gắn kết với bạn bè thân thiết và đi thành nhóm, tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn hay giáo viên, bình tĩnh khi bị trêu chọc, được phép chống trả nếu bị dồn ép quá mức. Phụ huynh đồng thời cũng phải dành thời gian nhiều hơn cho trẻ, động viên con em mình hoạt động thể chất và tham gia một lớp võ tự vệ nếu cần thiết.

Bảo Tùng

(Theo Reuters, Daily Mail, Pacer.org, CBC, Healthy Children)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI