Học sinh THPT học đại học sớm: "Vượt cấp" cần cơ chế phù hợp

28/12/2023 - 07:44

PNO - Việc học sinh xuất sắc THPT được học tín chỉ một số môn đại học phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 cần có cơ chế phù hợp.

Tại Hội nghị thường niên Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - thông tin, năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho học sinh THPT vượt trội. Hình thức không chỉ dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu. Các em sẽ học một số môn học cơ bản trên nền tảng của Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. 

PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định: “Nếu chúng ta cứ đi theo mô hình tuyến tính mà không đột phá thì không biết bao giờ mới thành công. Hình thức này mở ra nhiều lợi ích cho học sinh tài năng, các em được tiếp cận giáo dục đại học sớm, được định hướng nghề nghiệp, làm quen sớm với môi trường đại học, rút ngắn thời gian học đại học…”. 

Cô Lê Ngọc Hân - tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) - đánh giá, việc học sinh xuất sắc được học trước một số tín chỉ cơ bản ở bậc đại học và được công nhận kết quả này khi lên đại học là cơ chế đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh xuất sắc bậc THPT, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 phát triển năng lực gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Việc học sinh xuất sắc THPT được học tín chỉ sớm ở bậc đại học mở ra nhiều cơ hội cho học sinh
Việc học sinh xuất sắc THPT được học tín chỉ sớm ở bậc đại học mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho học sinh

“Hình thức này khi đưa vào thực tế sẽ trở thành lợi thế rất lớn cho học sinh giỏi, khuyến khích các em nỗ lực tự học, mở ra thêm cơ hội, bước ngoặt mới để các em định hướng nghề nghiệp rõ nét hơn, tiết kiệm được thời gian, trở thành bệ phóng cho tương lai của các em…” - cô Lê Ngọc Hân nói.

Theo cô, nhiều quốc gia đã đi theo hướng này, nhiều trường đại học lớn trên thế giới cũng áp dụng hình thức này. Ở Việt Nam, để triển khai đạt hiệu quả thì từ phía trường THPT và trường đại học phải có sự gắn kết chặt chẽ, giúp học sinh biết được mình có năng lực ở lĩnh vực nào, nên học tập, tìm hiểu, đăng ký đúng lĩnh vực đó. Điều này đồng nghĩa với công tác hướng nghiệp bậc THPT phải chuyên sâu hơn nữa, tư vấn và định hướng kịp thời cho học sinh.

“Đã là học sinh xuất sắc thì chắc chắn các em hoàn thành chương trình ở trường phổ thông một cách nhẹ nhàng rồi. Với thời gian rộng rãi còn lại, nếu chúng ta có định hướng, “chỉ đường” để các em đi sớm, đi đúng hướng…, tránh lãng phí thời gian thì rất tốt, thậm chí không chỉ có lợi cho bản thân các em mà còn có thể “kéo” ngành giáo dục đi nhanh hơn…” - cô Hân nhìn nhận.

Cần có quy chế đánh giá học sinh học “vượt cấp” phù hợp

Thạc sĩ Lê Thịnh - giáo viên vật lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - gọi hình thức học sinh THPT được học trước tín chỉ ở bậc đại học là “tín hiệu vui” cho ngành giáo dục, vô cùng phù hợp với bối cảnh phát triển của giáo dục hiện nay. Học sinh có năng lực cần phải được đẩy nhanh tiến độ học tập để sớm xây dựng kế hoạch phát triển của bản thân…

Nêu ví dụ, Thạc sĩ Thịnh cho biết, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều học sinh học kiến thức phổ thông rất nhẹ nhàng, thời gian còn lại các em tự bổ sung thêm nhiều kỹ năng, tham gia vào nhiều hoạt động phong trào, học thuật… Do đó, việc được phép học trước tín chỉ đại học sẽ là cơ hội để các em sớm định hướng nghề nghiệp, tiếp cận với việc học ở bậc đại học, điều này cũng hỗ trợ các nhà trường hướng nghiệp một cách hiệu quả.

“Học sinh xuất sắc đã có năng khiếu, tư duy rồi, nếu giáo dục đánh đồng các em với những học sinh bình thường thì cũng không tốt. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cũng có quy định học sinh phổ thông được học vượt cấp trong bậc phổ thông thì việc học sinh phổ thông xuất sắc được học trước một số tín chỉ cơ bản ở bậc đại học là rất phù hợp. Điều này không chỉ rút ngắn thời gian học tập mà còn giúp học sinh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kiến thức phổ thông, để có thể tiếp cận chương trình đại học, sớm phát triển kỹ năng, năng lực…”.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Thịnh, song song với việc triển khai cơ chế này thì từ phía các trường THPT phải có quy chế để đánh giá học sinh trước khi các em hoàn thành chương trình học bậc THPT. Bắt buộc phải xây dựng được khung kiểm tra đánh giá riêng biệt thì mới đảm bảo để các em học vượt cấp tín chỉ đại học mà không ảnh hưởng đến việc học của các em ở bậc THPT. 

Nhiều giáo viên cho rằng để cơ chế đột phá này thực hiện hiệu quả thì cần có thêm
Nhiều giáo viên cho rằng, để thực hiện hiệu quả cơ chế đột phá này, cần có thêm quy chế đánh giá học sinh "vượt cấp" ở bậc THPT

“Thông thường học sinh sẽ mất 3 năm để hoàn thành chương trình học THPT. Tuy nhiên, với nhiều học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, có khi chỉ cần 2 năm các em đã hoàn thành. Như vậy, việc rút ngắn thời gian học phổ thông sẽ giúp các em phát triển được năng lực tư duy…”. 

Trong khi đó, cô Phan Thị Thu Hằng - tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) - nhìn nhận, để phương thức đột phá này có hiệu quả thì cần có sự thay đổi đồng bộ từ tư duy, nhận thức cho đến các cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh mạnh dạn theo học. Ví dụ, Bộ GD-ĐT cần có thêm hướng dẫn mở để các trường THPT hỗ trợ việc đánh giá học sinh có đủ khả năng theo học sớm các tín chỉ ở bậc đại học. Đồng thời trường đại học cần linh hoạt thời gian cho học sinh theo học sớm các tín chỉ này.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI