Học sinh THPT “bội thực” với tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh

19/02/2023 - 12:22

PNO - Làm một khảo sát nhỏ ở một số trường THPT tại TPHCM, cho thấy mỗi học sinh THPT hiện nay đang “cõng” khoảng 10 chương trình tư vấn tuyển sinh/năm.

Học sinh “cõng” 10 chương trình tư vấn mỗi năm

Nguyễn Tuấn Hùng - học sinh lớp 12 tại một trường THPT quận Phú Nhuận nhẩm tính, kể từ năm lớp 10 đến nay, trung bình mỗi năm học sinh của trường sẽ được tham gia trên dưới 10 chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh có sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng.

“Việc tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh THPT là cần thiết nhưng việc tổ chức quá nhiều khiến chúng em bị “bội thực” vì các thông tin đều kiểu lặp đi lặp lại. Thậm chí ngày cuối tuần chúng em cũng bị lôi đến trường để nghe tư vấn…”, Hùng bày tỏ.

Ở nhiều trường THPT, mỗi học sinh đang cõng 10 chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh mỗi năm (hình minh hoạ)
Ở nhiều trường THPT, mỗi học sinh đang "cõng" 10 chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh mỗi năm (hình minh hoạ)

Đây cũng là tâm tư của Bùi Ngọc Tú - học sinh lớp 11 một trường THPT tại quận 3. Tú chia sẻ: “Hầu như mỗi chương trình, phía trên chuyên gia cứ nói còn phía dưới học sinh quan tâm hay không không quan trọng. Các bạn rất ít khi lắng nghe, mà chủ yếu ngồi nói chuyện, bạn thì tranh thủ mang bài ra làm, bạn lại ngồi lướt điện thoại… Câu hỏi học sinh đặt ra thì chuyên gia trả lời không trúng, hầu như chỉ là chung chung, chủ yếu là giới thiệu về trường đại học nên cũng ít được học sinh mặn mà”.

“Bội thực” là vậy nhưng nhiều học sinh cho biết, nếu không tham dự sẽ bị “ghi danh” , hạ chuyên cần, trừ điểm hạnh kiểm…

Hướng nghiệp cần phải gắn với năng lực học sinh

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đánh giá, công tác hướng nghiệp cho học sinh là cực kỳ cần thiết, giúp các em không đi lạc đường song vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để hiệu quả. 

Ông nhấn mạnh, định hướng tư vấn nghề nghiệp cho học sinh THPT trước hết là trách nhiệm của trường THPT, chứ không phải thuộc về trường đại học, vì thế nếu trường phổ thông chỉ chăm chăm tổ chức thật nhiều chương trình tư vấn với các trường đại học mà quên đi mong muốn thực sự của học sinh thì chưa hiệu quả. Việc phối hợp với các đơn vị trường đại học phải có sự đa dạng, phong phú để học sinh có nhiều kênh thông tin, đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu, gắn với năng lực học sinh.

“Nhà trường cần đa dạng các kênh hướng nghiệp cho học sinh, hướng nghiệp sớm từ năm lớp 10 thông qua lồng ghép trong các môn học, gắn kiến thức môn học với thực tiễn, qua các hoạt động sự kiện của trường…, để gợi mở cho các em về các hướng đi nghề nghiệp. Đặc biệt, việc hướng nghiệp hiện nay cần gắn với CNTT, tận dụng hình thức trực tuyến đưa các thông tin tuyển sinh kịp thời lên các trang mạng xã hội chính thống của trường để học sinh được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời…”- thạc sĩ Phú gợi mở. 

Công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT trước hết là trách nhiệm của trường
Công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT trước hết là trách nhiệm của trường THPT, không thể phó mặc cho trường đại học

Nhìn nhận các chương trình tư vấn hướng nghiệp đã mang đến nhiều lợi ích cho học sinh, giúp các em đến gần được với những trường đại học, ngành học mình yêu thích, thế nhưng thạc sĩ Phan Thế Hoài - giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) cho rằng các trường cần phải đổi mới để thực sự tiệm cận với nhu cầu, mong muốn của học sinh, không nên tổ chức đại trà…

Ông phân tích, nhu cầu chọn ngành nghề của mỗi học sinh là khác nhau, nếu nhà trường gom cả trường, cả khối tổ chức chung trong 1 chương trình thì sẽ kém hiệu quả. Trường có thể tổ chức tư vấn theo chủ đề từng nhóm ngành nghề, học sinh nào quan tâm các em sẽ tham gia một cách có trách nhiệm mà không phải ghi danh, trừ điểm.

“Trên thực tế, hiện nay học sinh có rất nhiều kênh thông tin để tìm hiểu về ngành nghề, lĩnh vực mà mình quan tâm như qua cha mẹ, thầy cô, website trường đại học… Trong Chương trình GDPT 2018 bậc THPT còn có hẳn 1 môn học là Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp để giáo viên định hướng cho các em về vấn đề này. Vì thế, việc mỗi năm học sinh phải tham gia hàng chục chương trình tư vấn là không cần thiết”- thạc sĩ Hoài bày tỏ.

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI