Học sinh thi môn xã hội tăng: Nguy cơ mất cân bằng nhân lực

26/12/2024 - 06:17

PNO - 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với 2 môn bắt buộc toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn. Kết quả khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy, số học sinh chọn môn thi thuộc tổ hợp khoa học xã hội áp đảo số chọn môn thi khoa học tự nhiên. Điều này dẫn đến lo ngại về sự mất cân bằng nhân lực các ngành nghề.

Các môn khoa học xã hội ngày càng áp đảo

Vừa qua, kết quả khảo sát chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ở nhiều trường, nhiều địa phương cho thấy, học sinh chọn các môn thi thuộc tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) nhiều hơn hẳn số thí sinh chọn các môn thi thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN).

Tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, 70% học sinh lớp Mười hai Trường THPT Lưu Hoàng chọn thi tốt nghiệp với các môn xã hội. Con số này ở Trường THPT Đại Cường lên tới 90%. Tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định, Trường THPT Nguyễn Huệ có 248 học sinh chọn tổ hợp KHXH, 177 học sinh chọn tổ hợp KHTN. Trong đó, chỉ có 78 em chọn tổ hợp khối A (toán, vật lý, hóa học), 8 em chọn tổ hợp khối B (toán, hóa học, sinh học). Trường THPT Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ có 20% học sinh chọn tổ hợp KHTN. Trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) có đến 70% học sinh chọn tổ hợp KHXH.

Đa số học sinh lớp Mười hai ở TPHCM chọn thi tốt nghiệp môn khoa học tự nhiên. Trong ảnh: Học sinh TPHCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - ẢNH: TRANG THƯ
Đa số học sinh lớp Mười hai ở TPHCM chọn thi tốt nghiệp môn khoa học tự nhiên. Trong ảnh: Học sinh TPHCM tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 - Ảnh: Trang Thư

Theo kết quả khảo sát lựa chọn môn thi tốt nghiệp năm 2025 của học sinh tỉnh Lạng Sơn, địa lý là môn có lượng thí sinh lựa chọn nhiều nhất (53,1%), kế đến là môn lịch sử (34,6%), giáo dục kinh tế và pháp luật (33,4%). Các môn tự nhiên có lượng thí sinh đăng ký thấp hơn rất nhiều. Có 20,1% học sinh đăng ký thi môn vật lý; 15,8% học sinh đăng ký thi môn hóa học và 10,3% học sinh đăng ký thi môn sinh học. Tỉnh Sơn La cũng có số học sinh đăng ký thi môn địa lý nhiều nhất (64,6%), thứ hai là môn lịch sử (50,2%), tiếp theo là giáo dục kinh tế và pháp luật (40,5%). Trong khi chỉ có 11,6% học sinh chọn môn vật lý; 11,9% chọn môn sinh học và 10,7% đăng ký môn hóa học.

Đáng nói, tình trạng mất cân bằng trên đã diễn ra nhiều năm nay. Năm 2017, lần đầu thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp KHTN (vật lý, hóa học, sinh học) và KHXH (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH nhiều hơn số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN khoảng 90.000 em. Đến nay, sự chênh lệch này vẫn tiếp diễn và tăng theo các năm. Năm 2023, số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHXH nhiều hơn số thí sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN lên đến 250.000 em. Năm 2024, Bộ GD-ĐT thống kê, trong hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi tổ hợp KHTN, 63% chọn bài thi tổ hợp KHXH.

Chú trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Nhiều chuyên gia lo lắng, nếu sự chênh lệch này kéo dài, rất có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối cơ cấu nhân lực. Bởi nếu muốn xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học đào tạo về lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán), thì thí sinh phải lựa chọn đăng ký dự thi các môn KHTN. Khi số thí sinh chọn môn thi KHTN ít đi, dần dần nước ta sẽ đứng trước tình trạng thiếu đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật; sự phát triển kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Để cân bằng được tỉ lệ chọn các môn thi thuộc tổ hợp KHTN và tỉ lệ chọn các môn thi thuộc tổ hợp KHXH, các chuyên gia giáo dục nhận định, quan trọng nhất là phải làm tốt công tác định hướng ở các cấp học, giúp học sinh thoát khỏi tâm lý “học để thi”. Theo thầy Vũ Khắc Ngọc (hệ thống Hocmai), học sinh vẫn nặng tâm lý học để đối phó với các kỳ thi, chứ chưa xác định được cần học để trang bị năng lực nhận thức, tư duy và kỹ năng. Do đó dẫn đến tình trạng chọn các môn dễ đạt điều kiện tốt nghiệp.

Đồng thời công tác hướng nghiệp rất hạn chế, các trường THPT hầu như không có giáo viên hiểu biết về hướng nghiệp chuyên nghiệp. Trong khi đó, trường đại học, cao đẳng, chưa chú trọng đến công tác hướng nghiệp cho các cấp học thấp mà hướng nghiệp đơn thuần chỉ là giới thiệu các ngành nghề cho học sinh cuối cấp THPT với mục đích tuyển sinh.

Thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh vai trò định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Các em phải được học toàn diện, được va chạm với các môn học khác nhau để khám phá năng lực bản thân, hiểu rõ mình phù hợp với môn học, ngành nghề nào. Nếu chỉ tập trung học toán, ngữ văn, tiếng Anh, không học các môn KHTN hay KHXH, thì khi vào lớp Mười, các em không xác định được đúng tổ hợp để đăng ký, dẫn đến chọn môn học theo cảm tính - dễ thì chọn - chứ không nghĩ đến tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cũng cho rằng, dù đã có nhiều văn bản, hướng dẫn từ các cấp quản lý, song công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế, nhiều nơi triển khai hoạt động hướng nghiệp theo hình thức. Theo ông, các trường phải chú trọng hơn nữa công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông, xây dựng tài liệu, website và cẩm nang hướng nghiệp, cung cấp thông tin đầy đủ về xu hướng thị trường lao động… Trên cơ sở này, các trường có thể đưa ra các nội dung hướng nghiệp phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngọc Minh Tâm

Học sinh TPHCM chọn thi môn khoa học tự nhiên nhiều hơn

Khác với mặt bằng chung của cả nước, khảo sát tại nhiều trường THPT ở TPHCM cho thấy, đa số học sinh lớp Mười hai chọn các môn thi thuộc tổ hợp KHTN để thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Dương Văn Thư - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) - việc học sinh chọn môn KHTN hay KHXH có thể do nhiều yếu tố tác động như: việc giảng dạy của thầy cô; hoạt động đánh giá phân luồng; tổ hợp xét tuyển của các trường đại học; năng lực, thế mạnh của bản thân; xu hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm, thu nhập của ngành nghề…

Nhưng dù chọn khối nào, học sinh vẫn phải học đầy đủ các môn học đã chọn từ năm lớp Mười. Chỉ đến khi thi tốt nghiệp THPT, học sinh mới chọn ra 2 môn thi ngoài ngữ văn và toán. Lựa chọn này trước tiên phải dựa trên thế mạnh môn học của các em. Sau đó mới đến định hướng nghề nghiệp và tổ hợp xét tuyển của trường đại học.

Bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) - cho hay, nhiều năm nay, học sinh của trường luôn chọn học và thi khối KHTN nhiều hơn khối KHXH. Đặc biệt, suốt 3 năm thực hiện chương trình mới, số lớp KHXH chỉ duy trì ở con số 3, trong khi số lớp KHTN là 12. Khi tư vấn chọn môn học và môn thi cho học sinh, giáo viên của trường luôn giúp học sinh chọn lựa dựa trên năng lực, sở thích, định hướng nghề nghiệp tương lai và nhu cầu của thị trường lao động. Cụ thể, xã hội đang cần những ngành nghề gì, trường đại học nào đào tạo, xét tuyển tổ hợp nào… Nhà trường còn sử dụng các công cụ kiểm tra năng lực để phân tích xem học sinh thực sự phù hợp với ngành nghề nào, từ đó chọn lựa môn học đúng đắn.

Bà nhận định, địa phương nào cũng dạy cùng chương trình, chỉ khác ở môi trường tác động đến các em. TPHCM là thành phố năng động, đi đầu trong khoa học kỹ thuật, có nhiều khu công nghệ cao và các trường đại học hàng đầu. Những ngành nghề liên quan như: robot, AI, điện tử, khoa học máy tính… có nhu cầu cao. Điều này có thể tác động khiến học sinh có xu hướng chọn môn KHTN nhiều hơn.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, công tác định hướng nghề nghiệp luôn được thành phố chú trọng triển khai thường xuyên, song quyết định lựa chọn nghề nghiệp là chuyện của từng cá nhân học sinh. Xu hướng lựa chọn môn thi KHTN hay KHXH phản ánh định hướng nghề nghiệp của học sinh, gắn liền với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như xu hướng hội nhập quốc tế.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI