Học sinh 'than' đánh mất cả thanh xuân vì... chương trình nặng

30/12/2019 - 17:42

PNO - Học sinh phải chịu áp lực điểm số từ gia đình, thầy cô và nhà trường. Áp lực học tập là vấn đề lớn của học sinh hiện nay. Cần có cách giải quyết hợp lý hơn là nói mãi.

Đó là ý kiến của học sinh tại hội thảo "Đánh giá tổng quát chất lượng giáo dục Việt Nam - tiếp cận và thách thức" do Trường đại học Sài Gòn và Trường đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức vào ngày 30/12.

Ca Diệp Thanh Bình, học sinh lớp Mười Trường Trung học thực hành Đại học Sài Gòn, nêu ý kiến: Học sinh phải chịu áp lực điểm số từ gia đình và thầy cô. Áp lực học tập là vấn đề lớn của học sinh hiện nay. Cần có cách giải quyết hợp lý hơn là nói mãi.  

“Rất nhiều bạn không thể tham gia các hoạt động ngoài nhà trường dù đó là những hoạt động cung cấp kiến thức, đời sống xã hội vì phải đi học thêm. Em cảm thấy người học không được tận hưởng thanh xuân, phí cả tuổi trẻ”, Bình dẫn chứng.

Có thể nói, mọi thứ choáng trong đầu của một thiếu niên chỉ có học và học.

Hoc sinh 'than' danh mat ca thanh xuan vi... chuong trinh nang
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia giáo dục, học sinh

Tương tự, Khánh Lam, học sinh lớp Mười Trường Trung học thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM, mong muốn chương trình giáo dục phổ thông phù hợp hơn, kiến thức ở mức cơ bản chứ không quá nặng. Học sinh sẽ còn học lên đại học nên những kiến thức nặng nên được phân bổ ở đại học.

“Cần có nhiều hơn nội dung về kỹ năng, mang tính thực tiễn, tăng các hoạt động trải nghiệm để học sinh có thể ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế”, Khánh Lam nêu ý kiến.

Trong khi đó, Hoàng Quân, học sinh lớp Chín Trường Trung học thực hành Đại học Sài Gòn, cho rằng môn văn được học nhiều thể loại nhưng để kiểm tra, đề thi lại chủ yếu tập trung vào nghị luận văn học nặng về kiến thức, ít nghị luận xã hội - ứng dụng văn học vào thực tiễn.

Hoc sinh 'than' danh mat ca thanh xuan vi... chuong trinh nang
Nhiều học sinh cho rằng chương trình nặng, cách kiểm tra đánh giá còn thiếu tính ứng dụng

Lắng nghe ý kiến của các học sinh, PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết: Những vấn đề học sinh trăn trở sẽ được giải quyết khi chương trình sách giáo khoa mới áp dụng. Chương trình mới chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tăng trải nghiệm, ứng dụng thực tiễn.

TS Nguyễn Thanh Minh, Trường đại học Sài Gòn, thừa nhận chương trình và nội dung kiểm tra hiện nay đúng như học sinh phản ánh. Những người làm giáo dục cũng đã thấy và chương trình mới sẽ có cách kiểm tra, đánh giá phù hợp để học sinh không còn ngán môn văn.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng, trường đại học cũng có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là chính sách tuyển sinh. Không thể phủ nhận tâm lý dạy để thi, thi gì dạy nấy còn khá phổ biến, cộng với kỳ vọng, mục tiêu của phụ huynh nên chính sách tuyển sinh của các trường đại học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục phổ thông.

Theo các đại biểu, không thể phủ nhận chất lượng giáo dục phổ thông đã có những tiến bộ nhưng so với nhu cầu và kỳ vọng của xã hội thì chưa đủ.

Hoc sinh 'than' danh mat ca thanh xuan vi... chuong trinh nang
PGS.TS Lê Khánh Tuấn góp ý tại hội thảo

Đánh giá giáo dục phổ thông hiện nay thường được đề cập về kết quả học tập, tài chính, quản lý, rào cản, thách thức. Nhưng thực tế công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay chỉ mới thể hiện được một số khía cạnh, vẫn chưa có công cụ đánh giá nhất quán, có tính hệ thống.

"Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu và triển khai bộ công cụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông nhằm tiếp sức cho đổi mới giáo dục. Sau hơn 15 tháng, nhóm nghiên cứu bước đầu đã xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá được hình thành dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập từ các nhóm học sinh, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý.. Hệ thống gồm 3 nhánh tiêu chí, là tổ hợp của 76 chỉ báo xoay quanh các nội dung: hoạt động dạy, học, năng lực giáo viên, cơ sở vật chất...", TS Lê Chi Lan, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn, cho biết.

PGS.TS Lê Khánh Tuấn, Nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT, cho rằng, người ta đang đánh đồng chất lượng với bằng cấp nên người học ít quan tâm đến thu nhận kiến thức, phương pháp...

Mục tiêu của ngành giáo dục là hướng đến sự rèn luyện tư duy, phát triển học sinh nhưng phụ huynh lại không biết đến những điều này.

Vị này chia sẻ: Giáo viên có cảm giác nghề không phải là nghề khi hai 'vũ khí' của họ là cho điểm chính xác và kỷ luật học sinh bị tước đoạt vì sự bảo vệ giáo viên chưa đủ và bệnh thành tích của trường.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI