Học sinh tập thể dục, đơn giản sao dễ bị nạn?

06/12/2019 - 07:00

PNO - Một học sinh lớp Bảy, Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM vừa tử vong do bóng trúng vào ngực trong lúc học môn đá bóng. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng.

Những cái chết không báo trước

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - nhớ như in trường hợp một nữ sinh học cấp II được thầy cô giáo đưa vào bệnh viện cấp cứu khi thi môn điền kinh. Nhưng em đã ra đi mãi mãi ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Nữ sinh Đ.T.T.H. được bạn bè khen ngợi tặng cho biệt danh “nữ hoàng tốc độ” khi em có thành tích chạy nhanh nhất trường. Nhờ thành tích này, nhà trường chọn em làm đại diện tranh tài cùng các học sinh của trường khác. Trước khi thi, em được khám sức khỏe, bác sĩ kết luận thể trạng em đủ điều kiện tham gia.

Hoc sinh tap the duc, don gian sao de bi nan?
Khi vận động quá sức, ngoài những tai nạn gây gãy xương, té ngã, trẻ có nhiều nguy cơ đối mặt với các bệnh tiềm ẩn xảy ra nhanh, cấp thời.

Ngày thi, em vẫn vui vẻ vào vị trí chạy như các bạn. Tuy nhiên, bắt đầu được khoảng 200m em đã có biểu hiện mệt mỏi, nhưng vì quyết tâm giành chiến thắng nên vẫn cố gắng. Và chưa kịp về đến đích, em đã suy hô hấp, tử vong.

Mới đây nhất, nhiều học sinh cùng thầy cô Trường THCS Đồng Khởi, Q.1 lẫn nhiều phụ huynh tại TP.HCM rúng động khi một nam sinh lớp Bảy - em N.P.Q.B. (12 tuổi, ở Q.7, TP.HCM) học rất giỏi đã tử vong đột ngột khi đang trên sân tập đá bóng tại sân vận động Tao Đàn.

Trong lúc tập, em bị trái bóng trúng vào người, lực va chạm quá mạnh khiến em ngã ngay trên sân. Em B. được các bác sĩ chẩn đoán chấn thương vùng ngực, dẫn đến ngưng tim, ngưng thở.

Dù được các thầy trong câu lạc bộ nhanh chóng cấp cứu, sau đó đưa em đến bệnh viện nhưng B. không qua khỏi. 

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng khi ở trường học các em cũng có nhiều bài tập được cho là quá sức như chạy bền, bật cao, và thường xuyên tham gia các môn thể thao hoạt động liên tục như bóng đá, bóng rổ, cầu lông… 

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu, thể dục là môn không thể bỏ, rất tốt cho lứa tuổi học sinh để nâng cao thể chất, trí tuệ và hòa đồng cùng bạn bè, chống trầm cảm… Những học sinh phải cấp cứu do tập thể dục ở trường rất ít, nhưng một khi đã rơi vào cấp cứu thì thường rất nguy kịch, hoặc đã tử vong khi chưa kịp đến bệnh viện.

Nhà trường đừng làm khó phụ huynh

Theo bác sĩ Thu, thể dục là môn học nâng cao thể chất, sức khỏe của học sinh, nhưng mỗi em có cơ địa, sức bền khác nhau, thầy cô nên lắng nghe, quan tâm, chia sẻ với trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bởi ngoài những tai nạn bất ngờ khiến trẻ bị thương, một số bệnh còn có nguy cơ gây ra nguy hiểm đến tính mạng của các em nếu tập luyện không phù hợp.

Điển hình, những trẻ có sẵn bệnh nền liên quan đến tim mạch, huyết áp, hen suyễn, trẻ mắc bệnh máu khó đông… phải hạn chế vận động, thậm chí phải miễn môn thể dục cho trẻ, bởi nếu vận động quá mức, bệnh khởi phát sẽ diễn tiến cấp thời, nguy cơ suy hô hấp rất nhanh. Chưa kể nếu trẻ có sẵn một số bệnh tiềm ẩn chỉ bộc phát khi gắng sức thì càng khó cứu chữa hơn nữa.

Ngoài ra, dù trẻ than mệt, đau bụng để “trốn” học thể dục, thầy cô cũng không nên ép trẻ vận động nhiều bởi thời điểm đó tinh thần và thể trạng của trẻ đã sa sút, dễ có những biến chứng cấp tính bất ngờ, có thể phát sinh sự cố như té ngã, va chạm với các bạn khác hoặc tự làm mình bị thương…

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận bé N.G.B. (8 tuổi, học tiểu học ở Q.1, TP.HCM) bị gãy chân. Bé được chỉ định nhập viện điều trị. Khoảng 4 ngày sau, mẹ của bé cứ năn nỉ các bác sĩ cho mang phim X-quang về nhà để xin phép cho con nghỉ học môn thể dục. 

Hoc sinh tap the duc, don gian sao de bi nan?
Bé trai được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 với tình trạng mệt mỏi, khó thở

Do phim X-quang phải lưu hồ sơ bệnh án nên bác sĩ hỗ trợ bằng cách viết giấy xác nhận bé có bệnh, sao lưu các chẩn đoán liên quan nhưng người nhà nói rằng trường không chấp nhận, phải có phim chụp chứng minh đoạn xương cháu bị gãy.

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo, từng tiếp nhận một ca tử vong do thầy cô không tin học sinh. Đó là trường hợp đau lòng của nữ sinh T.M.H. (6 tuổi, bị bệnh máu khó đông). Em được gia đình căn dặn hạn chế chạy nhảy, đùa giỡn để tránh vết thương chảy máu, nhất là những giờ tập thể dục. 

“Thế nhưng đáng tiếc, trong một lần trường có đợt khám răng cho học sinh, lúc đó con tôi có một cái răng bị sâu, tôi dặn đi dặn lại con gái đừng để bác sĩ nhổ vì máu sẽ chảy liên tục nguy hiểm. Vào khám, bác sĩ nói phải nhổ răng, cháu không chịu, cũng nói với thầy giáo là con bị bệnh, ba không cho nhổ.

Vậy mà thầy không tin, ép cháu nhổ. Con tôi bị mất máu, tử vong. Suốt đám tang con tôi, người thầy quỳ hối lỗi trước quan tài, nhìn hình ảnh đó tôi cũng rất đau lòng, nhưng cháu đã mất rồi còn đâu”, ông Dương Văn K. cha cháu T.M.H. chia sẻ.

Ông K. mong muốn thầy cô ở trường nên lắng nghe, và tin tưởng học sinh của mình, tránh để xảy ra trường hợp thương tâm.

Những vị trí nào dễ tử vong khi lực tác động lên cơ thể

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM nói thêm, ngay cả khi trẻ thích thú, sẵn sàng tham gia các môn thể thao, cũng có thể gặp một số chấn thương như gãy tay, chân, bong gân…

Tuy nhiên, nếu có các dấu hiệu như chóng mặt, tim đập nhanh, đau ngực, hơi thở ngắn, đau nhức các cơ… thì nên nghỉ ngơi vì đó là dấu hiệu cho thấy cường độ tập quá sức.

Trường hợp trẻ bị va đập mạnh vùng đầu, ngực, bụng gây mệt mỏi, ngủ li bì, than khó thở cần được đưa đến bệnh viện khám ngay vì các lực va đập nhiều khả năng gây tổn thương, chảy máu trong hoặc vỡ mạch máu, nếu chủ quan tổn thương có thể gây sốc mất máu, rối loạn nhịp tim…

Chưa kể trẻ tập thể dục khi quá đói bụng, đang bị sốt, ho khan, viêm họng, sổ mũi đều rất nguy hiểm vì có thể gây những biến chứng bất ngờ về hô hấp dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Tiến nói thêm, nếu giờ học thể dục được xếp vào buổi trưa nắng gắt, giáo viên nên chọn nơi có bóng râm, xử lý ngay tình huống trẻ bị say nắng chóng mặt, nhắc nhở trẻ bù nước và không ép buộc trẻ vận động quá sức.

Nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý trong buổi học, khi trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, thở khó, chóng mặt… phải cho trẻ ngừng các bài tập lại ngay và đưa đến cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ thở rít, tiếp xúc kém, rối loạn vận động. 

Những học sinh có sức khỏe không tốt phụ huynh cần trao đổi thật kỹ với giáo viên ngay từ đầu năm học, cần hạn chế vận động môn nào hay tất cả các môn thể thao cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có các bài tập phù hợp với sức khỏe của mình: 

- Người bị suy tim nặng, tập thể dục quá sức buộc tim phải hoạt động nhiều hơn, điều này dễ gây tình trạng suy tim trầm trọng hơn.

- Người có bệnh lý về đường hô hấp như hen suyễn không nên vận động quá sức vì sẽ kích thích những cơn hen nội sinh và bệnh hen tái phát.

- Người bị bệnh rối loạn về chuyển hóa đường máu, mỡ máu… nếu tập luyện quá sức sẽ gây ra những biến chứng như cơn hạ đường huyết, tụt huyết áp hoặc xảy ra tình trạng rối loạn về nhịp tim hoặc nhịp thở trong khi tập luyện.

- Người có tiền sử bệnh lý về cơ, xương khớp hoặc các bệnh chứng như rối loạn thần kinh cơ, nhược cơ, bệnh thoái hóa cột sống, viêm đa khớp dạng thấp, viêm cột sống… nên hạn chế vận động mạnh để tránh làm tình trạng trầm trọng hơn.

Phạm An

Hoc sinh tap the duc, don gian sao de bi nan?
Với những trẻ bị tim mạch, huyết áp, hen suyễn, máu khó đông… nếu vận động quá mức, bệnh khởi phát sẽ diễn tiến cấp thời, nguy cơ rơi vào suy hô hấp rất nhanh. Ảnh minh họa
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI