Học sinh tập làm văn: Thui chột từ... mầm

21/09/2016 - 07:28

PNO - Việc dạy làm văn cho trẻ hiện rất đáng báo động. Những bài thi điểm cao chẳng có giá trị gì cho lắm, bởi chúng được hành văn trôi chảy… như nhau và tất nhiên là bắt nguồn từ bài văn mẫu.

“Với học sinh bậc tiểu học (TH), nếu giáo viên (GV) ra một đề bài tập làm văn (TLV) xa lạ, phải đến 50% em nộp giấy trắng, 50% còn lại lúng túng, viết lan man. Việc dạy làm văn cho trẻ hiện rất đáng báo động. Những bài thi điểm cao chẳng có giá trị gì cho lắm, bởi chúng được hành văn trôi chảy… như nhau và tất nhiên là bắt nguồn từ bài văn mẫu” - cô H.T., giáo viên TH ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM chua xót nhận xét.

Việc học môn TLV của học sinh TH trên cả nước nói chung, tại TP.HCM nói riêng đang có vấn đề, khi mà cả GV, học sinh và phụ huynh đều lúng túng. Trẻ chập chững TLV từ bậc TH, nhưng đã phải đối diện nguy cơ thui chột sự sáng tạo và trí tưởng tượng từ những cách dạy lạ lùng và vô trách nhiệm của GV.

Hoc sinh tap lam van: Thui chot tu... mam

Trốn học vì sợ tập làm văn

Minh K., học lớp 4, con trai chị N.D. (Q.Tân Bình) như vừa gặp ác mộng với bài văn tả cơn mưa. Cô giáo phát cho học sinh (HS) một bài văn mẫu do cô soạn, yêu cầu HS chép lại nguyên văn để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ. Buổi kiểm tra đầu tiên, hơn 20 em chép lại bài không đầy đủ vì chưa thuộc kỹ. Đến buổi thứ hai, vẫn còn hơn 10 em chép sai một số chỗ. Cô giáo bắt các em chưa thuộc chép lại, đúng nguyên văn mới thôi.

Đến buổi thứ năm, Minh K. bật khóc, xin mẹ được ở nhà vì “con chép bài tả cơn mưa ngán quá rồi, mà chép lần nào cũng bị sai, không sai chỗ này thì sai chỗ kia. Buổi học cuối cùng trước ngày thi, Minh K. nằn nì đòi ở nhà, mẹ của K. đành đồng ý.

Chị N.D. bức xúc: “TLV gì mà như học thuộc lòng, sai một chữ cũng không được. Ví dụ như cô đưa ra văn mẫu “hạt mưa rơi như hòn bi ve”, con tôi viết “giọt mưa rơi như giọt sương to”, cô nhất quyết không chịu. Trong khi mẹ con tôi đều thấy chi tiết “hạt mưa như hòn bi ve” là không đúng, vì làm gì có giọt mưa to đến vậy”.

Đáng nói, một số GV đã không gợi ý, khuyến khích mà còn “bít đường” sáng tạo của HS. Chị T.L. (Q.12) làm nghề may đồng phục HS. Nhà không khá giả nhưng con chị năm nào cũng có đồng phục mới.

Thế nhưng, trong đề TLV đầu năm lớp 4, cô giáo đưa bài văn mẫu “tả bộ đồng phục của em”, bé tả về bộ đồng phục mới tinh thì bị cô gạch bỏ, bắt tả lại theo đúng “tinh thần” của bài văn mẫu với tứ: “Năm nay, em mở bộ đồng phục cũ ra, sạch sẽ và tinh tươm với bàn tay giặt ủi của mẹ. Dù nó không mới nhưng em cảm thấy thân thương và yêu bộ đồng phục của mình lắm. Ngày khai giảng, em khoác bộ đồng phục ấy, đi vào trường với lòng lâng lâng vui sướng”.

Hai năm sau, đứa con gái út của chị L. cũng gặp bài “tả bộ đồng phục mới” và cũng bị sửa giống như vậy. Chị L. ấm ức: “Tả thì phải thực mới có hồn, mới hay được chứ, sao cô giáo cứ bắt HS tả theo ý cô?”. Mới đây, chị M.H. (Q.11) giật mình khi soạn tập cho con gái (lớp 5), bắt gặp bài văn mẫu “tả cô hiệu trưởng trường em”.

Chị H. cho biết: “Tôi khá sốc khi cô giáo phát bài văn mẫu rất chi tiết. Bài mẫu được in trên hai mặt giấy A4 hẳn hoi, mặt trước là dàn bài chi tiết, mặt sau là nguyên bài văn mẫu. Tôi nghĩ con tôi và các HS khác dễ dàng học thuộc, kiểm tra đạt điểm cao ngay lúc này, nhưng về sau, nếu không có người mớm sẵn thì không biết làm thế nào, khi mà tư duy sáng tạo đã bị cách dạy của cô làm cho thui chột từ lúc này”.

Với bài văn mẫu “tả cô hiệu trưởng trường em”, trong dàn bài chi tiết, cô giáo hướng dẫn HS tường tận: “Cô hiệu trưởng mỗi ngày đến trường, ở văn phòng. Cô gần 50 tuổi, tầm vóc vừa người, da trắng hồng, ăn mặc áo dài giản dị, dáng đi nhẹ nhàng khoan thai. Cô có khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, tóc dài ngang vai, uốn quăn, kẹp gọn, điểm bạc; ánh mắt cô long lanh dịu hiền, môi đỏ thắm luôn nở nụ cười…”, hay “cô đối với HS hiền nhưng nghiêm khắc, luôn theo sát, yêu thương HS...”.

Hoc sinh tap lam van: Thui chot tu... mam

Thậm chí, gợi ý phần kết bài còn “định hướng” cả tình cảm của HS đối với cô: “Em rất kính yêu cô. Hình ảnh của cô luôn là tấm gương sáng cho chúng em noi theo”. Con chị H. không thuộc kỹ bài, đã tả cô hiệu trưởng theo cảm nhận của mình như “cô đi rất nhanh, vào lớp nhắc nhở bạn B. và còn nói là sẽ đuổi học nếu bạn ấy tái phạm”, liền bị cô giáo gạch, bắt viết lại như ý cô muốn.

Không có "đất" cho sáng tạo do giáo viên lười

Cô Kim M., hiệu trưởng một trường TH ở Q.Gò Vấp trăn trở: “Nói trắng ra là nếu dạy theo văn mẫu, GV khỏe hơn rất nhiều so với việc dạy theo phương pháp khơi gợi, nâng đỡ sự sáng tạo cho trẻ. Nếu triển khai theo văn mẫu, GV chỉ việc phát bài mẫu, HS học thuộc và thi, nếu HS chưa thuộc chỗ nào thì yêu cầu học lại chỗ đó là xong.

Trong khi để HS viết một câu theo ý của mình, GV phải sửa từng dấu câu, từ vựng, ngữ pháp, rất nhọc công. Đó là chưa kể, để dạy cho trẻ cách hành văn sáng tạo, chính GV cũng phải là người sáng tạo, tôn trọng, khuyến khích cái mới. Việc dạy văn cho HS TH rất quan trọng, vì đây là giai đoạn tiền đề.

Nếu không tập được thói quen tư duy sáng tạo trong từng câu chữ, trẻ bị hạn chế khả năng hành văn. Trường tôi đã cấm GV sử dụng văn mẫu; nếu phát hiện GV vi phạm, sẽ khiển trách ngay. Ban đầu, nhiều GV lúng túng, nhưng sau đó cũng thích ứng được”.

Đáng quan ngại là một số GV không cảm được và không chấp nhận những ý sáng tạo của HS. Cô Kim M. kể, có một HS bị chấ m 2,5 điể m cho bài văn tả cảnh sân trường. Phụ huynh tìm đến hiệu trưởng khiếu nại. Ban giám hiệu hội ý các GV, phần đông GV đều đồng thuận rằng HS này tả cảnh “không giống ai”, nhưng có thể thấy được sự độc đáo, mới lạ trong lời văn.

Thế nhưng, cô chủ nhiệm nhất quyết không sửa điểm. Ban giám hiệu phải lập hội đồng, lấy ý kiến số đông, cô giáo chủ nhiệm mới chấp nhận nâng bài viết lên 4 điểm. Vị hiệu trưởng này chua chát: “Câu chuyện GV nhất quyết không nâng điểm bài văn lạ của HS cho thấy, nhiều GV đã bị “đóng băng” tư tưởng. Đã có một thời gian rất dài, GV nhất nhất bám theo sách giáo khoa, chúng tôi gọi vui “sách giáo khoa là pháp lệnh”.

Hoc sinh tap lam van: Thui chot tu... mam

Hiện cơ chế đánh giá năng lực HS cũng như đánh giá kết quả giảng dạy đã phần nào được “cởi trói”, GV có điều kiện để sáng tạo, không quá phụ thuộc vào sách giáo khoa, nhưng tư tưởng thì vẫn chưa “rã đông” được”.

Cùng quan điểm, thầy X.H., phó hiệu trưởng một trường TH ở Q.3 nhận định: “Cách dạy TLV của nhiều GV cho thấy sức ì rất lớn, ngại để HS làm sai vì sửa sai cho từng HS rất mất thời gian. GV cũng sợ HS bị điểm kém nên đã chọn cách dạy dễ dãi nhưng “chắc ăn”, đó là bắt các em làm theo ý mình.

Chúng tôi đã dặn sau giờ TLV là tiết trả bài, thầy cô phải đem những lỗi sai về câu chữ, ý tứ, bố cục của học trò ra để sửa chung, để các em rút kinh nghiệm mới khắc sâu trong tâm trí.

Tôi đã nhiều lần phê bình cách GV gạch dưới chỗ sai của HS rồi ghi lời phê vào để bắt các em làm theo. Tôi yêu cầu GV phải hướng dẫn các em ở tiết trả bài, không được áp đặt ý mình vào bài làm học trò kiểu như thế. Tôi đã thực hiện điều này nhiều năm nay, cũng nhắc nhở thường xuyên nhưng không phải lúc nào mình cũng có mặt ở lớp để chấn chỉnh ngay”.

Thế nhưng, với cơ chế “mở” và tạo sự chủ động cho GV như hiện nay, các hiệu trưởng cũng gặp khó.

Cô Kim M. cho biết: “Hiện GV chủ nhiệm được chủ động sáng tạo phương pháp giảng dạy, kể cả việc linh động về thời gian, hiệu trưởng không được quyền can thiệp nhiều như trước kia. Nhưng bù lại, nếu HS may mắn gặp được GV có tâm huyết, sẽ rất tốt.

Ví dụ, dạy TLV theo cách khơi gợi sự sáng tạo cho HS thì GV tốn nhiều thời gian hơn là dạy theo văn mẫu. Thay vì tiết dạy TLV có thời lượng 40 phút, cảm thấy không đủ, GV có thể rút ngắn tiết dạy chính tả, cộng thêm thời gian vào tiết TLV để việc dạy có hiệu quả”.

Rõ ràng, dạy TLV theo cách gợi ý, để HS tư duy và chủ động chọn cách thể hiện mới đúng là TLV, cần được khuyến khích.

Cô Kim M. chia sẻ cách dạy của một GV trong trường mà cô rất thích thú: để dạy HS tả con mèo, cô giáo vẽ một vòng tròn và triển khai ra từng mũi tên để chọn ý, chọn từ. Mũi tên chỉ ra cái tai, sẽ có mũi tên khác chỉ ra “dẹt, dài, tròn, to…”, mũi tên chỉ ra bộ lông sẽ có thông tin: vàng, đen, xám, đốm… Những thông tin đó đều do HS nghĩ ra và bổ sung; sau đó, HS tự chọn thông tin để miêu tả con mèo theo cách của mình. Nhưng không phải GV nào cũng sẵn tâm sức cho cách dạy như vậy.

“Khổ lắm, GV cũng chẳng sung sướng gì. Môn tiếng Việt là môn chính nhưng nhiều lúc cả phụ huynh lẫn HS cứ dồn vào đầu tư môn toán và Anh văn. Nếu không được tiếp xúc văn mẫu, nhiều HS phải để giấy trắng vì không biết viết gì, khi mà GV kèm không xuể, phụ huynh cũng buông lơ.

Nếu mình gắt gao quá thì sẽ bị cắt thi đua, bởi GV khác đẩy điểm HS lên, mình cũng phải đẩy theo. Nhiều khi bài kiểm tra điểm thấp thì mình phải nới tay một chút vì xét thi đua hay lao động tiên tiến đều căn cứ vào tỷ lệ HS khá giỏi”. (Một giáo viên TH ở H.Hóc Môn)

Trần Triều - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI