Học sinh stress, cắt tay: Chuyên gia lý giải nguyên nhân

24/05/2022 - 18:29

PNO - Thời gian gần đây liên tục xuất hiện những vụ học sinh stress, cắt tay, tự làm đau bản thân, thậm chí có những em tự tử.

Vậy nguyên nhân từ đâu và đối mặt với tình trạng này bố mẹ phải làm gì? PGS.TS Trần Thành Nam - Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng bố mẹ cần dạy con kỹ năng kiểm soát cảm xúc.

Học sinh trường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ những áp lực đang gặp phải - Ảnh: Đại Minh
Học sinh trường Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) chia sẻ những áp lực đang gặp phải - Ảnh: Đại Minh

“Khi căng thẳng quá bố mẹ cũng không kiểm soát được cảm xúc, và con phạm cùng một lỗi nhưng bố mẹ phạt con khắc nghiệt hơn.

Bố mẹ cần phải hiểu rằng sau hành vi ứng xử sai của con có thể là vì con đang lo lắng vấn đề gì đó hay con bị bắt nạt trên mạng xã hội...

Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng không kết nối được với con, cảm giác không hiểu con, nhất là khi con bước vào tuổi dậy thì.

Thế nhưng, hơn ai hết phụ huynh phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao con ứng xử sai. Là con muốn bố mẹ quan tâm con hơn một chút, lắng nghe những gì con nói, nghe những gì con gặp phải và quan trọng là hãy coi lỗi lầm của con là cơ hội để hiểu con hơn, xem liệu có phải con đang thiếu sự quan tâm và đang cần sự quan tâm không.

Bằng sự quan tâm của mình, bố mẹ hãy xóa đi khoảng cách và cho con hiểu rằng, dù con có sai thì con vẫn luôn được bố mẹ yêu thương”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Nói về nguyên nhân nhiều đứa trẻ có hành động như cắt tay, tự làm đau bản thân, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng có thể con cắt tay vì con stress quá, con muốn nỗi đau cơ thể giúp con quên nỗi đau về tinh thần, hoặc đôi khi vì bố mẹ quá kỳ vọng về điểm số nhưng con không đạt được nên con tự trừng phạt bản thân...

Nhiều khi bố mẹ không gây áp lực, nhưng nếu con không đạt thành tích tốt, con sẽ buồn và tự phạt mình theo cách riêng.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết nhiều phụ huynh chưa có kỹ năng kiểm soát cảm xúc, do đó không giúp được con trong việc kiểm soát cảm xúc cho con. Cũng có trường hợp gia đình có điều kiện về vật chất, con chưa được rèn được tính kiên cường, và khi gặp áp lực, khó khăn hay bị mẹ mắng, bị bạn tung clip lên mạng... con liền nghĩ đến chuyện tự tử.

Theo chuyên gia này, hơn ai hết cha mẹ phải hướng con tới suy nghĩ cảm xúc tích cực hơn, giúp con một số kỹ năng, và học cách chấp nhận cũng như chia sẻ với người khác những nỗi buồn hay vấn đề mình đang gặp phải. Bố mẹ cần hiểu rằng, khi con muốn tự tử là con muốn trốn chạy thực tế, con cũng muốn bố mẹ quan tâm tới con hơn một chút.

“Phụ huynh hãy ngồi trò chuyện với con, phải nói với con rằng con rất quan trọng với bố mẹ, nếu con muốn chia sẻ mà mẹ bận thì con có thể nhắn tin, tối về hai mẹ con sẽ nói chuyện. Cũng có thể hỏi con xem con muốn bố mẹ làm gì. Đôi khi những hành động đơn giản như thế có thể cứu con”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI