Ngày 24/10, Thường trực UBND TP.HCM có buổi gặp gỡ, đối thoại với học sinh, sinh viên tiêu biểu của TP.HCM. Các bạn trẻ không chỉ bày tỏ mong muốn được cải thiện điều kiện học tập, mà còn có những quan tâm rộng hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp, về các vấn đề xã hội nóng hổi…
Học sinh than “khát” thực hành
Mai Hải Yến, học sinh (HS) Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) cho rằng, chương trình học còn nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tế… Em mong muốn sẽ có thêm nhiều tiết học về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho HS rèn luyện, trải nghiệm thực tế.
Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Lưu Ngọc Danh, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) bổ sung: HS đang thiếu kỹ năng thực hành, phần lớn chỉ được giáo viên cung cấp kiến thức mà ít cơ hội đi ra ngoài. Do đó, HS này kiến nghị ngành giáo dục cần tăng cường hình thức học tập trải nghiệm.
Không chỉ HS phổ thông than thiếu môi trường để phát triển kỹ năng mà các sinh viên (SV) đại học cũng lo lắng việc thiếu kỹ năng thực hành, không đáp ứng được nhu cầu việc làm thực tế sau khi tốt nghiệp. Bạn Huỳnh Tấn Khương, Chủ tịch Hội SV Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nêu: “SV học đến năm thứ tư mới thực tập tại doanh nghiệp thì rất trễ. Chúng em cần được khắc phục điều này”.
|
Học sinh tiêu biểu của TP.HCM nêu ý kiến trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố |
SV Nguyễn Vũ Lâm Tuyền, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, cũng lên tiếng: “SV rất khó tiếp cận các công trình khoa học hàng đầu, cũng như những tài liệu, sách chuẩn quốc tế. Ở trường, thường tiếp cận những tài liệu này qua slide của giảng viên. Như em đang học ngành công nghệ sinh học, rất cần giáo trình Campbell để nghiên cứu nhưng giá từ 1,5-2 triệu đồng/cuốn nên không có điều kiện tiếp cận”. SV mong các thư viện tại TP.HCM có những tài liệu như vậy để hỗ trợ SV học tập và nghiên cứu.
Lên tiếng nhiều vấn đề xã hội
Sinh viên mong muốn được hỗ trợ sau cuộc thi khởi nghiệp SV Phan Công Đức, Phó bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: hiện nay, có nhiều cuộc thi về khởi nghiệp, ứng dụng sáng tạo. SV đạt giải rất cao nhưng sau cuộc thi chưa thể phát triển dự án của mình. Theo tìm hiểu, chỉ 10% dự án khởi nghiệp của SV thành công… Mong thành phố hỗ trợ thêm các dự án khởi nghiệp và sáng tạo của SV sau các cuộc thi hoặc có đầu mối hỗ trợ về tính pháp lý, thủ tục để các dự án này đi xa hơn, có thể thực hiện và ứng dụng lâu dài, hoặc tiếp cận được doanh nghiệp. |
Không chỉ quan tâm chuyện học, những HS, SV tiêu biểu còn lên tiếng về những vấn đề xã hội. Trần Công Hận, SV Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nêu: quá tải giao thông đang là vấn để lớn của TP.HCM.
Sau khi đưa ra nhiều dẫn chứng nhìn thấy trên đường đi học, SV này đề xuất TP.HCM nên có kênh để SV, thanh niên góp tiếng nói của mình. SV này còn nêu chương trình văn hóa nghệ thuật cho người trẻ còn thiếu. Hoạt động ca nhạc của các ca sĩ hiện nay có thu phí và đôi khi không phù hợp, thiếu định hướng về lối sống.
Riêng HS Đỗ Bùi Ngọc Thương, Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức), mong muốn được thay đổi giờ vào học: “Buổi sáng, vào học lúc 7g nhưng em hy vọng được đổi thành 8g. Vì chúng em phải thức từ 5-5g30, không có thời gian tập thể dục buổi sáng, thường xuyên vội vã”.
Các sở, ngành đã tiếp thu và giải đáp một số thắc mắc của HS, SV. Về vấn đề thiết bị phòng thí nghiệm, tăng cường tiết học trải nghiệm... ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: hiện nay, TP.HCM có dự án 1.500 tỷ cho trường học thông minh, sẽ có những phòng thí nghiệm hiện đại hơn, thiết bị hiện đại hơn.
Về thực hành kỹ năng sống, tiết học ngoài nhà trường đều đưa vào giảng dạy nhưng vẫn còn hạn chế nên trong thời gian tới sẽ cải thiện. Về thay đổi giờ vào học, nếu học lúc 8g thì về sẽ rất trễ. Ngành giáo dục phải sắp xếp để tan học trước 11g30. Lớp học hai buổi sẽ dễ điều chỉnh hơn. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn còn nhiều lớp học một buổi…
Lãnh đạo TP.HCM “đặt hàng” thế hệ trẻ cùng giải quyết vấn đề đô thị Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, ghi nhận những ý kiến xác đáng của HS, SV. Ông đề nghị Thành đoàn, Hội Sinh viên bố trí thêm buổi lắng nghe ý kiến của HS, SV dịp 9/1 để cùng hiến kế cho lãnh đạo thành phố giải quyết các vấn đề đặt ra, đặc biệt xung quanh vấn đề hạ tầng đô thị. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: mục tiêu sắp tới là xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Muốn làm được điều đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu. Hiện nay, hướng tới mục tiêu, thành phố tập trung vào các đề án: xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh. Mục tiêu hướng đến phát triển kinh tế một cách bền vững, mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân; mở ra không gian để người dân có thể đóng góp tham gia vào sự quản lý của các cấp chính quyền. Đề án thứ hai, xây dựng về phía đông thành phố thành khu đô thị sáng tạo, vì ở đây hội tụ các trường đại học, có khu công nghệ cao được xây dựng rất thành công ở Q.9 đóng góp lớn cho sự phát triển. Kế đến là xây dựng đề án TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của quốc gia. Thành phố phải có trung tâm đổi mới sáng tạo mà nòng cốt tương lai là các em HS, SV ngồi đây. Làm sao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trước hết ở các trường đại học để SV hình dung được, thấy mình phải suy nghĩ như thế nào, hành động ra sao, sau này rời ghế nhà trường đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Lãnh đạo TP.HCM cũng “đặt hàng” SV phải chủ động trong học tập, rèn luyện, trang bị kỹ năng cần thiết: ngoại ngữ, nghề nghiệp, kỹ năng thực hành xã hội, tham gia hoạt động xã hội. Làm sao có chuyên môn giỏi và là tấm gương về đạo đức, sống hết lòng vì cộng đồng. SV hãy thỏa sức nêu ý tưởng, sáng tạo, đưa ra các ý kiến đóng góp cho thành phố để giải quyết vấn đề như giảm ách tắc giao thông, tình trạng ngập, quá tải của hạ tầng đô thị. |
Tiêu Hà