Tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS:

Học sinh sẽ được học trường gần nhà nhất

23/03/2023 - 06:31

PNO - Tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS sẽ giải quyết triệt để tồn tại về phân tuyến trước đây, giúp học sinh được học trường gần nhà song lại đẩy nỗi lo tuyển sinh tại các trường "điểm nóng".

Đặc thù quận 8 có nhiều khu liên phường giáp ranh nhau. Hàng năm, việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp theo phường khiến nhiều học sinh dù nhà ở gần trường, thậm chí… bên kia đường vẫn khó có thể học được tại trường vì… trái tuyến, ngoài luồng. 

Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận 8 đánh giá, khi được chọn thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS sẽ giúp công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn quận thuận lợi, bớt áp lực, giải quyết triệt để những tồn tại trước đó… 

Tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS sẽ giải quyết được các tồn tại khi phân tuyến theo phường, học sinh được học gần nhà
Tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS sẽ giải quyết được các tồn tại khi phân tuyến theo phường, học sinh được học gần nhà

“Trước đây, học sinh ở các cụm liên phường như phường 2, 3, 4; cụm phường 5, 6, 7 khi tuyển sinh phân tuyến theo phường sẽ gặp khó khăn cho học sinh khi học trường đúng tuyến còn xa hơn trường trái tuyến. Hàng năm, quận cũng mạnh dạn giải quyết một số trường hợp theo liên phường nhưng chỉ được một phần nhỏ. Do vậy, triển khai đại trà trên toàn quận hình thức tuyển sinh đầu cấp liên phường, theo bản đồ GIS sẽ là thay đổi mạnh mẽ, giúp không chỉ phụ huynh mà địa phương cũng bớt “nóng” vào mỗi mùa tuyển sinh” - ông Dân nhận định. 

Ông cho biết thêm, hiện quận đang tập hợp số liệu cư trú của học sinh, phụ huynh học sinh kê khai lại địa chỉ nơi cư trú có thay đổi so với trước không. Từ đó, phòng sẽ đối chiếu, căn cứ vào sức chứa của trường, đưa lên phần mềm để tính toán chỗ học thuận lợi nhất cho học sinh. 

“Số liệu học sinh thì đã nắm tương đối đầy đủ rồi, không quá khó khăn khi thực hiện tuyển sinh theo bản đồ GIS nhưng lo nhất là áp lực đối với các trường có sức nóng trong tuyển sinh đầu cấp hàng năm, thu hút nhiều phụ huynh học sinh mong muốn cho con theo học. Quận đang tính toán, phối hợp kỹ với chính quyền địa phương, đảm bảo xác thực được trường hợp học sinh có nơi cư trú thực tế chứ không phải là mượn địa điểm để ở, tuyệt đối tránh tình trạng 1 căn nhà gần trường mấy chục em cùng sinh sống…”- ông Dân nhấn mạnh.

TP Thủ Đức với 34 phường, nhiều trường học kề “sát sàn sạt” phường này với phường kia. Đại diện phòng giáo dục và đào tạo TP Thủ Đức đánh giá, việc áp dụng tuyển sinh các lớp đầu cấp theo bản đồ GIS trên địa bàn thành phố sẽ là thuận lợi cho phụ huynh, học sinh khi đảm bảo con em mình được học ở trường gần nhà nhất, vừa giúp địa phương bớt áp lực. Thế nhưng, ở những địa bàn đông dân cư, với sĩ số học sinh đầu cấp cao hàng năm thì vẫn cần phải có sự tính toán điều tiết về sĩ số học sinh để đảm bảo không gây quá tải cho trường. 

“Điều quan trọng nhất khi áp dụng phương án tuyển sinh mới này vẫn là xác thực được đúng địa chỉ cư trú của học sinh để sắp xếp chỗ học phù hợp, đặc biệt là ở các trường hàng năm luôn có sức hút trong tuyển sinh đầu cấp. Hiện nay các phường đang rà soát, thống kê danh sách trẻ 5-6 tuổi vào mẫu giáo và ra lớp 1, đối với học sinh từ lớp 5 lên lớp 6 thì sẽ thống kê lại nơi cư trú của học sinh và báo về phòng giáo dục. Từ đó ban tuyển sinh của TP sẽ tính toán trên bản đồ GIS, cân đối chỉ tiêu của từng trường để phân bổ học sinh phù hợp nhất”- vị này thông tin. 

Các địa phương đang lo gia tăng sức ép tuyển sinh lên các trường là điểm nóng tuyển sinh
Các địa phương đang lo gia tăng sức ép tuyển sinh lên các trường là "điểm nóng" tuyển sinh

Cũng là địa phương được chọn thí điểm tuyển sinh đầu cấp không phân tuyến theo phường, quận Tân Bình đang cho rà soát số liệu học sinh đầu cấp ở các cấp mầm non, tiểu học.

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận thông tin, qua rà soát số học sinh đầu cấp năm nay không biến động nhiều do không phải là lứa học sinh thuộc thế hệ "trâu vàng", "rồng vàng", "heo vàng". Riêng ở bậc lớp 1 giảm 400 em.

Ông đánh giá, lợi ích của tuyển sinh đầu cấp không theo địa giới hành chính phường mà áp dụng bản đồ GIS sẽ tạo nhiều thuận lợi cho phụ huynh, học sinh khi được học ở trường gần nhà nhất, giúp địa phương giảm áp lực trong tuyển sinh đầu cấp. Nhất là với các địa bàn “nóng” về sĩ số học sinh thì các phường giáp nhau sẽ chia sẻ cho nhau về sĩ số. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ gặp khó khăn ở các trường có sức nóng, có thể “gia tăng sức ép trong tuyển sinh” đòi hỏi phải tính toán thật kỹ…

“Trước hết cần phải xác định rõ thực tế con em đang cư trú ở địa bàn đó để phân trường phù hợp; quan trọng nhất là phụ huynh phải hiểu, nhận thức đúng để đồng hành. Do vậy, hiện phòng giáo dục đang phối hợp với UBND 15 phường, nắm chắc số liệu học sinh để không gặp khó khăn khi đưa vào chỉ tiêu của các trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ chủ trương mới. Năm đầu tiên áp dụng thì trước hết cần thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý phường, thông qua cán bộ phường tuyên truyền trực tiếp đến phụ huynh học sinh để hiểu. Trách nhiệm của phường rất quan trọng, làm sao giúp phá vỡ tư tưởng cũ, chuyển sang tư tưởng mới”- ông Trần Khắc huy nhìn nhận.

Bản đồ GIS ngành giáo dục là bản đồ địa giới hành chính số (hệ thống thông tin địa giới hành chính) được ngành giáo dục TPHCM thiết kế trên môi trường số, với đầy đủ thông tin về các bậc học, định vị vị trí người học (theo nơi cư trú), được tích hợp lần đầu tiên trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 giúp học sinh chọn trường gần nhà để học. 

Quốc Trung 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI