Học sinh, phụ huynh nhẹ nỗi lo chi phí học hành

31/03/2025 - 06:06

PNO - 2 năm trở lại đây, học sinh THCS và học viên giáo dục thường xuyên THCS tại TPHCM đã được miễn học phí, tương ứng 30.000 đồng/tháng hoặc 60.000 đồng/tháng tùy địa bàn. Chính sách này đã giúp nhiều gia đình nhẹ gánh hơn về chi phí học tập của con cái. Học sinh có thêm động lực, quyết tâm hơn để chinh phục ước mơ.

Không còn lo phải nghỉ học giữa chừng

Hà Nguyễn Thảo Ly - học sinh lớp 9/7, Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn) - chia sẻ, nhờ được miễn học phí mà 2 năm nay em không còn nỗi lo phải nghỉ học giữa chừng. Cha mẹ ly hôn đã vài năm, 3 chị em Ly (chị học cấp III và em học cấp I) sống dựa vào cô ruột và bà nội. Nhưng cô của Ly làm công nhân và còn 2 người con nhỏ nên cuộc sống rất thiếu thốn. “Cô luôn muốn chúng em học hành đàng hoàng nhưng thấy cô cực nhọc khiến em rất áp lực. Từ khi em được miễn học phí, cô cũng nhẹ nhõm hơn” - em nói.

Thảo Ly (hàng đầu, bìa phải) được bạn bè, thầy cô quý mến vì có tinh thần học tập cao
Thảo Ly (hàng đầu, bìa phải) được bạn bè, thầy cô quý mến vì có tinh thần học tập cao

Có 2 con đang học cấp II và III tại quận 8, chị Hồng Vân (ngụ huyện Bình Chánh) đỡ vất vả phần nào khi con được miễn học phí. Chồng chị hiện đang làm công việc thu gom rác với thu nhập chừng 7 triệu đồng/tháng. Chị nhận may gia công tại nhà nên thu nhập cũng bấp bênh. Chị cho biết: “2 năm nay, mỗi năm tôi tiết kiệm được 540.000 đồng tiền học phí của con nhỏ. Năm sau, con lớn được miễn học phí, tôi sẽ tiết kiệm được thêm hơn 1 triệu đồng. Số tiền này tích góp nhiều năm thì làm được rất nhiều thứ, hoặc cho con học thêm các lớp kỹ năng…”.

Nằm ở địa bàn có nhiều hộ dân di cư, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn) - nhận định, chính sách miễn học phí của thành phố không chỉ tác động đến phụ huynh thành phố mà cả những hộ dân từ các tỉnh về đây, không có hộ khẩu và công việc thuận lợi. Bà nói: “Tại huyện Hóc Môn, học phí bậc THCS là 270.000 đồng mỗi năm (tại các quận là 540.000 đồng). Số tiền này đối với gia đình khá giả có thể không nhiều, nhưng đối với gia đình khó khăn là cả vấn đề. Nhất là những gia đình đông con và các em đều trong độ tuổi đến trường. Từ 2 năm nay, phụ huynh có con học bậc THCS đã nhẹ gánh tiền bạc hơn”.

Ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 - cũng cho biết, quận 8 là một trong những quận vùng ven còn nhiều khó khăn. Do đó, chính sách miễn học phí của thành phố rất nhân văn, tạo điều kiện cho học sinh được đi học, gia đình đỡ lo toan hơn. Chính sách này còn thúc đẩy thêm tinh thần hiếu học của học sinh. Cha mẹ quan tâm hơn đến các mảng khác cho con khi học phí đã được miễn.

Tăng chất lượng học tập

Vào cuối tháng 2/2025, Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh cả nước từ năm học 2025-2026. Trước đó, TPHCM cũng đã quyết định miễn học phí cho học sinh các bậc học còn lại từ năm học tới: trẻ mầm non dưới 5 tuổi, học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên THPT. Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, đây là món quà ý nghĩa, thiết thực cho toàn bộ học sinh, tạo dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguyễn Phan Hoàng Huy - học viên lớp 10/A6, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận 12 - xúc động nói: “Cả nhà em hiện sống phụ thuộc vào công việc gia công vải theo yêu cầu. Những ngày có nhiều hàng, tiền công tối đa cũng chỉ hơn 200.000 đồng. Số tiền học phí 120.000 đồng/tháng không phải là ít với gia đình em, thậm chí bằng 1 ngày công của cha mẹ. Em sẽ dành số tiền này để tiếp tục học lên cao, thay đổi được tương lai của chính mình”.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận 12 có 109 lớp với hơn 5.500 học viên. Theo ông Trần Thiện Hùng - Phó giám đốc trung tâm - nhiều học sinh trong số đó có hoàn cảnh rất khó khăn, phải tự đi làm kiếm tiền đóng học phí. Việc miễn học phí sẽ giảm áp lực tài chính cho người học. Gia đình cũng có thể chuyển nguồn tiền này cho các hoạt động giáo dục khác của học viên như tiếng Anh, tin học… Hoặc học viên có thể bớt thời gian làm thêm, tăng thời gian tự học, tăng chất lượng học tập. “Chính sách có tác động rất tích cực, tạo điều kiện để người học được tiếp cận giáo dục một cách công bằng và toàn diện hơn. Khi chi phí học tập được giảm xuống, người học sẽ có thêm động lực, quyết tâm hơn để chinh phục ước mơ, thay đổi bản thân, mở ra tương lai tươi sáng” - ông nói.

“Thực tế, thành phố vẫn còn nhiều khu vực khó khăn như Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… Chính sách miễn học phí cho học sinh các cấp tạo sự công bằng cho mọi học sinh, ngoài những hỗ trợ riêng cho học sinh nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khác. Thành phố hy vọng sẽ khuyến khích phụ huynh đưa con đến trường và chăm lo đầy đủ hơn cho các em” - ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Cần quản lý tốt những khoản thu trong nhà trường

Chính sách miễn học phí tạo điều kiện cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục cần lưu ý. Một là phải quản lý, kiểm tra để đảm bảo các trường báo cáo trung thực về số lượng học sinh từng năm học, tránh trường hợp trường nâng số lượng. Thứ hai, các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để cấp kinh phí kịp thời. Tránh việc trường cần kinh phí nhưng phải chờ thời gian dài. Trước đây, việc cấp kinh phí đôi khi mất rất nhiều thời gian với nhiều lý do, ảnh hưởng đến hoạt động của trường.

Có một thực tế khác mà chúng ta phải thừa nhận là học phí chỉ là một phần nhỏ chi phí phụ huynh phải đóng cho trường học. Có một số khoản nhà trường được thu ngoài học phí. Gần đây, một số trường đã xảy ra tình trạng lạm thu. Trường có thể thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, dưới danh nghĩa vận động xã hội hóa khiến phụ huynh cảm thấy bị lạm dụng. Nhân cơ hội này, ngành giáo dục phối hợp các ngành chức năng đánh giá lại nguyên nhân tại sao có hiện tượng lạm thu? Nếu do ngành chưa có quy định rõ ràng thì phải bổ sung cho chặt chẽ. Còn nếu do ý thức của người thi hành chưa tốt thì phải đưa ra biện pháp xử lý. Không nương tay thì mới chấm dứt được lạm thu.

Về phía lãnh đạo trường học, nếu quy định không sát thực tế, gây khó khăn cho cơ sở thì phải kiến nghị để điều chỉnh. Ngay cả quy định về ban đại diện cha mẹ học sinh, Bộ GD-ĐT cũng đã quy định rất rõ những khoản nào được thu. Phụ huynh muốn thu tiền phải được sự đồng ý của giáo viên chủ nhiệm, xin ý kiến hiệu trưởng. Không thể chấp nhận việc lãnh đạo trường hay giáo viên chủ nhiệm đổ cho phụ huynh làm và không biết. Tóm lại, cần rà soát, đảm bảo các khoản thu đáp ứng yêu cầu thực tế và khả năng đóng góp của phụ huynh. Phải “nhặt sạn” dần với quyết tâm cao thì mới đạt được mục đích tốt đẹp nhất.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI