Lạng lách nguy hiểm
Gần 17g, đứng đợi 2 đứa cháu đang học lớp Bảy và lớp Mười một trước cửa nhà, bà Hồng Hà (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cầm sẵn trên tay 70.000 đồng. Đây là số tiền bà phải trả cho “xe ôm” để đưa đón 2 cháu đến trường và về nhà mỗi ngày. Mặc dù gia đình có sẵn xe đạp điện và xe đạp nhưng từ nhiều năm nay, bà đã không cho các cháu tự đi. “Ba mẹ tụi nó đi làm xa nên không có ai đưa đón, mà để tụi nó tự đi xe riêng thì tôi lo. Giờ tôi đi bộ ngoài đường cũng thấy sợ, mấy đứa nhỏ chạy xe ầm ầm, coi ti vi cũng thấy nhiều vụ té ngã mà toàn là học sinh. Thôi thà nhín chút tiền ra trả xe ôm mà yên tâm hơn” - bà Hà nói.
Dù con trai đã lên lớp Mười và biết chạy xe máy nhưng chị Thu Phương (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) vẫn chưa cho con tự lái xe máy đến trường. Kể cả khi con cố gắng thuyết phục chị mua xe 50cc để đi cho đúng luật, đỡ công đưa đón thì chị vẫn không đồng ý. Theo chị, việc phân loại xe 50cc và trên 50cc không giải quyết được vấn đề tai nạn giao thông. “Xe 50cc thì các con vẫn phóng nhanh được thôi, vấn đề là nằm ở ý thức học sinh và cách mà chúng ta đang làm. Nhà trường cấm gửi xe thì các con gửi bên ngoài, công an chặn đường A thì các con đi đường B, làm sao mà kiểm soát được” - chị nhấn mạnh.
|
Học sinh Trường THCS Âu Lạc tham gia hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông - Ảnh: T.T. |
Trên đường đến chỗ làm, chị vẫn thấy nhan nhản những cô, cậu học trò chạy xe máy theo cách rất nguy hiểm. Không lạng lách, đánh võng thì cũng đi theo kiểu muốn dừng thì dừng, muốn quẹo thì quẹo. Khi hỏi con trai, chị được biết hầu hết các em đều tự học lái, tự chỉ nhau đi chứ không được dạy bài bản. Trước cổng trường, chị thấy hình ảnh những phụ huynh đội mũ bảo hiểm đàng hoàng nhưng con cái họ chở thì lại không. “Nếu ba mẹ còn như vậy thì làm sao con cái biết mà tránh được cái sai” - chị nói.
Em Linh Mai - học sinh lớp Mười một của một trường THPT ở quận 3 - cho biết bạn bè của em chạy xe máy trên 50cc đi học rất nhiều. Mỗi khi bị nhắc nhở hay bị cảnh sát giao thông phạt thì các bạn đều hứa hẹn là không tái phạm, hôm sau lại đâu vào đấy. Thậm chí, các bạn còn rủ nhau tụ tập đi theo nhóm, chạy cùng lúc nhiều xe…
Phụ huynh phải chung tay
Trên thực tế, công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh đã được chính quyền địa phương và các trường học thực hiện từ nhiều năm nay. Tại Trường THCS Âu Lạc (quận Tân Bình), bà Bùi Thị Minh Tâm - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: các tiết học về an toàn giao thông luôn được thầy cô lồng ghép trong môn giáo dục công dân, giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắc nhở thêm trong giờ sinh hoạt hằng tuần. Ngoài ra, trường cũng thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông để tổ chức tuyên truyền; ký cam kết với phụ huynh nhằm đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường, không cho phép con đi xe máy khi chưa đủ tuổi.
“Để hạn chế kẹt xe trước cổng, trường tổ chức ra về lệch ca, mỗi khóa cách nhau 5 phút và chia thành 2 cổng, có giám thị cũng như thầy cô điều phối. Những hoạt động tuyên truyền cũng theo dạng mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức như tiểu phẩm, trả lời câu hỏi…” - bà Bùi Thị Minh Tâm chia sẻ. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, trường sẽ mời phụ huynh và có biên bản xử lý vì em không chỉ vi phạm nội quy của nhà trường, mà còn vi phạm pháp luật. Về quan điểm phụ huynh đưa xe cho con do không tiện đưa đón, bà cho rằng không hợp lý. Vì thời nay, các em đều học trường gần nhà, hoặc cũng có thể dễ dàng đi xe buýt. Việc học sinh có xe riêng còn dễ đưa đến việc các em trốn học, tụ tập bạn bè đi chơi xa.
Ngoài những ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Đắc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) - còn nhấn mạnh: sự phối hợp của phụ huynh trong việc không để các em tự đi xe máy hoặc ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm vẫn là quan trọng nhất. Bởi trường không cho gửi xe thì các em sẽ gửi bên ngoài, mà gửi bên ngoài thì trường không có cơ sở để xử lý. Hay như việc phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con, thầy cô cũng chỉ nhắc nhở chứ không thể làm gì khác. “Tôi nghĩ các cơ quan chức năng nên phạt nặng vài trường hợp để làm gương. Như việc xử lý nồng độ cồn hay đội mũ bảo hiểm vậy, ngày xưa đâu ai chịu, mà làm riết rồi cũng quen” - ông đề nghị.
Ông Nguyễn Đức Chính - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú) - cũng chia sẻ rằng, khó khăn chung của các trường là không thể quản lý việc học sinh đi xe trên 50cc. Đơn giản là vì trong gia đình có xe nào thì phụ huynh cho con đi xe đó, đỡ mất thêm tiền và tốn thêm không gian để xe. “Có chăng là nên giảm độ tuổi thi bằng lái xuống 16 tuổi để học sinh được học và thi, sau đó tham gia giao thông một cách nghiêm túc. Chứ nếu không có ai dạy thì các em sẽ tự học với nhau và sẽ càng nguy hiểm” - vị hiệu trưởng đề nghị.
Phải phát triển phương tiện công cộng cho học sinh Tại hội nghị trực tuyến chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh diễn ra ngày 2/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh rằng, phần lớn tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đều do các phương tiện cá nhân và ý thức của học sinh gây ra. Từ trước đến nay, ngành đã luôn chú trọng giáo dục học sinh về điều này. Từ khi học mẫu giáo, các em đã phải biết đi bộ bên phải, đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng có ý nghĩa gì. Vậy có nghĩa là, ý thức thì nhà trường có trách nhiệm đầu tiên nhưng vai trò của gia đình và xã hội cũng rất quan trọng. Nếu mọi người chấp hành tốt thì các em đâu học theo. Do đó, ông đề nghị, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để đưa ra những giải pháp cần thiết cho việc giáo dục về an toàn giao thông trong chương trình học chính khóa. Còn nếu phụ huynh để học sinh đi xe máy thì gia đình phải chịu trách nhiệm. Bộ Công an phải xây dựng khung ứng xử, xử lý để Bộ GD-ĐT đưa vào đánh giá, thi đua của từng trường, từng lớp. Đặc biệt, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, chính quyền địa phương cần tính đến việc cho học sinh đến trường và về nhà bằng phương tiện công cộng để đảm bảo an toàn cho các em và cả những người tham gia giao thông. |
Tăng cường phòng, chống đua xe trái phép ở học sinh Theo trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM - thời gian qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng liên quan đến công tác học sinh. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, Công an thành phố đã tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 653 cơ sở giáo dục với 665.439 học sinh, sinh viên; tổ chức cho 397 cơ sở giáo dục với 334.466 học sinh, sinh viên ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống đua xe trái phép và gây rối trật tự công cộng, thường xuyên diễn tập phương án trên địa bàn đảm trách và giáp ranh. Nâng cao công tác điều tra cơ bản, từ đó nắm chắc đối tượng và các loại xe, thời gian, địa điểm tổ chức đua xe để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời. Không để bị động trong bất kỳ tình huống nào. Lực lượng công an thành phố thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt các đối tượng, lò “độ, chế xe”. Lập danh sách các chủ xe đem xe đi độ để phòng ngừa, răn đe; thông báo cho công an địa phương theo dõi, quản lý. |
Trang Thư