Học sinh phổ thông vẫn chịu áp lực học tập cao

31/12/2023 - 14:34

PNO - Thông tin này được đưa ra trong nghiên cứu “Áp lực học tập và mối liên quan với lo âu ở học sinh trung học phổ thông thành phố Thủ Đức, TPHCM”.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Phạm Minh Quang, Phan Thị Hoài Yến, Trần Phan Diệu Anh (Khoa Y học Tâm thể, bệnh viện thành phố Thủ Đức; khoa Khoa học xã hội và Luật, Trường đại học Hoa Sen và khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM).

Các tác giả đã thực hiện khảo sát trên 421 học sinh THPT tại TP Thủ Đức (TPHCM) từ tháng 4 đến tháng 5/2023. Kết quả cho thấy, tỷ lệ chịu áp lực học tập của các em theo 3 mức độ nhẹ, vừa, nặng lần lượt là 35,9%, 30,6%, 33,5% và tỉ lệ lo âu là 35,6%.

Học sinh THPT phải đối diện với nhiều áp lực học tập và các kì thi - Ảnh: P.T
Học sinh THPT phải đối diện với nhiều áp lực học tập và các kì thi - Ảnh: P.T (Ảnh minh họa)

Có nhiều cách lý giải về mối liên hệ giữa áp lực học tập với tình trạng lo âu ở học sinh trung học phổ thông.

Ngày nay, hầu hết tất cả các trường trong thành phố đều dạy học 2 buổi cho học sinh, kèm theo đó là việc gần như học sinh nào cũng phải học thêm. Ngoài những kì thi ở trường, học sinh còn phải đối mặt với những kì thi tại những trung tâm học thêm. Đặc biệt với những học sinh lớp Chín và Mười hai còn chuẩn bị thi chuyển cấp, việc cha mẹ mong muốn cho con mình có thể vào được một ngôi trường mới thật tốt đã vô tình khiến cho các học sinh phải chịu áp lực lớn.

Có gần 90% học sinh được khảo sát có học thêm ngoài giờ và phải áp lực học tập cao hơn so với những em còn lại. Điều này cho thấy các em không thoải mái trong việc học thêm, một phần do phụ huynh ép cũng dẫn đến tăng áp lực học tập.

Những học sinh chưa thể hoàn thành tốt bài tập về nhà chịu áp lực học tập cao hơn so với học sinh có thể hoàn thành. Vì vậy, việc giao bài tập về nhà của giáo viên nên được xem xét lại.

Ngoài ra, việc dạy học ở Việt Nam thường mang tính lý thuyết khô khan và ít áp dụng những biện pháp vừa dạy vừa học, nhất là ở giai đoạn thi học kỳ. Để giảm những áp lực này, giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy để các học sinh thấy hứng thú và dễ dàng ghi nhớ hơn.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chịu áp lực học tập ở mức độ nặng và lo âu ở học sinh trung học phổ thông tại TP Thủ Đức vẫn còn cao. Nhà trường và gia đình nên có những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng chịu áp lực học tập và nâng cao sức khỏe của học sinh như: tạo ra môi trường học tập thoải mái và tích cực; kì vọng phù hợp với khả năng và sở thích của học sinh; cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học để giúp học sinh giải quyết vấn đề và áp lực.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI