Học sinh phải học ở nhà giữ xe vì trường xuống cấp trầm trọng

23/05/2017 - 10:40

PNO - Dãy nhà học xuống cấp nghiêm trọng, nứt nẻ và dột nát trong khi lại chưa có phương án di dời hoặc sửa chữa buộc nhà trường phải cải tạo nhà để xe, mượn thêm nhà văn hóa xóm để dạy học.

Nhiều năm qua, thầy trò Trường tiểu học Quỳnh Lập A (xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn phải nơm nớm dạy học trong ngôi trường được xây dựng gần 40 năm tuổi, đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trường tiểu học Quỳnh Lập A gồm hai dãy nhà cấp 4 với 16 phòng học. Nhiều phòng học tường bị nứt toác, ở phía ngoài cũng như bờ tường mặt trong lớp học, có chỗ vết nứt đã kéo dài và tạo ra khe hở lớn hết sức nguy hiểm. Diện tích phòng học hẹp, chật chội lại thấp nên trong khá ngột ngạt, nhất là với thời tiết nắng nóng.

Hoc sinh phai hoc o nha giu xe vi truong xuong cap tram trong
Cô trò Trường tiểu học Quỳnh Lập A dạy học trong các căn phòng chật chội, nứt toác.

Nhiều phụ huynh phản ánh, mỗi lúc mưa xuống phòng học bị dột ướt khiến học sinh phải chuyển chỗ để ngồi, trời nắng phòng nóng bức khó chịu…, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học của con em địa phương. Hiện Trường tiểu học Quỳnh Lập A có 752 học sinh phân bổ ở 24 lớp. Dù đã chia các khối lớp học xen kẽ 2 ca sáng chiều, học thêm cả ngày thứ 7 nhưng số lượng phòng học vẫn không đáp ứng đủ cho học sinh buộc trường này phải mang thêm bàn ghế ra nhà xe và nhà văn hóa thôn để mở thêm lớp.

Không những thiếu phòng học mà ngay cả những phòng học chức năng cũng không có, phòng làm việc của ban giám hiệu đều được tận dụng tối đa, ghép với nhau.

Hoc sinh phai hoc o nha giu xe vi truong xuong cap tram trong
Mỗi năm trường này tiêu tốn gần 100 triệu đồng để sửa chữa cầm chừng các vết nứt nẻ.

Ông Hồ Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quỳnh Lập A cho biết, không những học sinh mà ngay cả giáo viên cũng rất khó yên tâm dạy học trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp nghiêm trọng như hiện tại. Nhiều năm qua, mỗi năm trường này tiêu tốn gần 100 triệu đồng mỗi năm để sửa chữa lại mái ngói và gia cố các vết nứt nẻ để “cầm chừng”.

“Thực tế các biện pháp này chỉ nhằm cầm chừng là chính vì phía chính quyền địa phương đang có phương án xây dựng lại trường mới ở địa điểm khác nên chúng tôi phải chờ đợi. Cũng lo lắm, nhất là mỗi mùa mưa bão về. May là phần gỗ làm mái phía trên được làm từ gỗ chắc, không bị mỗi mọt nên tôi mới yên tâm phần nào không thì không dám cho học sinh vào học”, ông Vinh cho biết thêm.

Hoc sinh phai hoc o nha giu xe vi truong xuong cap tram trong
Thiếu phòng học, trường phải cải tạo thêm nhà để xe, mượn nhà văn hóa thôn để làm phòng học.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết xây dựng trường học cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu được chính quyền xã Quỳnh Lập đặt ra để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do kinh phí gặp nhiều khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được.

“Hiện chúng tôi cũng đang làm các thủ tục để xin cấp phép xây dựng lại Trường tiểu học Quỳnh Lập A mới hoàn toàn ở địa điểm mới. Trong năm nay, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng một dãy nhà 2 tầng gồm 16 phòng học và các công trình phụ với kinh phí 9 tỷ đồng”, ông Vân nói.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI