Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên viên sở GD-ĐT TP.HCM, người được microsoft công nhận là “chuyên gia giáo dục toàn cầu” vì có nhiều đóng góp trong việc hướng dẫn giáo viên ứng dụng công nghệ, góp phần làm thay đổi giáo dục, đã chia sẻ với phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM về nỗ lực giảm nhồi nhét kiến thức, giảm áp lực cho HS.
Phóng viên: Bà có nghĩ hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay đang “quay” HS, bắt các em chạy đua cùng điểm số?
Bà Tô Thụy Diễm Quyên: Ngành giáo dục đang nỗ lực giảm bớt nhồi nhét kiến thức cho HS. Chúng ta đang dạy cho các em cách để vượt qua các kỳ thi về lý thuyết nặng nề. HS giỏi là những em có khả năng nhớ nhiều thứ trong sách giáo khoa và sách nâng cao, nhưng thực tế cho thấy những HS đó không thành công trong cuộc sống do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.
Câu chuyện một người đi học có điểm số rất tệ nhưng sau đó làm chủ và thuê những bạn học giỏi hơn về làm việc không hề gây ngạc nhiên cho xã hội này. Ấy vậy mà các ông bố, bà mẹ vẫn đòi hỏi con phải chạy theo điểm số và thành tích học tập; không biết con thực sự có năng lực, sở trường và đam mê gì.
Một lần, khi sang Mỹ dự diễn đàn toàn cầu, tôi có hỏi một giáo sư: “Làm thế nào để xác định mục tiêu giảng dạy?”. Ông ấy trả lời: “Đơn giản thôi, bạn muốn HS trở thành người như thế nào thì bạn sẽ xây dựng mục tiêu để các em đạt được điều đó”. Theo vị giáo sư này, giáo dục phải có tính định hướng rõ ràng. Mục tiêu của giáo dục là tạo ra con người có thể tồn tại và phát triển trong thế giới này chứ không phải để giải quyết hết lượng kiến thức trong chương trình.
|
Học sinh Singapore phải chịu áp lực học hành, thi cử từ rất sớm - Ảnh: EPA |
* Theo bà, việc đổi mới giáo dục hiện nay có xóa được “bệnh” chạy theo điểm số, thành tích không khi lại lấy giáo dục toàn diện làm định hướng? Có vô lý không, khi ngành GD-ĐT của Việt Nam muốn đào tạo ra một lớp người “biết tuốt” và giỏi đều?
- Việc bắt người học giỏi đều tất cả các môn được ví như bắt con cá phải biết bay và đòi đại bàng phải bơi giỏi như cá. Giáo dục toàn diện nếu hiểu đúng và làm trúng thì đó là cho trẻ học tất cả mọi lĩnh vực chứ không bắt trẻ phải giỏi tất cả mọi thứ nó được học.
Một nghiên cứu khoa học về trí thông minh của Howard Gardner đã đưa ra định nghĩa về thông minh là “khả năng giải quyết vấn đề ở một bối cảnh văn hóa nhất định” và có tám loại hình trí thông minh như thế. Những đứa trẻ trước đây bị thầy cô “kết tội” là tăng động, cá biệt vì không chịu ngồi yên và khó tập trung thì bây giờ khoa học đã “xóa án” bằng thuật ngữ “trí thông minh vận động”.
Đồng thời, khoa học cũng chỉ ra cho thầy cô và bố mẹ cách để giáo dục những đứa trẻ dạng này sao cho tất cả mọi đứa trẻ đều được giáo dục phù hợp và phát huy tối đa năng lực của các em. Giáo dục toàn diện chính là lối giáo dục mà HS được giảng dạy tất cả mọi thứ để giúp phát hiện năng lực tốt nhất ở lĩnh vực nào đó.
Một lối giáo dục khác gọi là liberal education, tức giáo dục tự do: người học được toàn quyền lựa chọn phương thức học tập và nội dung học tập phù hợp với năng lực và mục tiêu của mình. Lối giáo dục “đo ni đóng giày” này giúp người học phát triển ý thức trách nhiệm xã hội, kỹ năng trí tuệ, học cách tư duy và giải quyết vấn đề quan trọng hơn việc học thuộc những khái niệm học thuật.
* Là chuyên gia tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học, bà đã có những hành động gì để HS, thầy cô giáo bớt áp lực?
- Muốn giảm việc chạy theo thành tích, cần đồng bộ từ mục tiêu giáo dục của toàn hệ thống giáo dục cho đến mục tiêu giáo dục của phụ huynh, song song với việc thay đổi cách đánh giá. Nếu phụ huynh không cùng mục tiêu với nhà trường thì đứa trẻ vẫn còn tiếp tục khổ bởi những mong muốn về thành tích từ cha mẹ. Cha mẹ cần thành tích, thầy cô và nhà trường cũng không thể thiếu kết quả để trả lời (chứng minh) với xã hội.
Cứ sau một học kỳ, các cha mẹ ào ạt đưa giấy khen của con lên mạng xã hội để khoe cũng là một minh chứng cho việc này. Tôi từng thấy học trò mình bị bố đánh dã man vì bị điểm kém, thậm chí có em 9 điểm vẫn bị đánh mắng. Ngoài kia, mỗi ngày có hàng trăm ngàn đứa trẻ đáng thương đang bị đòn roi, ép học vì nó là con cá mà cha mẹ cứ bắt phải biết leo cây.
Tôi muốn nhắn gửi với phụ huynh rằng, đừng bắt con chúng ta mơ tiếp giấc mơ dở dang của mình mà hãy cho con sống cuộc đời của chính con, cuộc đời mà con có thể tự đi một mình, không có chúng ta bên cạnh để chỉ đạo và đòi hỏi.
Gia Tuệ (thực hiện)
Bà Nguyễn Thị Tuyết Xuân, nguyên Trưởng phòng Tham vấn tâm lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM: Người lớn phải lược bỏ các “ước mong tiềm ẩn” của mình Mỗi con người có những năng lực riêng biệt. Trong thực tế, có những trẻ rất dễ dàng đạt được điểm số cao qua các bài kiểm tra trên lớp. Có trẻ chỉ cần nỗ lực vừa phải để đạt được điểm số cao, nhưng cũng có những trẻ phải vô cùng căng thẳng, vất vả mới đạt hoặc có khi không đạt được những thang điểm ấy. Nếu các bậc cha mẹ tỉnh táo, biết cố gắng lược bỏ các ước mong tiềm ẩn của chính mình, đặt lại mục tiêu chính xác cho con, thì sẽ xác định được con mình thuộc nhóm nào trong các nhóm trên, tạo cơ hội khuyến khích con trẻ phát triển tối đa tiềm năng mà không phải chịu đựng những sức ép tiêu cực, chẳng mang lại hiệu quả gì. Nhờ đó, cha mẹ tạo cho trẻ những điều tốt đẹp, những tháng ngày hạnh phúc. Trong thời đại hiện nay, hầu như khó có lĩnh vực nào mà con người có thể làm việc một mình, hoàn toàn không liên quan, không bị ràng buộc với công việc của ai đó, với một nhóm người nào đó. Vì vậy, sự thành công của cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, chất lượng của sự tương tác với các thành viên khác trong các mối liên hệ. Thí dụ, trong các mối liên hệ, con người có học biết lắng nghe, biết nhường nhịn, biết cảm thông, có khả năng sáng tạo, có khả năng quyết đoán đúng lúc v.v... hay không? Đó chính là khái niệm mà ngày nay chúng ta không ít lần nghe nhắc đến: người có chỉ số cảm xúc (EQ) cao mới là người dễ thành công trong cuộc sống. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý Hoa Kỳ, đối với một sự thành công, chỉ số thông minh (IQ) chỉ đóng góp 20%, trong khi đó 80% là do EQ quyết định. Điểm số trong trường học, một cách nào đó, chỉ là chỉ dấu về IQ. Nam Anh (ghi) |