Học sinh nghiện internet dễ mắc chứng trầm cảm

12/11/2020 - 07:22

PNO - Ngày 11/11, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Nghiện internet ở thanh - thiếu niên Việt Nam: Thực trạng và giải pháp"

Trình bày kết quả một nghiên cứu được thực hiện trên tổng số 300 học sinh đang học khối lớp 6, 7, 8, 9 Trường THCS Trần Quốc Toản (Quận 9, TPHCM), ThS. Phan Thị Cẩm Giang - giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho biết, có 102 học sinh nghiện game (chiếm 34%), trong đó có 81 học sinh nam và 21 học sinh nữ. Nhiều học sinh trong số đó đã dành từ 240 - 420 phút, tương đương 4 - 7 giờ đồng hồ mỗi ngày, để chơi game.

TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng việc thiếu sân chơi là nguyên nhân khiến trẻ nghiện internet
TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng việc thiếu sân chơi là nguyên nhân khiến trẻ nghiện internet

Từ kết quả đó, Th.S Giang khẳng định, chứng “nghiện” game tuy chưa đến mức báo động nhưng việc học sinh trung học cơ sở chơi game quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và giấc ngủ đang là một vấn đề đáng quan tâm.

Nguyên nhân chính gây nghiện internet ở thanh thiếu niên, theo TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, là do thiếu sân chơi trầm trọng làm cho trẻ em không biết chơi đâu, chơi gì nên dễ đốt thời gian vào internet - game online và bị bạn bè lôi kéo.

Hội thảo đã bàn đến những giải pháp góp phần phòng ngừa và điều trị nghiện internet ở trẻ
Hội thảo đã bàn đến những giải pháp góp phần phòng ngừa và điều trị nghiện internet ở trẻ

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Lê Minh Thuận, ĐH Y - dược TPHCM đã có những phân tích cho thấy có tồn tại mối quan hệ tỷ lệ nghiện internet và trầm cảm ở học sinh. Cụ thể, những học sinh nghiện internet có tỷ lệ trầm cảm cao gấp 1,71 lần so với những học sinh không nghiện, do đó, gia đình và nhà trường nên nhận thấy tầm quan trọng của biện pháp kiểm soát thời gian sử dụng internet đối với việc nâng cao sức khỏe tâm lý học sinh.

Từ góc độ trường học, bà Trịnh Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường Trần Quốc Toản, Q.9 đã đưa ra những giải pháp thể hiện vai trò của nhà trường trong việc phòng ngừa, điều trị nghiện internet trong đối tượng học sinh. Theo đó, nhà trường đã cụ thể hóa nội quy sử dụng điện thoại trong trường học như một biện pháp “chế tài”. Bên cạnh đó, việc hướng học sinh vào những hoạt động năng khiếu, thể dục thể thao tại trường học cũng phần nào hướng học sinh đến những hoạt động lành mạnh để quên đi việc sử dụng điện thoại.

Thu Lê

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI