Học sinh nghiện game gia tăng khi học trực tuyến kéo dài

22/12/2021 - 10:25

PNO - Nhiều nhà quản lý đã đưa ra cảnh báo về tình trạng học sinh nghiện game gia tăng khi học trực tuyến kéo dài.

Vừa học online vừa chơi game

Chia sẻ về tình trạng học sinh nghiện game trong thời gian học trực tuyến, hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành TPHCM nhìn nhận, tỷ lệ này đang tăng so với thời gian học sinh học trực tiếp. Thậm chí, có em trong giờ học online vẫn tranh thủ vừa học vừa chơi game, chơi lén lút lẫn công khai. 

“Khoảng một tháng trở lại đây, nhiều giáo viên phàn nàn với tôi về tình trạng nhiều học sinh làm việc riêng trong giờ học, trong đó nhiều em công khai chơi game trong lớp học trực tuyến. Việc học trực tuyến kéo dài đang phát sinh rất nhiều hệ lụy nguy hiểm mà hiện tượng mê game, nghiện game, nghiện điện thoại là một trong những hệ lụy điển hình, khó lường nhất”. 

Khi ở nhà một mình không có bạn bè, không có sự tương tác qua lại với người lớn, không có người lớn giám sát khi sử dụng công nghệ, nhiều em sẽ tìm đến các trò giải trí trên internet như game
Khi ở nhà một mình không có bạn bè, không có sự tương tác qua lại với người lớn, không có người lớn giám sát khi sử dụng công nghệ, nhiều em sẽ tìm đến các trò giải trí trên internet như game

Theo hiệu trưởng này, học sinh mê game sẽ có những biểu hiện sa sút, mơ màng, thiếu tập trung trong học tập, không tương tác với giáo viên trong lớp học, không hoàn thành hoặc không làm các yêu cầu giáo viên giao.

Học sinh mê game khi học trực tiếp đã là một bài toán khó. Khi học trực tuyến, trong điều kiện tương tác giữa thầy và trò bị hạn chế chỉ diễn ra qua màn hình, để có thể hỗ trợ các em bước ra khỏi tình trạng này thì lại càng khó…

Thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh) chia sẻ, đến thời điểm này học sinh đã bắt đầu có những dấu hiệu nản, uể oải khi học trực tuyến kéo dài. Theo thống kê của trường, có tới 30% học sinh không hoàn thành các yêu cầu của giáo viên.  

“Phụ huynh hiện đã đi làm trong khi học sinh các khối lớp khác vẫn học trực tuyến. Nhiều gia đình ba mẹ khóa cửa để con tự học online ở nhà. Thiếu sự giám sát của người lớn là một trong những nguyên nhân khiến các em sa sút, thiếu tập trung trong học tập”, thầy Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đặc biệt, thầy Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo tình trạng học sinh nghiện game, mê game khi học trực tuyến đã xuất hiện nhiều, tập trung ở những em thiếu sự hỗ trợ, quan tâm, giám sát của người lớn. “Khi ở nhà một mình không có bạn bè, không có sự tương tác qua lại với người lớn, không có người lớn giám sát khi sử dụng công nghệ, nhiều em sẽ tìm đến các trò giải trí trên internet như game hoặc các trang mạng xấu, độc. Lâu dần sẽ hình thành thói quen khó bỏ, nghiện game, mê game, điều này là cực kỳ nguy hại”.

Thách thức không nhỏ với thầy cô

Chia sẻ trong chương trình Kết nối và đồng hành với chủ đề “Hỗ trợ tâm lý học sinh trở lại trường học sau giãn cách”, TS. Khúc Năng Toàn (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, ĐH Sư phạm Hà Nội) lo ngại rằng, việc quay trở lại trường học sẽ khiến đối tượng học sinh này gặp nhiều khó khăn. 

“Điều quan trọng nhất trong thời điểm này là nhà trường, giáo viên phải hướng các em đến những hoạt động tích cực ở lớp học. Làm thế nào để sức hút của các hoạt động ở lớp học phải lớn hơn sức hút của game online. Đây là thách thức không nhỏ đối với thầy cô”, TS. Khúc Năng Toàn gợi ý.

Kéo học sinh ra khỏi game khi trở lại trường là thách thức không nhỏ với thầy cô
Làm sao để kéo học sinh ra khỏi game khi trở lại trường là thách thức không nhỏ với thầy cô

Dù đã lường trước vấn đề học sinh sẽ sa đà vào game khi học trực tuyến kéo dài, song thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10) không khỏi “sốt ruột” vì thực tế là tỷ lệ này đang dần tăng.

Ông phân tích, trong điều kiện bình thường mới như hiện nay, phụ huynh đi làm còn học sinh vẫn học tập ở nhà. Việc thiếu sự giám sát của người lớn, thiếu những sân chơi phát triển kỹ năng, thể chất, bị bó buộc tù túng trong 4 bức tường… nếu không có bản lĩnh thì ngay cả những học sinh được xem là có ý thức học tập tốt cũng có thể rơi vào game.

“Khi trở lại trường, chắc chắn những học sinh này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những học sinh khác không chỉ trong tiếp thu kiến thức mà còn trong giao tiếp. Đây cũng sẽ là khó khăn không nhỏ của thầy cô để đưa các em ra khỏi game, hòa nhập với việc học tại trường”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI