Học sinh nghiện điện thoại di động: Báo động đỏ

20/02/2014 - 17:34

PNO - PN - Việt Nam là nước có học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) thuộc hàng cao nhất thế giới. Đến 950/1.000 học sinh THPT được khảo sát có dùng ĐTDĐ. Riêng tại TP.HCM, có đến 8% học sinh “nghiện” ĐTDĐ, cao gần gấp ba lần...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoc sinh nghien dien thoai di dong: Bao dong do

Học sinh trường THCS Nguyễn Du sử dụng điện thoại di động trong một buổi lễ của trường

Thiếu điện thoại là...bứt rứt

Ngồi dự lễ dưới sân trường, nhiều cô cậu học sinh (HS) trường THCS Nguyễn Du (Q.1) chẳng hề chú ý nghe mà loay hoay với những chiếc smartphone hiện đại chụp hình, nhắn tin, chơi game… cùng thao tác rất thành thạo. Nhiều em đã được bố mẹ trang bị ĐT từ những năm tiểu học để chơi game khi bố mẹ bận, hoặc để gọi bố mẹ đến đón khi tan học ở các lớp học thêm. Sử dụng ĐTDĐ nhiều năm nên lên đến THPT thì gần như em nào cũng lệ thuộc vào những “chú dế”, khi thiếu cảm thấy rất bứt rứt.

Em B.T.T.T., HS lớp 12 trường THPT Diên Hồng cho biết: Em chỉ mới bắt đầu xài ĐTDĐ “cục gạch” hơn một năm, chủ yếu để gọi anh chị đến đón khi tan học, nhiều lắm là chụp hình. Lớp em phải hơn phân nửa bạn xài ĐTDĐ, phần lớn là loại xịn như Iphone, Samsung Galaxy… để lướt facebook, “tự sướng” (tự chụp hình đưa lên mạng), chat, chơi game. Thậm chí có bạn “cắm đầu” vào ĐTDĐ suốt giờ ra chơi, và lén lút vào "phây" trong giờ học.

Dạo quanh các trường vào giờ ra chơi hay tan học, dễ dàng nhận thấy đa số HS đều xài ĐTDĐ. Thậm chí HS “con nhà giàu” ở nhiều trường còn được sở hữu những chiếc ĐT cảm ứng hiện đại, có giá trên chục triệu đồng. ĐT xịn không chỉ hỗ trợ tốt các chức năng giải trí mà còn là “phụ kiện” khẳng định “đẳng cấp” của các cô cậu học trò. Thầy Tô Thanh Phong, giáo viên tiếng Anh tại các trung tâm Anh ngữ cho biết: Nếu ở trường học chính, các em còn sợ thầy cô không dám xài ĐTDĐ trong giờ học hoặc tắt chuông, thì ở trung tâm ngoại ngữ, các em vô tư mở ĐT trong giờ học. Đang học mà chuông ĐT cứ reo liên tục rất khó chịu, ảnh hưởng đến những học viên khác, nhưng nhắc nhở thì các em xin lỗi rồi giáo viên cũng đành cho qua, không thể cấm được.

Kết quả khảo sát của Sở Y tế và Đại học Y Dược TP.HCM khiến nhiều người “giật mình” về thực trạng HS sử dụng ĐTDĐ. Trong số 1.000 HS đang học ở các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Năng khiếu, TH thực hành Hùng Vương và THPT Trần Khai Nguyên thì có đến 950 em dùng ĐT. Đáng báo động hơn là các em còn có biểu hiện lệ thuộc vào thiết bị này. Gần 20% HS có cảm giác bất an, lo sợ, bứt rứt khi không có ĐTDĐ trong túi và 8% HS rơi vào trạng thái “nghiện” ĐTDĐ. Nhiều em “giao dịch” đến hơn 50 tin nhắn và 30 cuộc gọi mỗi ngày. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những con số đáng ngạc nhiên khi 73% HS từng có ít nhất hai ĐTDĐ một lúc và 70% em tham gia các ứng dụng trên ĐTDĐ mỗi ngày.

Ông Lê Ngọc Bảo Minh, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Y tế TP.HCM, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: HS có học lực giỏi thì tỷ lệ nghiện ĐT thấp so với HS khá, yếu kém hoặc HS có người yêu. Các em này vì bỏ ra nhiều thời gian “ôm” ĐT, lên facebook, chat yahoo... nên ít thời gian tập trung vào học hành. Đặc biệt, HS lớp 10 có tần suất sử dụng ĐT nhiều hơn các lớp khác vì môi trường mới, ít bạn bè.

Đa phần phụ huynh đều hiểu những “tác dụng phụ” khi cho con sử dụng ĐTDĐ quá sớm nhưng không cho cũng không xong. Chị Trinh, PHHS Trường TH thực hành Sài Gòn nói: “Con gái lớn học lớp 11, con gái giữa học lớp 9, thằng út học lớp 4, lịch học của các cháu khá dày, học chính khóa, học thêm ở nhà thầy và học ngoại ngữ các tối nên tôi buộc lòng phải cho hai đứa lớn sử dụng ĐTDĐ để khi bố mẹ không đến đón kịp thì liên lạc. Ngoài ra, tôi còn có thể kiểm tra xem con đang ở đâu, nhắc nhở con ăn uống... Trong điều kiện của gia đình tôi, không thể không cho con dùng ĐTDĐ”.

Hậu quả khó lường

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Không có quy định nào cấm HS sử dụng ĐTDĐ hay không được phép mang vào trường mà chỉ không cho sử dụng trong giờ học".

Nhóm nghiên cứu cho biết, việc sử dụng ĐTDĐ có liên quan đến các triệu chứng như: đau nhức âm ỉ nửa đầu, biếng ăn, mất ngủ, đau nhức ngón tay cái, ngón trỏ, suy giảm thính lực và lo sợ, bứt rứt khi không có ĐT bên cạnh (hội chứng Nomophobia). Việc sử dụng ĐT không kiểm soát, không thích hợp hay quá mức không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn dẫn đến những vấn đề xã hội, hành vi và xúc cảm. Nghiên cứu đã cho thấy rõ ràng rằng, có từ 4-7% HS có một hoặc nhiều biểu hiện: đau nhức ngón tay cái, ảnh hưởng đến tế bào thần kinh, không ngủ được, ù tai, suy giảm thính lực có liên quan đến ĐT.

Ông Lê Ngọc Bảo Minh khuyến cáo: Nhiều HS để ĐT trong túi quần, đeo bên hông cả ngày sẽ có nguy cơ vô sinh nam cao hơn; nữ sinh bỏ trong túi áo hoặc đeo trước ngực liên tục thì có nguy cơ ung thư vú. BS Đỗ Hồng Giang, Trưởng khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khuyên: Một số nghiên cứu đã chỉ ra, cơ thể bị tác động bởi sóng của ĐTDĐ có thể bị tổn thương ở não. Trẻ nhỏ sử dụng ĐT quá sớm cũng dễ thiếu tính sáng tạo, giảm tập trung, nhức mắt, đau tay. Nếu sử dụng ĐTDĐ để nghe nhạc kéo dài nhiều giờ thính giác mệt mỏi, người dùng sẽ dễ bị giảm thính lực nhanh hơn từ 10 - 20 năm. Những biểu hiện này thường không xuất hiện ngay nên ít người nhận biết.

Các nhà tâm lý khuyến cáo: Trong điều kiện trẻ có lịch học tập dày đặc, phụ huynh có thể trang bị cho con em ĐTDĐ để tiện đưa đón nhưng phải chọn loại ĐT ít hỗ trợ chức năng giải trí, nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế việc trẻ mất thời gian “cắm đầu” vào ĐTDĐ. Khi trang bị ĐT cho con, nên thường xuyên kiểm tra cách con sử dụng “dế” có hợp lý không… Bên cạnh việc tuyên truyền tác hại của ĐTDĐ đến các em HS, biện pháp cấm HS sử dụng ĐTDĐ của nhà trường sẽ khó khả thi nếu thiếu sự hợp tác từ cha mẹ học sinh.

 Tiêu Hà - Văn Thanh

Theo nghiên cứu của Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2009 ghi nhận ngẫu nhiên trên 10.000 thanh thiếu niên tại 63 tỉnh/thành Việt Nam, có đến 80% thanh thiếu niên sử dụng ĐTDĐ (riêng khu vực thành thị chiếm 97%). Như vậy, số HS tại Việt Nam sử dụng ĐTDĐ tương đương với Hàn Quốc, Nhật Bản - là những quốc gia có tỷ lệ HS sử dụng ĐTDĐ cao nhất thế giới. Tại Mỹ, hầu hết các trường đã hạn chế dùng ĐT vì nhận thấy có đến 64% thanh thiếu niên nhắn tin trong lớp học. Tuy nhiên, vẫn có đến 62% HS cho biết vẫn lén lút sử dụng được ĐTDĐ trong khuôn viên trường.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI