Mong ngóng được nghỉ
|
Học sinh Trường THCS Kim Tân, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai trong giờ ngoại khóa - Ảnh: T.T.K |
Mới đây, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học ngày thứ Bảy nhằm đáp ứng nguyện vọng của phần lớn cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Tỉnh Lai Châu cũng quyết định triển khai dạy và học 5 buổi/tuần, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật đối với các trường. Trước đó, năm 2019, tỉnh Lào Cai thí điểm cho học sinh THCS nghỉ học thứ Bảy và áp dụng với toàn bộ học sinh THPT từ tháng 3/2024…
Tại Hà Nội, trừ các trường ngoài công lập và các trường THCS chất lượng cao, hiện chỉ có 2 trường công là Trường THPT Yên Hòa và Trường THPT Phan Huy Chú thực hiện chính sách này. Khi biết nhiều địa phương đã cho học sinh các cấp nghỉ học ngày thứ Bảy, không ít học sinh, phụ huynh, giáo viên tại Hà Nội cùng mong muốn cũng được nghỉ ngơi trọn vẹn 2 ngày cuối tuần.
Bá Huy - học sinh Trường THCS Thống Nhất (quận Ba Đình, TP Hà Nội) - cho hay, nếu được nghỉ ngày thứ Bảy, em sẽ dành để ôn luyện các dạng đề mới. Trong khi đó, Phương Thảo (cùng Trường THCS Thống Nhất) cho biết em sẽ dành buổi sáng thứ Bảy để tự học, kiểm tra những phần kiến thức chưa nắm vững; buổi chiều dành để vui chơi cùng bạn bè.
Cô Trần Hiền Anh - giáo viên Trường THCS Thống Nhất - nhấn mạnh: “Học sinh không chỉ có nhiệm vụ học mà còn cần tham gia các hoạt động ngoài trời, thể dục thể thao và phát triển các môn năng khiếu. Thêm một ngày nghỉ vào cuối tuần sẽ giúp các em có thời gian thực hiện những hoạt động này, giúp các em phát triển toàn diện”.
Theo bà Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường tiểu học đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội) - hiện việc học sinh THCS và THPT vẫn phải học sáng thứ Bảy khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Là phụ huynh có 2 con học THCS và THPT, đồng thời cũng là người quản lý nên bà hiểu rõ những băn khoăn này.
Bà cho hay: “Việc học ở trường quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Học sinh cần có thời gian phát triển các kỹ năng khác bên ngoài lớp học như thể thao, nghệ thuật, hoặc thư giãn. Hiện nay, học sinh có quá ít thời gian để làm điều này, nên phụ huynh mong muốn học sinh nghỉ học sáng thứ Bảy là hợp lý. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần thời gian để tự học, nâng cao nghiệp vụ…”.
Có thể thực hiện nếu sắp xếp phù hợp
Từ tháng 3/2023, học sinh Trường THCS Nam Cường (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) được nghỉ học ngày thứ Bảy. Cô Bùi Thị Thanh Nga - giáo viên Trường THCS Nam Cường - chia sẻ: “Tôi thấy việc cho học sinh nghỉ học thứ Bảy là một quyết định tuyệt vời của UBND tỉnh Lào Cai. Học sinh được nghỉ học, chúng tôi có nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình, cũng như có thêm thời gian để tái tạo sức lao động, chuẩn bị cho một tuần học mới”.
Bà Tạ Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Tân (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) - cho hay, để bố trí cho học sinh nghỉ học 2 ngày cuối tuần, ban giám hiệu các trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết để vừa bảo đảm số tiết học trong tuần vừa không tạo áp lực với cả giáo viên và học sinh.
“Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trung bình mỗi tuần, học sinh THCS học 29,5 tiết. Nếu học từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi sáng 5 tiết thì còn thiếu 4,5 tiết. Chúng tôi bố trí số tiết thiếu vào 1 buổi chiều trong tuần (sẽ có 1 ngày các em học 9 tiết). Chúng tôi cũng tính toán để ngày hôm đó các em học không quá áp lực, ưu tiên sắp xếp những môn nhẹ nhàng, nhiều thực hành, trải nghiệm như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, giáo dục công dân, công nghệ” - bà Hương Giang chia sẻ.
Nhiều hiệu trưởng cũng đồng tình rằng, giải pháp tăng tiết học không phải là quá áp lực nếu được sắp xếp hợp lý. Ví dụ, học sinh có thể học thêm 2-3 tiết vào một vài buổi chiều để bảo đảm khối lượng chương trình. Tuy vây, bà Phạm Thị Kim Huệ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) - nhấn mạnh: “Điều này đòi hỏi các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, phòng học. Ngoài ra, cần có đủ giáo viên để dạy học 2 buổi/ngày”.
Bà Lê Thị Thu Hường cho rằng, việc giảm thời gian học không nên chỉ đơn giản là tăng số tiết cho các ngày khác mà cần có các giải pháp như sắp xếp lại chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh vẫn đạt được mục tiêu học tập mà không bị quá tải. Nếu giảm buổi học mà giáo viên lại tổ chức dạy thêm, sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn. “Việc cho học sinh nghỉ học sáng thứ Bảy là khả thi, nhưng cần cân nhắc kỹ từ nhiều phía và phải có các giải pháp thực hiện phù hợp” - bà nhấn mạnh.
TPHCM: Việc nghỉ thứ Bảy tùy thuộc trường dạy 1 hay 2 buổi/ngày Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, việc học ngày thứ Bảy tùy thuộc vào trường tổ chức 2 buổi/ngày hay 1 buổi/ngày. Theo quy định, những trường dạy 2 buổi/ngày thì sẽ học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy. Những trường dạy học 1 buổi/ngày sẽ học từ thứ Hai đến thứ Bảy. Mỗi quận, huyện, mỗi trường sẽ căn cứ tình hình thực tế, quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên, sĩ số học sinh để tổ chức sao cho phù hợp nhất. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - cho biết, 100% trường học trên địa bàn thành phố đều đang thực hiện chương trình 2 buổi/ngày, học sinh học từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy. Riêng cấp THPT, các trường sử dụng ngày thứ Bảy cho các hoạt động ngoại khóa, hoạt động câu lạc bộ. Học sinh nào tham gia thì đến trường, không tham gia thì ở nhà. Tại quận 12, bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận - thông tin, 80% trường tiểu học trên địa bàn phải dạy thêm thứ Bảy hoặc trái buổi 1 ngày trong tuần để đáp ứng chương trình học. Lý do là vì số lượng lớp quá đông, các trường không đáp ứng học 2 buổi/ngày. 20% trường đã đáp ứng được 2 buổi/ngày thì học sinh nghỉ học thứ Bảy. Ở bậc THCS, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 - cũng cho biết, các trường phải dạy thứ Bảy mới kịp chương trình. Trang Thư |
Uông Ngọc