Học sinh nghỉ học 1 năm không được vào lớp Mười trường tư thục: Quy định có quá khắt khe?

04/08/2023 - 06:06

PNO - Vừa qua, nhiều phụ huynh phản ánh con họ đăng ký học lớp Mười ở trường THPT tư thục sau 1 năm gián đoạn nhưng bị từ chối vì các trường cho biết Sở GD-ĐT TPHCM không cho phép. Các phụ huynh rất bức xúc vì lâu nay, trường hợp này vẫn được các trường THPT tư thục tiếp nhận.

 

 Các chuyên gia giáo dục cho rằng cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh bị gián đoạn học tập trước đó được tiếp tục học hành (trong ảnh: Học sinh thi lớp Mười năm 2023 tại TPHCM) -  ẢNH: TAM NGUYÊN
Các chuyên gia giáo dục cho rằng cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh bị gián đoạn học tập trước đó được tiếp tục học hành (trong ảnh: Học sinh thi lớp Mười năm 2023 tại TPHCM) - Ảnh: Tam Nguyên

Trường tư không được nhận

Một ngày cuối tháng 7/2023, chị Bùi Thị Hải (ngụ quận 3) đến một trường THPT tư thục tại quận Tân Phú đăng ký cho con vào học lớp Mười. Con chị vốn có học lực trung bình nên sau khi học xong lớp Chín thì chọn học nghề tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng. Sau 1 năm học tại đây, em học tập ngày càng sa sút, phải thi lại nhiều môn. Khi chị tìm cách hỏi han, chấn chỉnh, con mới bày tỏ muốn đi học ở trường THPT trở lại. Thấy vậy, chị thử cho con đi học thêm thì nhận thấy con rất phấn khởi, ham học. 

Trong tâm thế hứng khởi của một người mẹ thấy sự thay đổi của con, chị tìm đến một trường THPT tư thục trên địa bàn để xin cho con học lại nhưng chỉ nhận lại lời từ chối. Nhà trường cho rằng đây là quy định của Sở GD-ĐT TPHCM.

“Tôi thấy quy định như vậy làm những đứa trẻ lạc hướng muốn quay lại học không còn tương lai nữa. Việc học nghề chỉ phù hợp cho những em thực sự đam mê, làm sao mình ép con vào cái mà con không thích được”, chị nhấn mạnh. Chị sẵn sàng bỏ chi phí, thời gian 1 năm qua để con bắt đầu hành trình mới, chỉ mong con được trở lại trường và có một tương lai tốt hơn.

Anh Võ Đức Thành (ngụ quận Tân Phú) cũng vô cùng bức xúc khi con gái anh rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh cho biết con rất ngoan, có học lực khá nhưng vì lựa chọn không hợp lý nên trượt cả ba nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh lớp Mười năm 2022. Sau 1 năm học tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng, em cảm thấy bản thân không phù hợp với môi trường học tập, không có nhiều bạn bè nên muốn quay lại học ở trường THPT. Việc chỉ nhận được phản hồi là không nhận, không nói rõ lý do từ phía nhà trường càng làm anh bức xúc.

“Nếu không cho học thì phải có văn bản hoặc giải thích phù hợp chứ không thể nói miệng. Đây là nhu cầu chính đáng của các con mà, đâu có gì sai đâu”, anh bộc bạch. Hiện tại, anh vẫn chưa dám nói sự việc với con gái vì sợ con thất vọng, cố gắng tìm các trường khác để con được đi học. 

Chị Bùi Mai (ngụ quận Tân Phú) cũng phản ánh với chúng tôi rằng khá hoang mang khi cháu trai bị từ chối việc học lại lớp Mười, sau 1 năm gián đoạn việc học. Chị cho biết mẹ cháu nói rằng nếu không có cách nào khác thì chỉ có đường cho cháu nghỉ học. 

Không ít phụ huynh khác cũng kể với chúng tôi về trường hợp con em mình bị từ chối một cách oan uổng trong khi các em vẫn còn trong độ tuổi quy định để học ở trường THPT. Ở các năm học trước, những trường hợp này vẫn được trường tư thục tiếp nhận và học bình thường.

Cần sự lắng nghe và điều chỉnh 

Liên hệ với hiệu trưởng những trường THPT tư thục từ chối học sinh nói trên, chúng tôi được thông tin rằng, họ bất đắc dĩ phải đưa ra quyết định không tiếp nhận vì đó là quy định năm nay của Sở GD-ĐT TPHCM. Đúng là các năm trước, họ vẫn tiếp nhận các học sinh đã gián đoạn 1 năm do học giáo dục thường xuyên hay học nghề không phù hợp muốn quay lại học ở trường THPT.

Một hiệu trưởng trường tư thục ở quận Tân Phú (không muốn nêu tên trường) cho hay, các em học sinh này vẫn đang học lớp Mười một, Mười hai tại trường và vẫn học tập tốt. “Năm nay Sở GD-ĐT không cho phép. Chúng tôi rất tiếc nhưng không còn cách nào khác”, vị hiệu trưởng nói. 

Trong khi nhiều trường tư thục cho biết đây là quy định mới của sở thì trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, quy định tuyển sinh đầu cấp THPT từ nhiều năm nay đã nêu rất rõ là việc học lớp Mười sẽ phụ thuộc vào năm tốt nghiệp của các em. Ví dụ, năm nay các em tốt nghiệp THCS thì các em được đăng ký vào lớp Mười, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Nhưng nếu các em đã nghỉ học 1 năm hoặc học các loại hình khác như học nghề, giáo dục thường xuyên thì không thể quay trở lại được. 

“Trong trường hợp các em đã đăng ký học lớp Mười hệ THPT nhưng vì lý do cá nhân không thể học, xin bảo lưu kết quả thì khi các em muốn xin học lại, hiệu trưởng sẽ xin ý kiến Giám đốc Sở GD-ĐT trước khi xem xét, quyết định trên cơ sở kết quả thi tuyển hoặc xét tuyển của học sinh trước khi nghỉ học”, ông Nguyễn Bảo Quốc nói thêm.

Dù vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi ở nhiều hiệu trưởng trường THPT tư thục, trong nhiều năm qua, những trường hợp đã học 1 năm tại trường nghề nhưng sẵn sàng bỏ hết điểm số, trở lại như một học sinh vừa tốt nghiệp lớp Chín thì vẫn được học lại lớp Mười tại những trường này như bình thường. Chỉ khi các em nghỉ nhiều hơn 1 năm, quá độ tuổi quy định thì mới không được phép học lại. Tuy nhiên, các trường hợp xin học lại này không nhiều vì hầu hết các em đã quen với việc học ít môn tại trường nghề... 

Có thể thấy quy định về vấn đề này đang được hiểu, thực hiện khác nhau giữa các trường tư thục trong các năm qua. Riêng năm nay thì các trường đồng loạt thực hiện nghiêm quy định này, khiến nhiều học sinh, phụ huynh bức xúc. Dù sao thì đây cũng là lúc mà quy định có vẻ khắt khe này cần được xem xét lại vì nó đã khiến nhiều học sinh mất đi cơ hội học tập mà các em mong muốn. Xã hội luôn khuyến khích việc học tập. Nếu chỉ vì gián đoạn 1 năm mà các em không thể tiếp tục theo học ở các trường THPT thì liệu có nên?

Thiết nghĩ Sở GD-ĐT TPHCM cần sớm xem xét, điều chỉnh quy định này. Nhu cầu quay lại học ở trường THPT của nhiều học sinh vì hoàn cảnh mà lỡ nhịp 1 năm là chính đáng và rất cần khuyến khích, tạo điều kiện. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Đại học, Bộ GD-ĐT:

Quy định như vậy là không ổn

Nền giáo dục tiến bộ sẽ không có sự phân biệt việc chuyển từ hướng này sang hướng khác. Giáo dục thường xuyên được thiết kế dành cho các học sinh không thể tập trung toàn thời gian cho việc học văn hóa mà phải học một nửa thời gian, một nửa thời gian còn lại dành cho học nghề, kiếm sống. Những em gia đình có điều kiện đảm bảo việc học tập thì hoàn toàn có thể chuyển sang học văn hóa toàn thời gian.

Có thể một số người nghĩ rằng việc học sinh chuyển từ giáo dục thường xuyên sang trường THPT tư thục là chuyển từ chương trình dễ hơn, nhẹ hơn sang chương trình khó hơn, nặng hơn, như vậy sẽ gặp khó khăn, không theo nổi thì đó là quan điểm rất sai. Sai ở chỗ là ta đang tiến tới bằng tốt nghiệp THPT hoàn toàn tương đương với nhau, dù là phương thức này hay phương thức khác.

Ngay các trường đại học hiện nay cũng thiết kế những chương trình linh hoạt, mềm dẻo hơn để người học có thể vừa học vừa làm, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo. Thời gian qua, giáo dục nước ta đã cố gắng để không phân biệt bằng chính quy và bằng vừa học vừa làm. 

Nên nếu Sở GD-ĐT TPHCM có quy định như vậy là không ổn. Những em đang học giáo dục thường xuyên, có nhu cầu chuyển sang học THPT ở các trường tư thục để nâng cao trình độ văn hóa, các em sẵn sàng mất nhiều thời gian hơn, sẵn sàng đi học thêm để bổ sung kiến thức, theo được chương trình - thì các em rất xứng đáng được khen, được động viên và khuyến khích.

Chưa kể, lý do để các em học giáo dục thường xuyên còn có thể đến từ việc giới hạn chỉ tiêu đối với các trường THPT công lập. Đó là xét hệ thống các trường công với nhau. Còn với trường tư thục, thì các em phải đóng các khoản tiền thường là cao hơn so với trường công thì tại sao lại không cho các em chuyển sang, học lại THPT ở trường tư thục?

 Minh Tuệ (ghi)

 Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI