Hoc sinh nào phải chuột bạch

25/09/2016 - 06:30

PNO - Thông tin Bộ GD-ĐT sẽ đưa tiếng Trung và tiếng Nga vào dạy thí điểm cho học sinh từ lớp 3-12 với tư cách là ngoại ngữ thứ nhất đang khiến nhiều phụ huynh hoang mang với nhiều ý kiến trái chiều.

Trên khắp các diễn đàn của các bà mẹ, chị em đặt câu hỏi vì sao lại là tiếng Trung, tiếng Nga hay Nhật, Hàn mà không phải là một ngoại ngữ nào khác. Quan trọng hơn, chất lượng dạy - học của hai ngoại ngữ sắp áp dụng liệu có đạt hay sẽ giống như thực trạng tiếng Anh trong học đường hiện nay - sau khi tốt nghiệp, “chữ của cô thầy trả cho cô thầy” và học sinh muốn sử dụng được ngoại ngữ thì phải đến học ở các trung tâm? Nỗi lo của phụ huynh không phải là không có lý.

Đã một thời, khi quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga vô cùng khăng khít, lực lượng lao động, học sinh, sinh viên Việt Nam sang Nga làm việc, học tập đông đảo; những bộ phim Nga được chiếu mỗi ngày; tiếng Nga đã từng được giảng dạy trong trường học và thậm chí truyền hình thuở ấy còn “bắt được đài Liên Xô”. Song, với chính sách mở cửa với thế giới, tiếng Nga đã không còn thông dụng và dần bị bãi bỏ khi không còn người học.

Vậy hôm nay, vì lẽ gì học sinh sẽ phải học tiếng Nga? Học sinh học tiếng Trung (Quan Thoại) sẽ nói chuyện với người Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến... như thế nào khi ngay cả chính người Trung Quốc, từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được sự thống nhất đó?

Hoc sinh nao phai chuot bach

Đồng ý rằng mọi ngôn ngữ đều bình đẳng và việc biết một ngôn ngữ luôn luôn là chìa khóa để tiếp cận thế giới, hiểu biết thêm về văn hóa, mở ra cơ hội giao thương, học tập...

Thế nên việc dạy tiếng Trung hay tiếng Nga cũng công bằng như dạy tiếng Anh, tiếng Pháp hay bất cứ một ngoại ngữ nào, miễn là học sinh và gia đình được lựa chọn theo sự yêu thích và nhu cầu của mình chứ không phải theo ý muốn của Bộ GD-ĐT.

Cần nhớ rằng chúng ta hiện chưa phổ cập giáo dục được đến lớp 12, nghĩa là phụ huynh đang phải trả tiền cho dịch vụ giáo dục. Sẽ thật tệ khi khách hàng phải mua một thứ mà họ không sử dụng hoặc không muốn. Càng tệ hơn khi học sinh phải mất 10 năm với những bài kiểm tra, những kỳ thi căng thẳng để rồi không biết phải dùng kiến thức đó vào đâu hoặc trở nên chán ghét học đường.

Bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng chi tiền để con em mình bị mang ra thí nghiệm như dự án thí điểm của Bộ GD-ĐT? Nếu các trường học có nguyện vọng (chứ không phải học sinh có nguyện vọng) thí điểm không thành công, những học sinh đã phải học tiếng Trung, tiếng Nga sẽ phải chuyển trường hay sẽ phải học lại từ đầu, môn khác; hay Bộ GD-ĐT sẽ lại thí điểm phương án khác để hoàn thành đề án của mình?

Có câu “trẻ em như tờ giấy trắng” để viết, vẽ lên đó những điều tốt đẹp chứ không phải tờ giấy nháp để viết rồi xóa, rồi viết lại như hàng loạt mô hình thí điểm đã, đang áp dụng trong học đường. Đã bao năm rồi, phụ huynh, học sinh và cả xã hội phải khốn khổ chạy theo những sự thay đổi của Bộ GD-ĐT trong chuyện học, chuyện thi.

Mỗi năm, kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học đã tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của và cả sức lực của người dân trong khi Bộ vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp Edison - thử và sai - năm nào cũng sửa, cũng “đổi mới”.

Ngay hệ thống sách giáo khoa dùng để giảng dạy, chúng ta cũng liên tục thay đổi đến mức phụ huynh chẳng còn biết phải dạy dỗ, kèm cặp con em ra sao, đành phải cầu viện đến các lớp học thêm mà TP.HCM đang quyết liệt loại trừ.

Giáo dục không phải là thời trang để mỗi mùa lại thay đổi xu hướng. Sai sót của giáo dục sẽ giết chết không chỉ một thế hệ. Nếu không thuyết phục được khách hàng (học sinh và gia đình) bằng những số liệu, dẫn chứng cụ thể, hãy để khách hàng có quyền lựa chọn sản phẩm, thậm chí chọn nhà cung cấp thay vì tóm học sinh bỏ lên bàn thí nghiệm.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI