Học sinh mang điện thoại vào lớp: Ngành giáo dục phải chuẩn bị rất kỹ trước khi áp dụng

25/09/2020 - 17:46

PNO - Tôi ủng hộ đưa điện thoại vào học đường, nhưng tôi quan tâm tới vấn đề: ngành giáo dục đã chuẩn bị cho điều ấy như thế nào?

Điện thoại trở thành công cụ phổ thông với đủ giá cả, nhiều chức năng khác nhau. Người bán rau cũng “alo”, người nông dân ngoài đồng hay anh chị ở miền sơn cước cũng nghe chuông reo và móc túi ra “alo, alo”… Đến những trẻ mầm non về nhà cũng mở điện thoại nghe nhạc, chơi game...

Ngày nay, người ta thiết kế ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh và tiến tới xã hội thông minh. Nhiều đứa trẻ cấp II, thậm chí tiểu học, đã thành thạo việc mua hàng online, gọi thức ăn từ nhà hàng, sử dụng nhiều tiện ích từ chiếc điện thoại.

Ngành giáo dục có học bạ điện tử, các nhóm chát giữa giáo viên và phụ huynh. Trong mùa dịch COVID-19, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh và giảng dạy trực tuyến qua các ứng dụng như Zoom, Google meeting; giáo viên giao bài ôn tập qua các đường links, học sinh nộp bài hay tài liệu như clip, bản thuyết trình... bằng các công cụ e-learning. Những tiện ích này thật sự quý báu và giúp việc học hành đơn giản, hiệu quả.

Vậy thì, có nên cho học sinh đem điện thoại vào lớp để học tập cùng giáo viên? Nếu quyết định đem thì sử dụng thế nào cho có ích, biết tránh những tai hại, rủi ro của những lỗi do kỹ thuật hay do bất cẩn mà thành tai nạn thương tâm? Làm thế nào để các em tránh mê chơi game, lên Facebook, Zalo nói chuyện linh tinh, và tránh bị lừa đảo... 

Đặc biệt, phải dạy các em thế nào để chúng coi đây là phương tiện văn minh để liên lạc, giao tiếp,  học tập, kết nối tri thức của nhân loại... Để khi ra đời, các em biết sử dụng thành thạo điện thoại, biến chiếc “alo” thành công cụ để phục vụ cho cuộc sống và công việc của mình một cách tốt nhất.

Tôi ủng hộ đưa điện thoại vào học đường, nhưng tôi quan tâm hơn cả tới vấn đề: ngành giáo dục đã chuẩn bị cho điều ấy như thế nào?

Các nhà sư phạm đã dạy: “Một viên gạch trong ngôi trường cũng phải mang tính giáo dục. Người thầy phải luôn nhớ khi đến trường là để dạy dỗ học sinh”. Tôi nghĩ, trước khi cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp, phải có đầu tư, chuẩn bị thật nghiêm túc để biên soạn giáo trình hướng dẫn giáo viên và học sinh sử dụng điện thoại trong giảng dạy và học tập. Giáo viên phải được tập huấn kỹ trước khi đứng lớp ở các tiết học có dùng điện thoại.

Điện thoại được học sinh sử dụng trong nhiều lớp học ở nước ngoài. Ảnh minh họa
Học sinh nhiều quốc gia được phép sử dụng điện thoại trong lớp học. Ảnh minh họa

Tôi xin góp vài ý cụ thể như sau: 

- Khi triển khai học bằng điện thoại trong lớp, phải tính tới phương án làm thế nào để mỗi học sinh đều có điện thoại. Lớp học cần chuẩn bị đủ ổ cắm điện và dây sạc điện. Phải tuyệt đối công bằng trong học tập. Không để tình trạng học sinh gia đình khó khăn không mua nổi điện thoại hoặc dùng điện thoại chất lượng kém, dẫn tới trục trặc trong học tập. Nhà trường có điện thoại cho học sinh mượn khi cần.

- Dạy học sinh cách sử dụng điện thoại đúng. Không chỉ dạy thao tác mở điện thoại, cầm điện thoại, mà quan trọng nhất là giúp các em chọn các ứng dụng hữu ích. Phải có hướng dẫn cụ thể và cập nhật thường xuyên các ứng dụng học tập, những ứng dụng không tốt, cách phân biệt đâu là những quảng cáo vô bổ, độc hại; đâu là trò có thể chơi và chơi như thế nào, kiểm soát thời gian ra sao? Đặc biệt, cần liên tục hướng dẫn các em biết phân biệt, đủ kiến thức để không rơi vào các bẫy kết bạn, lừa đảo, rủ rê trên mạng...

- Dạy các em sử dụng điện thoại một cách văn hoá, từ việc cài chuông reo, trả lời, nhắn tin, gọi và trả lời Facetime... lúc nào, chỗ nào thì hợp lý? Dạy các em những xử trí với điện thoại khi đông người hay lúc đang họp, đang học, đang trao đổi với mọi người, đang chạy xe...

- Đặt ra các kỷ luật và quản chặt: Khi vào lớp, học sinh phải cài chế độ im lặng. Nếu chuông reo sẽ có hình phạt: nhắc nhở, thông báo về gia đình... Chỉ khi nào giáo viên yêu cầu mở điện thoại phục vụ cho môn học, mới được cầm điện thoại.          

Gíao viên Hàn Quốc được sử dụng một phần mềm tắt điện thoại của học sinh từ xa. Ảnh minh họa
Giáo viên Hàn Quốc từng sử dụng phần mềm tắt điện thoại của học sinh từ xa, nhưng điều này cũng gây tranh cãi về quyền cá nhân và bảo mật thông tin của học sinh. Ảnh minh họa

Rõ ràng việc dạy học sinh sử dụng và khai thác nguồn kiến thức khổng lổ từ điện thoại là cần thiết (nếu có thể, nên dạy các em làm quen với điện thoại từ lớp Một ở cấp Tiểu học). Song song đó, trong lớp và trong gia đình, thày cô cùng phụ huynh phải làm gương việc sử dụng điện thoại đúng lúc, đúng chỗ, ứng xử có văn hoá và có hiệu quả trên mạng.

Báo chí đưa tin, người Nhật vừa chế ta siêu máy tính lên hàng ngàn tỉ phép tính trong 1 giây. Người Anh chế tạo thành công hỏa tiễn bay nhanh gấp 4 lần tốc độ âm thanh và sẽ ứng dụng. Chúng ta sống trong thời khoa học công nghệ tiến bộ nhanh như vũ bão. Nếu không dạy học sinh sử dụng và khai thác chiếc điện thoại, thì e rằng học sinh không theo kịp sự tiến bộ của khoa học. 

Phương tiện nào cũng có hai mặt, lợi ích và nguy hiểm. Nhưng nếu quá lo mặt nguy hiểm thì dễ bỏ qua lợi ích. Hy vọng ngành giáo dục đào tạo chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho cả hai mặt và tới đây sẽ tập huấn thật kỹ cho giáo viên trước khi cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp.

Không kỹ càng khâu chuẩn bị, hậu quả sẽ khó lường!

              Ths Lê Ngọc Điệp

(Nguyên trưởng Phòng tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI