Cứ vào mùa thi, nhiều học sinh lại stress
Sáng 26/3, M.T. - học sinh một trường THCS ở TPHCM - được mẹ đưa tới khám tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2. Chia sẻ với bác sĩ, M.T. cho biết, em gặp khó khăn trong học môn toán nên rất sợ môn này, đặc biệt là khi đối mặt với bài thi giữa kỳ, cuối học kỳ.
Em nói: “Kết quả thi của em không tốt nên thường bị giáo viên chủ nhiệm trách móc, la mắng trước lớp. Em cảm thấy bản thân mình vô dụng và không có giá trị”. Tình trạng này kéo dài khiến M.T. rơi vào căng thẳng, chán nản và nhiều lần tự làm hại bản thân để giải tỏa ức chế.
 |
Một học sinh đang được bác sĩ khám về sức khỏe tinh thần tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM |
Tiếp nhận tư vấn cho M.T., thạc sĩ tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh - Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thông tin thêm, ngoài rạch tay, M.T. còn vẽ rất nhiều tranh miêu tả về cảm xúc của mình. Tuy nhiên, sự chủ quan của người thân khiến tình trạng của em kéo dài nhiều tháng, diễn tiến theo hướng mắc trầm cảm. Đây là một trong hàng ngàn học sinh tới khám mỗi tháng khi gặp vấn đề về học hành, đặc biệt là vào cao điểm mùa thi - tháng Năm, Sáu, Bảy.
Vị chuyên gia này lý giải: Các kỳ thi tạo ra áp lực lớn, khi học sinh phải đối mặt với khối lượng kiến thức nhiều, phần lớn thời gian dành để ôn bài nên không thể thư giãn, giải trí. Nỗi lo lắng về kết quả, nỗi sợ không đạt điểm số như kỳ vọng của bản thân, cha mẹ và thầy cô dẫn tới tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài.
Thêm vào đó, thời điểm diễn ra các kỳ thi, học sinh có những thay đổi về thói quen sinh hoạt hằng ngày như thức khuya, dậy sớm, không còn thời gian vận động… dẫn tới rối loạn đồng hồ sinh học, làm giảm sút nghiêm trọng cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Ngoài ra, những học sinh thiếu sự hỗ trợ về tâm lý từ gia đình, thầy cô và bạn bè khi “đơn độc” trong quá trình học tập cũng dễ mắc bệnh. Có trường hợp học sinh tới khám bệnh chia sẻ, em phải vật lộn với những bài toán khó nhưng không thể chia sẻ cùng ai nên rất bế tắc.
Tình trạng kéo dài khiến em nghi ngờ bản thân, cảm thấy mình vô dụng, chán nản và mất động lực học tập, muốn nghỉ học khi đối mặt với các kỳ thi. Một số học sinh khác có sẵn những vấn đề tâm lý, tâm thần tiềm ẩn, dễ bùng phát vào thời điểm thi cử khi chịu thêm căng thẳng về học hành.
Theo khảo sát của Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Tâm thần TPHCM, tỉ lệ học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng tăng. Đặc biệt, thời điểm đầu năm học và mùa thi, số lượng học sinh tới thăm khám tăng mạnh. Điển hình như ở Khoa Tâm lý, vào mùa thi, mỗi tháng có khoảng 2.400 lượt khám, thì trong đó 70% ca ở lứa tuổi học sinh, với khoảng 50% ca gặp vấn đề vì áp lực thi cử.
Áp lực thi cử tác động rất lớn
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - chia sẻ, khi gặp áp lực quá lớn về thi cử, các em dễ xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tinh thần như: ăn không ngon, buồn nôn, nôn, đau đầu… Điều này dẫn đến mất ngủ, tâm lý bồn chồn, dễ cáu gắt.
Một số trường hợp vì ám ảnh điểm số dẫn tới mất khả năng tập trung. Với những học sinh vốn sức khỏe tinh thần đã yếu dễ dẫn tới rối loạn lo âu, thức giấc về đêm. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều em không giải tỏa được sẽ cảm thấy bản thân vô dụng, làm hại bản thân, tạo thành thói quen xấu…
Thường bệnh sẽ giảm vào những tháng hè và tăng mạnh vào đầu năm học hoặc thời điểm diễn ra các kỳ thi. Đáng chú ý, tỉ lệ học sinh đang học lớp Chín, lớp Mười hai gặp vấn đề sức khỏe tinh thần tăng mạnh. Điều này chứng tỏ áp lực thi cử tác động rất lớn tới sức khỏe tâm thần của học sinh.
Về giải pháp, ông khuyên học sinh cần có kế hoạch học tập khoa học. Ví dụ, khi ôn bài ở nhà, cần có thời khóa biểu theo chế độ “tạm nghỉ”, cứ 45-60 phút thì nghỉ ngơi khoảng 15 phút để thư giãn. Cần tránh so sánh bản thân với bạn khác, hay đặt kỳ vọng quá cao so với khả năng, thay vào đó đặt mục tiêu rõ ràng và thực tế. Tạo thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn uống - vận động khoa học.
Không nên thức quá khuya vì điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung, lâu dài sẽ giảm hiệu quả học tập. Nghỉ ngơi, vận động phù hợp sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần hưng phấn, việc học sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn. Quan trọng, cần cởi mở hơn trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè để có thêm động lực và chia sẻ những khó khăn trong học tập để được hỗ trợ.
Với phụ huynh, bác sĩ cho rằng sự lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành cùng con… là liều thuốc tinh thần giúp các em có cảm giác được quan tâm, giảm bớt căng thẳng. Mỗi học sinh có một năng lực và khả năng học tập khác nhau, việc so sánh, tạo áp lực lên các em khiến tình trạng thêm tồi tệ.
Tối thiểu mỗi ngày, cha mẹ cần dành 20-30 phút trò chuyện với con, để khi gặp khó khăn con sẽ tin tưởng chia sẻ. Đừng lúc nào cũng hỏi hôm nay làm bài được mấy điểm, mà hãy hỏi con hôm nay đi học vui không, trong lớp có gì mới…
Ông cũng nhận định, việc cư xử tinh tế của giáo viên với học sinh là kỹ năng quan trọng. Những hành động như trách mắng học sinh trước mặt bạn bè, dùng những ngôn từ nặng nề, so sánh các em với nhau, dọa nạt… là một hình thức bắt nạt học sinh, dễ làm tổn thương các em.
Khi thấy học sinh học chểnh mảng, giáo viên có thể liên hệ với phụ huynh để nắm tình hình, trao đổi riêng với học trò của mình. Sự động viên, khích lệ có hiệu quả cao hơn nhiều so với trách mắng trước lớp. Ngoài ra, các hoạt động ngoài trời, hoạt động ngoại khóa cũng tạo cơ hội cho học sinh kết nối với bạn bè, thầy cô, giảm bớt áp lực học hành.
Nguyễn Loan