Học sinh lớp Năm không biết túi nhựa là gì

20/05/2019 - 09:26

PNO - Có lần tôi hỏi con: "Túi nhựa là túi gì?”, con gái bối rối và trả lời không biết. Làm sao học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng túi nhựa khi bản thân các em không biết túi nhựa là túi gì?

Vừa thi xong môn khoa học học kỳ II lớp Năm, con gái tôi về hớn hở đọc lại đề thi để xem có làm bài đúng không. Trong đó có câu hỏi: Tại sao nhiều nước phát động phong trào hạn chế sử dụng túi nhựa? Con tôi đọc vanh vách câu trả lời vì đã được giáo viên hướng dẫn kỹ: túi nhựa lâu phân hủy làm hại môi trường đất; túi nhựa trôi nổi gây ô nhiễm môi trường nước, làm hại các sinh vật sống trong nước…

Tôi mừng thầm trong bụng vì đề thi lớp Năm đã rất thời sự khi gần đây, các nhà khoa học không ngừng cảnh báo tác hại từ rác thải nhựa đang trôi nổi trên các sông suối, đại dương, trong lòng đất... Nhiều phong trào “Nói không với bao bì nhựa, túi ni-lông” đã lan tỏa trong xã hội, với những trường học nói không với rác thải nhựa, khu du lịch không bao bì ni-lông, siêu thị chỉ dùng lá chuối, túi cói để gói hàng, quán cà phê chỉ dùng ống hút bằng vật liệu thiên nhiên... 

Hoc sinh lop Nam khong biet tui nhua la gi
Cần dạy trẻ ý thức bảo vệ môi trường từ thực tế hơn là lý thuyết suông

Nhưng điều làm tôi chưng hửng là khi hỏi con: “Vậy túi nhựa là túi gì?”, con gái bối rối và trả lời không biết. Có lẽ, giáo viên chỉ cho học thuộc lòng và trả lời đúng câu hỏi để đạt điểm cao là xong nhiệm vụ mà không dùng trực quan sinh động hoặc cho xem phim để các em thực sự hiểu về thảm họa môi trường từ túi nhựa, từ đó biến thành hành động tích cực ngay tức khắc. Chưa kể, các em còn lúng túng với nhiều tên gọi như: túi nhựa, túi ni-lông, bao ni-lông… 

Trong khi đó, một phụ huynh lớp Hai trường quốc tế chia sẻ trên Facebook của mình rằng: các nhóc đang “bị” cho bơi cùng với các loại rác thải nhựa (các chai nước suối, bình nhựa…) trong một bài học về bảo vệ môi trường. Xong, các em chỉ cần nhớ một câu đơn giản mà không hề “đao to búa lớn”: sẽ dễ hơn nếu bơi mà không có rác. 

Rõ ràng, các bạn nhỏ sẽ nhớ về buổi bơi lội đầy khó khăn vì rác thải nhựa hơn là câu: túi nhựa trôi nổi gây ô nhiễm môi trường nước. Học thuộc lòng thì kiến thức cũng trôi nổi sau khi làm bài thi xong.

Bởi vậy, việc đưa các nội dung vào trường học trong thời gian qua như mua lấy sự yên tâm của người lớn là đã dạy trẻ đầy đủ mà không quan tâm đến cách dạy, dẫn đến gây nặng nề cho trẻ mà vẫn không hiệu quả. Làm sao học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng túi nhựa khi bản thân các em không biết túi nhựa là túi gì?

Trương Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI