PNO - Không chỉ áp lực khi đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và ngưỡng cửa xét tuyển đại học đang đến gần, nhiều học sinh lớp Mười hai còn gồng mình “chạy đua” luyện thi và tham gia nhiều kỳ thi riêng để tăng cơ hội vào đại học.
Ngày 5/3, em Minh Khoa - học sinh lớp Mười hai Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) - cho biết vừa bắt xe từ quê lên TPHCM để tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS. Đặt mục tiêu vào khối ngành kỹ thuật của các trường đại học (ĐH) hàng tốp như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho nên em quyết tâm tham dự nhiều kỳ thi để đa dạng phương thức xét tuyển. Ngay sau khi thi IELTS, em sẽ về quê tiếp tục ôn luyện để chuẩn bị tham gia cả hai đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2022 - Ảnh: P.T.
Bên cạnh thời gian học ở lớp, hiện các buổi tối trong tuần Minh Khoa đang luyện thi 6 môn toán, tin, hóa, sử, địa, lý để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 vào ngày 26/3 sắp tới. Riêng tiếng Anh em học ở trung tâm Anh ngữ vào 2 ngày cuối tuần. Sau đó, em sẽ tiếp tục dự thi đợt 2 vào ngày 28/5 để lấy điểm đợt thi cao hơn xét tuyển ĐH. Tuy lịch học dày đặc và mệt mỏi, song Minh Khoa cho rằng: “Em đã tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước, muốn vào các trường ĐH lớn thì không thể bỏ qua phương thức thi đánh giá năng lực. Nếu điểm kỳ thi này tốt thì coi như đã đậu ĐH sớm, thời gian còn lại chỉ cần học đủ điểm tốt nghiệp là xong”.
Cũng đang “quay cuồng” luyện thi đánh giá năng lực, em Văn Phát - học sinh Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) - cho hay hiện em không có thời gian nghỉ ngơi hay đi chơi vì lịch học kín tuần. Các tối trong tuần em học thêm toán, lý, hóa. Riêng cuối tuần, em học thêm gia sư kèm 1-1 tại nhà với môn tiếng Anh. Bên cạnh đó, em còn tranh thủ thời gian lên mạng, vào các nhóm luyện thi để tìm hiểu thông tin, tham khảo các đề thi đánh giá năng lực. Đồng thời đặt mục tiêu trên 26 điểm với kỳ thi tốt nghiệp THPT và trên 800 điểm với kỳ thi đánh giá năng lực, Phát chia sẻ mình cảm thấy áp lực gấp nhiều lần các bạn khác. Tuy vậy, theo em, nếu chỉ trông chờ vào điểm tốt nghiệp cũng khó chắc suất vào nguyện vọng em yêu thích là ngành cơ khí của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM.
Đối với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay có 8 đợt thi nhưng khống chế mỗi thí sinh chỉ được thi tối đa 2 lần và cách nhau ít nhất 28 ngày. Em Ngọc Mai - học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) - dự kiến sẽ tham gia 2 đợt thi vào đầu tháng Tư và cuối tháng Năm. Ngọc Mai xác định thi đợt 1 để nắm về cách thức và cấu trúc đề thi, coi như “bản nháp”, sau đó em sẽ dồn toàn lực luyện thi để đạt điểm số tốt nhất vào đợt 2. Hiện nay, bên cạnh học thêm kín tuần, em còn tham gia nhóm ôn luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến. Do ở tỉnh Thái Bình không có điểm thi nên em sẽ đăng ký thi ở điểm thi TP Hải Phòng, dự kiến mỗi đợt thi mất khoảng 2 ngày cho cả thời gian đi và về.
Học sinh không nên quá ôm đồm
ĐH Quốc gia TPHCM vừa chính thức đóng cổng thanh toán đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1 vào lúc 0g ngày 5/3 với khoảng 91.000 thí sinh hoàn tất thủ tục dự thi. Đây là con số đăng ký cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 10.000 thí sinh so với năm 2022, trong đó TPHCM là điểm thi có số lượng thí sinh dự thi cao nhất với khoảng 40.000 em. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của kỳ thi đánh giá năng lực đang ngày càng tăng, đặc biệt khi các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM tăng chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức kỳ thi này lên đến 45% chỉ tiêu.
Tuy vậy, thầy Nguyễn Đăng Xuân Duy - Tổ trưởng Tổ toán Trường THCS - THPT Lạc Hồng (quận 12) - cho rằng thí sinh cần hết sức cân nhắc việc lựa chọn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Học sinh khá giỏi có thể đăng ký thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội vào các trường ĐH tốp trên.
Song đối với các em học lực trung bình, yếu hoặc học lệch thì không nên vì kỳ thi này đòi hỏi kiến thức toàn diện và có độ khó cao hơn kỳ thi tốt nghiệp. Chưa kể, cấu trúc đề thi, phương thức thi khác rất nhiều so với thi tốt nghiệp nên học sinh cần nhiều thời gian tìm hiểu, ôn luyện.
Do đó, các em học lệch hoặc học lực trung bình thì chỉ nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp, bởi có tham gia thi đánh giá năng lực cũng khó đạt điểm cao. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT vừa công bố thời gian thi tốt nghiệp THPT vào ngày 28 và 29/6, sớm hơn những năm trước. Do đó, với những em tham gia thi đánh giá năng lực đợt 2 vào cuối tháng Năm khá sát lịch thi tốt nghiệp cũng cần lưu ý phân bổ thời gian hợp lý.
Theo thầy Nguyễn Đăng Xuân Duy, thực tế những năm qua, có tình trạng học sinh vừa học để chuẩn bị thi tốt nghiệp, vừa chạy đua ôn luyện các kỳ thi riêng khiến các em bị quá tải. Nhiều em xao lãng việc học trên lớp, thậm chí xin nghỉ học để thi đánh giá năng lực, không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của chính học sinh đó mà còn ảnh hưởng nền nếp lớp học. Sau khi biết điểm thi, nếu điểm thấp thì học sinh bị xuống tinh thần, nếu điểm cao thì dễ lơ là học tập. Thực tế đã có học sinh coi thường kỳ thi tốt nghiệp mà bị điểm liệt dù đã nắm chắc suất vào ĐH.
Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng - Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cũng cho rằng thí sinh không nên quá ôm đồm tham gia hết kỳ thi này đến kỳ thi khác. Việc phân tán thời gian, sức lực cho quá nhiều kỳ thi có thể khiến các em không đạt kết quả tốt ở kỳ thi nào cả. Các em phải lưu ý dù có đầu tư tham gia bao nhiêu kỳ thi riêng thì điều kiện đầu tiên để vào ĐH là phải đậu tốt nghiệp THPT trước. Nếu muốn tham gia thi đánh giá năng lực, các em nên sắp xếp thời gian khoa học và tập trung toàn lực cho 1 đợt thi để có kết quả tốt nhất.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.