Học sinh lớp Một “ngập” trong bài tập về nhà

27/10/2022 - 10:03

PNO - Dù đã có quy định học sinh lớp Một hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, thế nhưng học sinh lớp Một vẫn đang “ngập” trong các loại bài tập về nhà.

Năm nay là năm thứ ba Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường, giáo viên giúp học sinh lớp Một hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà. Thế nhưng hiện học sinh lớp Một vẫn đang “ngập” trong các loại bài tập về nhà.

Đủ các loại bài tập 

Đầu tuần học thứ tám, chị Trần Thu Hằng (H.Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nhận được tin nhắn từ cô giáo dạy tiếng Việt của con: “Các bạn đã chuyển sang học vần được một tuần. Số lượng vần trong một bài khá nhiều, 3-4 vần, tương đương 12-16 vần trong một tuần. Số lượng từ mới tăng lên rất nhiều, một số từ các bạn còn chưa hiểu nghĩa. Các bạn cũng bắt đầu làm quen với bài đọc 3-4 câu văn, có kết cấu giống một câu chuyện ngắn. Một số bạn còn bỡ ngỡ và chưa bắt nhịp được là điều dễ hiểu. Bố mẹ chú ý thời gian này cần tăng cường cho các bạn luyện đọc nhiều lần để nhớ bài”.

Học sinh lớp Một phải hoàn thành rất nhiều bài tập: bài tập toán, bài tập tiếng Việt, tập viết, bài tập tiếng Anh… - ẢNH: N.M.T
Học sinh lớp Một phải hoàn thành rất nhiều bài tập: bài tập toán, bài tập tiếng Việt, tập viết, bài tập tiếng Anh… - ẢNH: N.M.T

Chị Hằng cho biết, bảy tuần nay, con chị phải hoàn thành rất nhiều bài luyện viết, luyện đọc cô giáo giao về nhà. Từ bài tập trong vở bài tập, vở tập viết mua cùng sách giáo khoa đến vở ô li, vở photocopy cô giáo phát… Chị than: “Từ khi cháu lớn đi học lớp Một, nếp sinh hoạt của gia đình tôi đảo lộn hoàn toàn. Bố mẹ cùng làm công nhân, tan ca muộn. Ngày nào cũng cuống cuồng cơm nước xong là bố trông em nhỏ, mẹ kèm anh lớn học bài tới tận 22g. Hầu như ngày nào cô giáo cũng nhắn tin giao bài tập và nói bố mẹ hỗ trợ con đọc, viết thêm. Thoát được áp lực ở công ty thì về nhà phải đối mặt với áp lực từ tin nhắn của cô giáo; con vừa học vừa mè nheo, chống đối nên bảy ngày thì bốn ngày con làm bài trong nước mắt…”.

Chị Trịnh Hải Lý (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cũng chung cảnh: “7g con đến trường, 17g về nhà. Có khi vừa buông cặp đã phải làm bài tập. Tắm giặt, ăn tối xong nghỉ ngơi 30 phút rồi lại ngồi làm bài tập ít nhất 60 phút nữa… Ngày nào vợ chồng con cái cũng xoay như đèn cù, kể cả tối thứ Bảy, Chủ nhật”. Ngoài bài tập trong sách, vở, cô giáo còn giao bài tập trực tuyến. Trong khi hậu quả của việc trẻ em sử dụng rồi nghiện điện thoại, máy tính đã bộc lộ quá rõ từ đợt dịch COVID-19. “Con chơi điện tử rất nhanh, nhưng làm bài tập thì rất lâu. Sểnh ra là cháu chuyển từ làm bài tập sang chơi điện tử nên vợ chồng tôi phải thay nhau ngồi cạnh để giám sát” - chị Lý mệt mỏi nói. 

Còn anh Nguyễn Văn Quyết (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) đã hướng dẫn con đọc từ lúc 5 tuổi. Anh không dạy viết nên tốc độ tập viết, tô chữ của cháu ngang các bạn. Các bài tập liên quan đọc, hiểu thì cháu làm nhanh hơn một chút. Anh chia sẻ: “Nhiều lần, tôi nói “bố cho phép con không phải làm đủ các bài tập cô giáo giao”, nhưng cháu bảo “ở lớp các bạn làm hết nên con phải làm”. Mỗi tối, cháu vẫn mất 45 phút để hoàn thành bài tập toán, bài tập tiếng Anh, bài tập tự nhiên và xã hội… Vậy cũng là nhiều với một đứa trẻ mới từ mầm non lên học lớp Một”.

Cần hiểu đúng bài tập về nhà 

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định không được giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Với lớp Một chương trình mới, từ năm 2020, bộ cũng đã yêu cầu các trường, giáo viên giúp học sinh lớp Một hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lớp Một cho rằng tiết học của chương trình mới ngắn (35 phút), dung lượng lại nhiều. Nếu không giao bài về nhà thì khó bảo đảm hoàn thành các nội dung. Như thế, thành tích của lớp, của trường cũng bị ảnh hưởng.

Theo giáo sư Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội - bài tập về nhà có quá tải hay không một phần còn do quan điểm giáo dục của mỗi phụ huynh. Khó có một mức chung cho bài tập về nhà, bởi mỗi giáo viên có một cách truyền đạt, mỗi học sinh cũng có một mức nhận thức khác nhau. Tuy nhiên cần có nguyên tắc chung là không quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến các em ngày nào cũng phải đối mặt với nỗi sợ làm bài tập.

Thực tế, bài tập về nhà và nhiệm vụ ôn luyện bài đã học, chuẩn bị bài học buổi sau là hai vấn đề khác nhau. Song hiện nay, không có nhiều giáo viên tách bạch hai vấn đề này, khiến học sinh lớp Một phải chật vật hoàn thành không ít bài tập về nhà. Cô Bích Thuận - thạc sĩ toán học, đồng tác giả sách giáo khoa Toán 1 - Cùng học để phát triển năng lực - có nhiều năm dạy học sinh lớp Một. Ngoài bài tập trong sách bài tập Toán 1, mỗi tuần cô Thuận chỉ giao cho học sinh ba bài tập về nhà vào cuối tuần, mỗi bài cũng chỉ gói gọn trong một mặt giấy. Một số phụ huynh thấy con rất ít bài tập so với các bạn khác lớp, khác trường - thậm chí còn… sốt ruột muốn cô giao thêm bài.

Tuy nhiên, theo cô Bích Thuận, chương trình tiếng Việt 1 chiếm thời lượng lớn nên khoảng thời gian đó cô để các em dành cho tiếng Việt. Ở lứa tuổi từ mầm non lên, đang háo hức tìm hiểu, khám phá. Khi thấy việc học thú vị, các em sẽ tiếp thu tốt và tích cực học. Các em chỉ nên học 30 phút buổi tối, mục đích chính là để hình thành thói quen. Nếu phải làm bài tập nhiều, trong thời gian quá dài, các em sẽ thấy việc học nặng nề và mệt mỏi, dần dần dẫn đến chán học, thậm chí là sợ học.

Ngọc Minh Tâm 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Hồng 01-11-2022 14:54:28

    Bài viết rất đúng với thực tế ạ. Theo em cũng là phụ huynh có con lớp 1: em không cho đi học thêm trước, không học thêm nhà cô, không hoàn thành hết bài cô giao về nhà, đọc, viết được 1 nửa là ổn rồi ạ, dần dần con sẽ nhanh hơn mà không chán học.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI