Từ lớp Bảy, Tám đã phải học lấy đà
Từ đầu năm học đến nay, Nguyễn Thùy Linh (lớp Chín, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) tất bật với lịch học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô, rồi học thêm tại trung tâm luyện thi. Một tuần em học thêm 2 buổi toán, 2 buổi ngữ văn, 3 buổi tiếng Anh. Trước khi Hà Nội chốt phương án thi 3 môn vào lớp Mười, em còn học thêm môn vật lý, hóa học, lịch sử. Sau khi chốt 3 môn thi, thời gian học thêm 3 môn đó được chuyển sang tăng cường học thêm toán, ngữ văn, tiếng Anh.
|
Nhiều học sinh lớp Chín miệt mài ở lớp học tối tại một trung tâm luyện thi vào lớp Mười tại Hà Nội - Ảnh: U.N. |
Thùy Linh cho biết: “Mục tiêu của em là Trường THPT Yên Hòa. Mấy năm gần đây, điểm trung bình tối thiểu là 8 mới có thể đậu. Từ lớp Bảy, em đã xin cha mẹ cho học thêm 3 môn chính để “lấy đà”, lớp Tám tăng cường hơn, đến lớp Chín thì em tập trung hết sức”. Lịch học thêm của Linh kín từ chiều tới tối, rời khỏi trường là em đến các lớp học thêm, 22g mới về đến nhà. Em tranh thủ tắm, ăn nhẹ, nghỉ ngơi trong vỏn vẹn 30 phút rồi lại ôn bài đến nửa đêm. Chị Lê Thúy Nga (mẹ của Linh) chia sẻ: “Chúng tôi thấy căng thẳng vì tỉ lệ vào công lập ngày càng thấp, gia đình không đủ điều kiện cho con học trường tư và vừa thương vừa lo cho sức khỏe của con. Chúng tôi chỉ biết động viên con, dặn con mệt quá thì nghỉ sớm”.
Cô Thu Nga - giáo viên tại một trung tâm dạy thêm ở Hà Nội - cho biết: sau tết, phụ huynh đăng ký cho con học thêm, ôn thi tại trung tâm ngày càng tăng. Hiện tại vẫn có nhiều phụ huynh liên hệ để đăng ký cho con ôn thi cấp tốc, song trung tâm đã kín học sinh từ đầu tháng Ba.
Bảo Châu - học sinh lớp Chín của 1 trường THCS tại quận Phú Nhuận, TPHCM - cũng đã đi học thêm môn toán và tiếng Anh từ khi vừa lên lớp Sáu. Năm lớp Tám, em học thêm cả ngữ văn để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Mười. Vì học ở trường 2 buổi/ngày nên những ngày trong tuần, Châu phải học thêm đến 21g. Một vài buổi khác sẽ rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật. Càng gần ngày thi, thời gian ngủ của em càng ít. “Nhiều lúc em cũng thấy mệt và tốn tiền của gia đình nhưng nghỉ học thêm thì em không dám. Cha mẹ không muốn em học giáo dục thường xuyên, mà lỡ thi rớt rồi vào trường tư thì càng tốn kém nữa” - Châu nói.
Còn chị Ngọc Hương - ngụ quận 3, TPHCM - thì đã cho con đi học thêm từ năm lớp Bảy. Hiện tại, em vẫn đang duy trì học toán, ngữ văn 2 buổi/tuần (90 phút/buổi), học tiếng Anh 1 buổi/tuần (180 phút/buổi). Học phí mỗi môn là 800.000 đồng/tháng. “Trước đây, tôi cho con học nhiều vì sợ con không theo kịp bạn bè. Do con học trường điểm, các học sinh đều rất giỏi. Gần đây, tôi hay tin chỉ tiêu tuyển sinh lớp Mười năm nay giảm, trong khi học sinh lớp Chín tăng thì mới thật sự lo lắng” - chị Hương tâm sự. Trước tình hình này, con trai chị cũng đôi lần nêu ý tưởng được ra nước ngoài du học hết cấp III rồi quay về Việt Nam học đại học, với lý do vào lớp Mười công lập quá khó.
Chỉ có thể giảm chứ không thể xóa
Nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (TPHCM) - thừa nhận, áp lực của học sinh THCS bắt nguồn từ kỳ thi tuyển sinh lớp Mười là tình trạng có thực. Rất nhiều phụ huynh cho rằng con học lớp Chín là còn nhỏ. Trong khi trường nghề, trường tư thục học phí cao; nhiều người còn cho rằng dành cho trẻ chưa ngoan, chưa giỏi nên không ai muốn con vào học. Từ đó yêu cầu con phải cố học, cố thi tuyển sinh lớp Mười.
Ông nhận định: “Ngày xưa, khi bỏ kỳ thi vào lớp Sáu mà chuyển thành phân tuyến, việc học nặng, học nhiều của học sinh lớp Năm đã giảm đáng kể. Tương tự, nếu bỏ kỳ thi lớp Mười mà chuyển sang phân tuyến thì sẽ triệt tiêu việc học căng thẳng cho học sinh THCS. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng thực hiện vì trường THPT công lập hiện đang thiếu. Muốn xây thêm thì cần nguồn vốn lớn, hoặc phải cải tạo từ các trường nghề công lập nhưng cũng không được bao nhiêu. Mà nếu làm được thì khối THPT và trường nghề tư thục lại phá sản...”.
Ông cũng nói thêm rằng, không thể xóa đi hẳn áp lực của học sinh lớp Chín, đặc biệt là các quận đông dân mà ít trường. Giải pháp duy nhất là Nhà nước cần tăng thêm hỗ trợ cho khối trung cấp nghề và tuyên truyền cho phụ huynh hiểu quyền lợi khi con em học trung cấp nghề. Về phía phụ huynh, cần phải hiểu rõ năng lực của con, khuyên con cố gắng nhưng không nặng nề chuyện học ở môi trường nào thì mới giảm phần nào áp lực.
Hà Nội có thêm nhiều dự án xây trường THPT Năm 2023, trong báo cáo lên Bộ GD-ĐT và UBND TP Hà Nội về tuyển sinh lớp Mười công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT được phê duyệt, gồm 9 trường THPT và 7 trường liên cấp. Trong đó 7 trường liên cấp có thời hạn hoàn thiện là cuối năm 2025. Các trường này sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 10.000 học sinh lớp Mười. |
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Giám đốc học viện Thành Công (TP Hà Nội) - nhận định: kỳ thi vào lớp Mười luôn căng thẳng, một phần do sự kỳ vọng của cha mẹ đặt quá nhiều lên con cái. Theo ông, cha mẹ cần hiểu rõ năng lực, sở thích của con để hướng cho con thi vào những trường phù hợp; giúp con có cái nhìn khác về thi cử - như một thử thách để bản thân cần vượt qua chứ không phải là áp lực. Mặt khác, cha mẹ không nên để con tiếp xúc quá nhiều với các thông tin gây căng thẳng, tiêu cực như tỉ lệ chọi vào trường này, trường kia, bởi điều này có thể khiến các em hoang mang.
Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP Hà Nội) - chương trình giáo dục mới hiện nay đã định hướng phát huy khả năng tiềm ẩn, riêng biệt của từng học sinh. Vì thế, cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ, để các em định hướng cho tương lai bản thân. Cha mẹ chỉ nên giúp con lựa chọn ngôi trường nào phù hợp nhất, để con có thể phát huy hết khả năng và phù hợp với xu hướng phát triển lâu dài. Đặc biệt, khi con có kết quả thi không như kỳ vọng hay lựa chọn chưa chính xác, cha mẹ cũng cần tôn trọng điều đó, không nên gây thêm áp lực mà giúp con xem đó là một bài học để điều chỉnh, đánh thức ý thức tự chủ, ý chí vươn lên của con.
Cha mẹ có thể giúp trẻ giảm áp lực Ông Lê Hồng Trung - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung Lập (huyện Củ Chi, TPHCM) - đánh giá: quan điểm xem thi tuyển sinh lớp Mười khắc nghiệt hơn thi đại học là sai lầm của nhiều phụ huynh. Công tác tuyên truyền, phân luồng của các trường THCS cũng chưa đủ để học sinh hiểu. Tùy theo năng lực cụ thể từng em mà nhà trường và gia đình tư vấn những hướng đi phù hợp cho hiện tại và tương lai. Thạc sĩ Trịnh Phúc - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần Minh Trí - nhận định: Khi hoạt động chính yếu của học sinh là học, các em dễ suy giảm chú ý trong việc tiếp nhận kiến thức. Lâu dần, trẻ mất đi hứng thú học tập. Học tập liên tục trong thời gian dài còn khiến trẻ mất dần năng lực điều chỉnh cảm xúc, dễ cáu gắt, bực bội. Thậm chí là phản kháng lại cha mẹ, thầy cô hoặc có những hành vi tấn công bạn bè, làm đau bản thân. Về mặt thể chất, khối lượng kiến thức chồng chất và thu nạp liên tục dễ khiến trẻ lo lắng hoặc trằn trọc, khó ngủ, tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi của não bộ sau quá trình học tập. Do đó, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ trong việc sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi. Cha mẹ là yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực hoặc gia tăng áp lực lên chính học sinh. Khi cha mẹ hiểu rằng một đứa trẻ thành công nhờ sống đúng với bản thân và có định hướng tương lai phù hợp, sự kỳ vọng sẽ dần hợp lý hơn. |
Trang Thư - Minh Tuệ