Linh hoạt dạy theo cấp độ dịch
Sở GD-ĐT yêu cầu, phương thức tổ chức dạy học kết hợp hài hòa giữa dạy học trực tiếp và dạy học trên internet, điều chỉnh linh hoạt phù hợp từng cấp độ dịch. Tổ chức xây dựng và phối hợp thực hiện nguồn học liệu để tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả học sinh có thể tham gia học tập; “không để bất kỳ em học sinh nào bị bỏ lại phía sau” trong việc tiếp cận các hoạt động dạy học của nhà trường.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, thực hành, thí nghiệm cần xây dựng các tổ học sinh tự quản (hoặc chia thành nhóm nếu tổ có số lượng từ 12 em trở lên); các tổ/nhóm thực hiện các nhiệm vụ học tập giúp đỡ nhau thực hiện tốt các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
|
Học sinh khối 9, 12 được chia thành các tổ tự quản khi đi học trực tiếp thời gian tới |
Cơ sở giáo dục có cấp THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TPHCM. Cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP. Thủ Đức, quận, huyện. Cụ thể:
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1: Thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần, ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet. Thời lượng dạy học còn lại được thực hiện trên internet.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 2: Thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, ưu tiên chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet. Thời lượng dạy học còn lại trong kế hoạch giáo dục nhà trường cơ sở được thực hiện dạy học trên internet. Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và khối 12, trường có thể bố trí thời lượng học trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp 3: Thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần, ưu tiên chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet. Thời lượng dạy học còn lại thực hiện dạy học trên internet. Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần. Không tổ chức các chương trình nhà trường, không dạy 2 buổi/ngày.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định ở cấp độ 4: Thực hiện tất cả các hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường internet. Thời lượng dạy học thời khóa biểu trực tuyến không được vượt quá 2/3 tổng thời lượng dạy học được quy định. Có hình thức hướng dẫn học tập phù hợp đối với học sinh không thể tiếp cận được hoạt động học tập trên internet.
Xây dựng kho học liệu số hỗ trợ học sinh chưa theo kịp chương trình
Theo kế hoạch của UBND TPHCM, từ ngày 13 đến 25/12, học sinh khối 9, 12 toàn TP sẽ trở lại trường học trực tiếp, riêng Trường THCS, THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ) học trực tiếp ở tất cả các khối lớp. Từ ngày 3/1/2022, tiếp tục mở rộng dần dạy học trực tiếp các khối lớp còn lại. Chương trình tiếng Anh tích hợp thực hiện dạy trực tuyến đến 3/1/2022.
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường xây dựng học liệu số theo tiến trình thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường để hỗ trợ học sinh chưa theo kịp tiến trình học tập.
Với học sinh đang ở tỉnh chưa về được TPHCM, học sinh trong khu vực cách ly, phong tỏa, đang phải cách ly vì nhiễm bệnh, học sinh có bệnh lý nền (có xác nhận của bác sĩ): tạm thời chưa tham gia học tập trực tiếp, sẽ được nhà trường tổ chức hướng dẫn dạy học qua internet, qua truyền hình và các phương tiện khác.
Với học sinh học hòa nhập, trường cần rà soát đánh giá khó khăn của từng học sinh, thực hiện điều chỉnh kế hoạch dạy học cá nhân phù hợp học sinh hoàn thành nội dung, yêu cầu cần đạt theo kế hoạch giáo dục cá nhân đã điều chỉnh; phối hợp cùng cha mẹ học sinh, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập để có giải pháp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập.
Với học sinh còn đang học tạm tại các địa phương khác: nhà trường trao đổi với phụ huynh, giúp học sinh quay lại trường học. Đối với các trường hợp quá khó khăn, nhà trường tạo điều kiện để học sinh chuyển trường về địa phương đang học tạm để được học tập chính thức trong năm học 2021-2022. Khi kết thúc năm học, nếu phụ huynh học sinh có mong muốn và quay lại thành phố, nhà trường tiếp nhận vào học tập cho năm học kế tiếp.
Kiểm tra cuối học kỳ I từ ngày 10 đến 22/1/2022 Sở GD-ĐT yêu cầu các trường rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại. Thời gian kiểm tra cuối học kỳ I được thực hiện từ ngày 10 đến 22/1/2022. Với học sinh học hòa nhập thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch dạy học cá nhân đã điều chỉnh; các học sinh thuộc diện F0, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội..., thực hiện kiểm tra, đánh giá sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp. |
Én Bông