Học sinh lớp 10 TPHCM thích thú bàn về "bỏ tết ta" trong đề kiểm tra cuối học kỳ 1

28/12/2022 - 14:58

PNO - Học sinh lớp 10, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) thích thú với đề kiểm tra ngữ văn cuối học kỳ 1 khi được bàn về việc bỏ tết ta.

Cụ thể, đề kiểm tra ngữ văn khối 10 cuối học kỳ 1 Trường THPT Trưng Vương với văn bản bài thơ Ông Đồ (Vũ Đình Liên). Đề gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn, trong đó phần đọc hiểu có đề cập đến yêu cầu: "Những năm gần đây có ý kiến cho rằng nên bỏ tết ta (Tết Nguyên đán) vì "còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa" (GS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ). Hãy viết một đoạn văn nghị luận (8-10 câu) trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề trên".

Giữa bối cảnh đề kiểm tra ngữ văn cuối học kỳ 1 lớp 10 tại TPHCM đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận về sự chuẩn mực của một đề kiểm tra khi đây là khối lớp đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 thì đề kiểm tra ngữ văn Trường THPT Trưng Vương đã ngay lập tức gây bão dư luận, khiến học sinh thích thú.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương cho hay, Ông Đồ là bài thơ quen thuộc với học sinh, các em đã được học từ năm lớp 8 song khi đưa vào đề vẫn đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là văn bản không nằm trong sách giáo khoa lớp 10. Trong thời gian 90 phút làm bài, qua văn bản vẫn kiểm tra được các kỹ năng của học sinh như nhận biết, nghị luận xã hội, cảm thụ, sáng tạo... Đặc biệt nhất là khi ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, bài thơ còn mang ý nghĩa giáo dục học sinh về các giá trị văn hóa truyền thống mà đôi khi các em ít quan tâm.

Theo cô Hạnh Nguyên, trong năm đầu tiên thực hiện đổi mới giáo dục ở khối 10 bậc THPT, giáo viên gặp rất nhiều áp lực trong việc ra đề kiểm tra ngữ văn. Lựa chọn ngữ liệu như thế nào để đưa vào đề là một thách thức mà giáo viên phải đối diện. Nếu lựa chọn một văn bản quá quen thuộc có thể bị cho rằng giáo viên không đổi mới, nhàm chán, không tạo được sự mới mẻ. Tuy nhiên, khi lựa chọn các ngữ liệu mới quá thì có thể lại quá sức với học sinh, học sinh cảm thấy "ngộp, đuối" ngay khi đọc đề.

"Tôi cho rằng đổi mới không đồng nghĩa với việc gây áp lực cho học sinh. Đổi mới trước hết là không tạo áp lực cho các em, rèn cho các em các kỹ năng và đưa vào đó giá trị giáo dục. Học sinh khối 10 năm nay là lứa đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 bậc THPT, trước đó các em học chương trình cũ, vẫn quen với việc học văn theo hướng phân tích tác giả, tác phẩm trong sách giáo khoa, vẫn học theo thói quen văn mẫu, còn năm nay lại học theo hướng kỹ năng. Như vậy, việc lựa chọn văn bản ngữ liệu trong đề kiểm tra đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Qua bài thơ Ông Đồ và cách hỏi trong đề kiểm tra, nhà trường mong muốn học sinh cảm thấy học văn trong chương trình mới không hề áp lực, nặng nề, tạo hứng thú cho các em khi học, giúp các em từng bước làm quen với việc học theo chương trình mới" - cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên phân tích thêm.

Giáo viên này hào hứng cho hay, với yêu cầu "trình bày quan điểm của bản thân xung quanh ý kiến cho rằng nên bỏ tết ta" học sinh rất thích thú. Trong bài làm, các em thoải mái chia sẻ quan điểm của mình về ngày tết theo chính cách nhìn của bản thân.

Học sinh cho rằng tết ta vẫn phải giữ nhưng cần phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, làm sao ngày tết vẫn giữ được truyền thống mà không hoang phí, nặng nề. Các em cho rằng rất cần thiết sum họp gia đình nhưng không quá bảo thủ, có thể chỉ là sum họp vào ngày 30, mùng 1 sau đó tết có thể là nghỉ ngơi, vui vẻ với bạn bè. Có em thì cho rằng ngày tết cả gia đình đi du lịch cùng nhau không có nghĩa là mất đi vẻ đẹp truyền thống của tết mà vẫn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên nhưng phù hợp với cuộc sống hiện đại...

"Rõ ràng, từ góc nhìn của học sinh cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cách giáo dục các em về giá trị truyền thống. Người lớn còn có ý kiến cho rằng bỏ tết ta nhưng chính các em lại muốn giữ gìn nhưng chỉ cần thay đổi cho phù hợp, chúng ta cần thiết phải lắng nghe những suy nghĩ này. Như vậy, bài thơ Ông Đồ khi lựa chọn đưa vào đề không chỉ đơn thuần là một ngữ liệu mà sự gần gũi, thân thuộc của bài thơ đã giúp khơi gợi lên trong các em suy nghĩ về ý nghĩa ngày tết sum vầy, đoàn viên..."- cô Nguyên bày tỏ.

Quốc Trung 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI