Học sinh lớp 1 - 6 ở Hà Nội trở lại trường: Chuyên gia khuyến cáo không nên chống dịch như cũ

06/04/2022 - 06:31

PNO - Các trường nên áp dụng quy định 5K một cách linh hoạt, mềm dẻo trong bối cảnh chúng ta đang thích ứng an toàn với dịch COVID-19, bên cạnh đó “nới lỏng nhưng không buông lỏng”.

Hôm nay 6/4, gần 1 triệu học sinh từ lớp Một đến lớp Sáu tại 30 quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội chính thức trở lại trường sau gần một năm học tại nhà theo hình thức trực tuyến. Nhiều trường đã thông báo quy định nghiêm ngặt đeo khẩu trang suốt cả ngày, không cho học sinh ra sân trường giải lao… nhưng các chuyên gia cho rằng cần linh hoạt, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ tới trường.

So giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đến lớp

Trong ngày 5/4, một số trường đã cho học sinh đến để nhận đồng phục sau gần một năm học online - ẢNH: BẢO KHANG
Trong ngày 5/4, một số trường đã cho học sinh đến để nhận đồng phục sau gần một năm học online - Ảnh: Bảo Khang

Thông tin học sinh từ lớp Một đến lớp Sáu trở lại trường học trực tiếp khiến nhiều phụ huynh vui mừng bởi thời gian qua, việc học trực tuyến đã gây ra không ít khó khăn cho các gia đình cũng như tác động tới tâm lý, sức khỏe học đường của trẻ. Chị Phương Thanh (H. Gia Lâm) cho hay, dù chỉ còn một thời gian ngắn nữa là kết thúc năm học nhưng gia đình chị vẫn hào hứng khi con được đến trường.

“Ngay sau khi biết sẽ được gặp thầy cô, bạn bè, con trai tôi cứ thấp thỏm, đếm từng giờ để được tới lớp. Tôi tin rằng, việc học trực tiếp, cùng tâm lý thoải mái sẽ giúp các con đạt được hiệu quả cao trong việc phát triển toàn diện kiến thức, thể chất và tâm lý”. Dù đa phần phụ huynh trong lớp đồng tình, song chị Phương Thanh cũng cho hay, vẫn còn năm phụ huynh chưa đăng ký do lo lắng trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi đi học.

Dù cánh cửa trường đã mở lại nhưng chị Lan Anh (Q. Hà Đông) cùng hai phụ huynh trong lớp tại một trường tư thục, vẫn quyết định cho con học online. “Con gái tôi hiện chưa mắc COVID-19, cũng chưa tiêm vắc xin nên nguy cơ cháu bị nhiễm ở trường rất cao. Ngoài ra, gia đình tôi cũng sống cùng ông bà nên để đảm bảo an toàn, tôi tạm thời cho con tiếp tục học trực tuyến”, chị giãi bày.

Tại cuộc họp trực tuyến về việc triển khai công tác cho học sinh tiểu học và lớp Sáu đến trường trở lại diễn ra sáng 5/4, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh việc đi học trực tiếp tại Hà Nội dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, tất cả trường học phải thực hiện song song hình thức dạy online - offline để đảm bảo quyền lợi học tập cho trẻ.

Tuy nhiên, trước lo lắng trên của một bộ phận phụ huynh học sinh, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng, không chờ đợi việc tiêm vắc xin cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết.

Ông phân tích: “Việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm… Còn phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học”. 

Kiểm soát dịch nhưng cần linh hoạt 

Các trường tiểu học trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm dọn dẹp trước khi đón học sinh trở lại trường vào ngày 6/4 - Ảnh: Bảo Khang
Các trường tiểu học trên địa bàn Q. Hoàn Kiếm dọn dẹp trước khi đón học sinh trở lại trường vào ngày 6/4 - Ảnh: Bảo Khang

Tại cuộc họp của Sở GD-ĐT Hà Nội, 100% trường tiểu học, THCS đã sẵn sàng kịch bản, phương án tổ chức dạy học khi học sinh đi học trực tiếp. Các trường cho hay đã tiến hành vệ sinh khử khuẩn, bổ sung trang thiết bị vật tư y tế; đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng họp phụ huynh thông báo các nội dung phối hợp nhằm đảm bảo công tác an toàn, phòng, chống dịch. 

Bà Lê Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bà Triệu (Q. Hai Bà Trưng), cho hay, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, trường đã tổng vệ sinh, khử khuẩn từng lớp học và rà soát các điều kiện cơ sở vật chất phòng học, các khu vực trong trường nhằm đảm bảo an toàn. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch đón học sinh đi học trực tiếp; rà soát phương án đảm bảo an toàn cho các em trong công tác phòng, chống dịch; kế hoạch diễn tập, kịch bản xử lý khi có tình huống giáo viên và học sinh là F0.

Trong thông báo tới phụ huynh học sinh, Trường tiểu học Gia Quất (H. Gia Lâm) cho biết đã đặt máy đo thân nhiệt tự động ngay từ ngoài cổng. Trong những ngày đầu, giáo viên các lớp sẽ đo thân nhiệt các em khi vào lớp để đảm bảo an toàn, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm. 
Tuy nhiên, cũng còn không ít phụ huynh băn khoăn vì một số quy định tương đối khắt khe.

Chị Phương Thanh cho hay, vào giờ ra chơi, học sinh của lớp con chị được thông báo không được ra sân trường mà chỉ chơi trong phạm vi phòng học để tránh lây nhiễm chéo. “Sau mỗi giờ học, nhu cầu được nhìn xa, được chạy nhảy của các con rất lớn. Trong khi đó, chúng ta đang hướng tới bình thường mới, các hoạt động du lịch, các lễ hội… đều mở cửa, quy định như trên có lẽ là quá cứng nhắc và không phù hợp”, chị nói.

Tương tự, chị Hà Thanh (Q. Thanh Xuân) cho hay, con chị học lớp Một đã trở lại trường vào cuối tuần trước, do trường thuộc ngoại thành Hà Nội. Dù con rất vui vẻ khi đến trường nhưng cũng than phiền, do phải đeo khẩu trang liên tục trong lớp học nên khó chịu, phát biểu bài cũng khó nghe… Do đó, chị băn khoăn, liệu có nên để trẻ đeo khẩu trang suốt một ngày dài, nhất là lứa tuổi nhỏ? 

Liên quan tới vấn đề này, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu khẳng định, hiện việc đeo khẩu trang trong lớp học là không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích: “Việc thực hiện 5K không có nghĩa lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, khi ăn uống, ngủ… thì thực hiện như thế nào? Tùy vào lứa tuổi và điều kiện để áp dụng, tạo sự thoải mái cho trẻ tới trường”.

Vị chuyên gia dịch tễ cho rằng, các trường nên áp dụng quy định 5K một cách linh hoạt, mềm dẻo trong bối cảnh chúng ta đang thích ứng an toàn với dịch COVID-19, bên cạnh đó “nới lỏng nhưng không buông lỏng”. Ông lấy ví dụ, không nên cấm trẻ em ra sân trường mà nhà trường có thể bố trí các khu vực riêng, hoặc chia theo khung giờ để các lớp không cùng đổ ra một lúc… 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI