Học sinh loạn với tên gọi các nguyên tố hóa học của chương trình mới

05/10/2022 - 18:34

PNO - Một số tên gọi của hóa chất trong sách Khoa học tự nhiên bậc THCS và Hóa học bậc THPT chưa thống nhất dẫn đến khó khăn cho học sinh.

Trần Phương Linh, học sinh lớp 10 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) kể, trước đây nữ sinh này định hướng theo khối A, nhưng chỉ sau hơn 1 tuần học chương trình mới, em đã quyết định không theo khối tự nhiên nữa mà chuyển hẳn sang khối xã hội do môn Hóa học của chương trình mới khó hơn em nghĩ.

Cách gọi nguyên tố mới gây nhiều khó khăn cho học sinh
Cách gọi nguyên tố mới gây nhiều khó khăn cho học sinh

"Những ngày đầu, em rất bất ngờ với cách đọc tên các nguyên tố hóa học khác xa với những gì em đã được học ở bậc THCS. Natri thì đọc thành Sodium, Kali thành Potassium, Magie biến đổi sang Magnesium... khác quá nhiều so với các tên nguyên tố em được học ở bậc THCS.

Cách gọi mới này cũng rất khó nhớ khiến em đọc nhầm liên tục. Không chỉ em mà các bạn trong lớp cũng than thở về tên gọi mới, thi thoảng lại có bạn đọc nhầm khiến cả lớp cười ầm lên”, Phương Linh chia sẻ.

Được biết, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất… sẽ được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.

Cùng chung niềm trăn trở với tên gọi mới của môn Hóa học trong chương trình lớp 10, Nguyễn Thảo Đan, học sinh lớp 10 tại Vĩnh Phúc chia sẻ: "Trước đây chúng em chỉ đọc Phốt-pho (P) nhưng giờ là Phốt-pho-rơ-s (Phosphorus), Hidro (H) thì đọc thành Hai-đờ-rô-giừn... Nhiều lúc, em nản vì nhầm lẫn giữa cách đọc cũ và cách đọc mới.

Không chỉ chúng em mà ngay cả thầy cô giáo cũng có lúc nhầm. Cái khó nhất của chúng em là cấp THCS thì gọi tên nguyên tố hóa học một kiểu, lên lớp 10 lại gọi kiểu khác thành ra nhiều lúc như bị “tẩu hỏa” giữa các tên gọi".

Một số giáo viên phụ trách môn Hóa học lớp 10 năm nay cho rằng ngay cả giáo viên tiếng Anh cũng khó mà đọc hết được bằng tiếng Anh tên 118 các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh như Magnesium (Mg), Berylium (Be), phosphorus (P), Yttrium (Y), Molybdenum (Mo), Antimony (Sb), zirconium (Zr), Technetium (Tc)… huống hồ giáo viên dạy môn Hóa học.

“Trong khi lớp 10 dạy chương trình mới thì đọc tên nguyên tố kiểu mới còn dạy lớp 11 và 12 lại đọc tên kiểu khác.

Dù bộ sách Cánh diều đã có bảng tra cứu và phiên âm nhưng có nhìn phiên âm cũng không thể đọc được, đặc biệt là các loại hợp chất", cô giáo Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) nói.

Ghi nhận những khó khăn của học sinh và giáo viên, đại diện tiểu ban Xây dựng và Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn Hóa học 2018 giải thích, chương trình mới thay đổi danh pháp Hóa học (cách gọi tên) theo bốn nguyên tắc: khoa học, thống nhất, hội nhập và thực tế.

Thực tế ở Việt Nam, danh pháp Hóa học không thống nhất ở các ngành như Y, Dược, Giáo dục và giữa các cấp học. Cách đây nhiều năm, Hội Hóa học Việt Nam có đề tài cấp quốc gia về Thuật ngữ và danh pháp Hóa học được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cho phép. Hội đã đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho sử dụng danh pháp Hóa học theo tiếng Anh trong đợt đổi mới SGK 2018 và được đồng ý.

Đúng là những học sinh bắt đầu học môn Hóa theo chương trình mới sẽ không có trở ngại do được học từ sớm. Nhưng những em lớp 8, 9 học theo chương trình 2006, năm nay lên lớp 10 và một số giáo viên lớn tuổi, đã lâu không dùng tiếng Anh, sẽ chưa quen cách đọc. Việc này trong 1-2 năm sẽ quen và trở lại bình thường.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI