Phụ huynh, học sinh căng thẳng vì chỉ tiêu "cứng"
Dù còn hơn 3 tháng nữa mới đến “lịch” nộp giấy vụn, vỏ lon bia, vỏ chai nhựa của 2 con nhưng chị Đ.N. (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã trữ sẵn 4kg giấy ở gầm cầu thang. Chị cho hay, sau tết Nguyên đán, mỗi cháu phải nộp 2kg giấy vụn và 20-30 vỏ lon bia, chai nhựa. 5-6 năm trước, con gái lớn cũng phải nộp giấy vụn nên chị động viên con cùng xếp lại những tờ giấy, báo cũ và tập vở đã viết hết vào ngăn bàn học để dành cho Kế hoạch nhỏ.
Thế nhưng 4 năm nay, khi cả con trai nhỏ cũng cần nộp giấy vụn thì có những lần chị phải làm “quan tòa”. Chị N. chia sẻ: “Nhiều khi thấy trong nhà có tờ giấy nào là 2 đứa cùng lao đến, giành nhau, rồi đứa này lấy của đứa kia… Ý nghĩa giáo dục bỗng gây ra tính xấu. Báo giấy thì ngày càng hiếm nên từ năm kia, khoảng tháng Mười là tôi mua 4kg giấy từ hàng phế liệu về chia cho 2 đứa. Nếu gần ngày nộp mới mua thì rất khó, bởi rất nhiều phụ huynh cũng phải đi mua. Vỏ lon, vỏ chai thì dễ kiếm hơn, vì ngay sau dịp tết nên nhà nào cũng có, đi xin cũng dễ”.
|
Học sinh Trường tiểu học - THCS Trà Phú (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) làm Kế hoạch nhỏ bằng cách trồng sả ở những ô đất trống trong trường - Ảnh: L.Đ. |
Chị T.H. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có 3 con nên mỗi năm chị phải lo 9kg giấy vụn. Chị cho hay, căn hộ chung cư gần 50m2, vốn đã chật chội nhưng vẫn phải dành góc chứa giấy vụn, chai lọ. Có năm qua tết mới đi mua nên chị N. phải chạy khắp 3 quận mới gom được 8kg giấy từ các hàng phế liệu, chị phải xin thêm giấy in lỗi ở cơ quan mới đủ 9kg giấy cho 3 đứa con mang nộp Kế hoạch nhỏ.
Chị H. nói: “Chai nhựa, lon bia cũng phải tích trữ ở góc nhà. Vì tết là cả gia đình tôi về quê, không thể mang mớ đồ ve chai từ quê ra phố được”. Chị nhớ lại: “Năm ngoái, con út nhà tôi học lớp Hai, cháu chỉ nặng 17-18kg mà vai đeo ba lô sách vở đã nặng, lại phải bê 3kg giấy lên lầu 2. Rồi các cháu trong đội gom giấy của lớp phải vừa kéo, vừa lôi bao tải giấy qua 2 tầng cầu thang xuống sân trường để nộp”.
Hồi tháng Tư, việc nộp giấy vụn triển khai Kế hoạch nhỏ tại một lớp Bảy của Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) gây xôn xao dư luận: cô giáo yêu cầu học sinh nộp tối thiểu 2kg giấy vụn trong một buổi sáng, “bạn nào quên không mang thì gọi phụ huynh mang đến, còn không gọi được phụ huynh thì nộp phạt, tính 50.000 đồng/kg giấy”. Cô giáo chủ nhiệm của lớp đã giải trình rằng cô nhắn tin cho học sinh như vậy với mong muốn các em có ý thức tự giác thực hiện hoạt động Kế hoạch nhỏ, chứ không thu tiền của ai.
Không thiếu cách làm sáng tạo
Tuy có nhiều lùm xùm về “bệnh hình thức” trong phong trào Kế hoạch nhỏ ở không ít địa phương nhưng cũng không ít nơi, không ít trường đã có những cách làm rất sáng tạo, bám sát mục tiêu giáo dục tính tiết kiệm, chia sẻ… cho học sinh.
Trong các lớp học của Trường tiểu học Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) có rất nhiều chậu sen đá. Đây là những món quà mà học sinh nhận được sau khi đổi chai nhựa, giấy báo… trong hoạt động Kế hoạch nhỏ.
Cô Đinh Thị Vân Anh - Tổng phụ trách Đội - cho hay, những năm trước, trường vận động học sinh thu gom, đóng góp thông thường nên số lượng khá ít. Nắm được tâm lý các em rất thích nhận quà, nhà trường và liên đội đã chuyển cách làm “đổi rác nhựa lấy cây”.
Khi mới triển khai, không nhiều học sinh tham gia, nhưng khi thấy một số bạn mang cây về lớp thì các em rất thích và chủ động gom chai nhựa ở nhà, đi ngoài đường thấy cũng nhặt, vào trường uống nước thì để dành vỏ chai để đổi lấy cây. Dần dần lan tỏa khắp trường.
Cô Đinh Thị Vân Anh chia sẻ: “Ở học kỳ II, chúng tôi dự kiến sẽ chuyển sang hình thức đổi sách giáo khoa. Hoạt động này sẽ được làm theo lớp, khi gom được số lượng giấy hay chai nhựa nhất định thì đến đổi sách, đó sẽ là công trình măng non của lớp. Các em sẽ cùng nhau tặng bộ sách đó cho 1 bạn khó khăn để bạn có sách học vào năm sau. Giáo dục vốn là phải lan tỏa được tinh thần yêu thương như vậy”.
Ở nhiều trường học của tỉnh Quảng Ngãi như: Trường THCS Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ), Trường tiểu học - THCS Trà Phú (huyện Trà Bồng)… ngoài vận động học sinh thu gom, phân loại rác thải nhựa, vỏ lon, các trường và các liên đội còn tổ chức và hướng dẫn học sinh làm Kế hoạch nhỏ bằng việc trồng sả để bán.
Ông Hồ Thanh Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Khánh - cho hay, với mong muốn giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời để Kế hoạch nhỏ gần gũi và hữu ích đối với hoạt động học tập, thầy Nguyễn Tuấn Vũ - Tổng phụ trách Đội - đã tổ chức trồng sả.
Theo đó, các đội viên sẽ cùng thầy cô chăm sóc. Từ khi chuyển cách làm Kế hoạch nhỏ qua trồng sả, các em hào hứng hơn rất nhiều, bởi không chỉ thu được tiền cho hoạt động, mà còn có thêm kiến thức cho môn sinh học.
Còn các đội viên của Liên đội Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thì cùng làm Kế hoạch nhỏ từ vườn trường. Em Phàn Ú Mẩy (lớp Bảy) kể: “Từ khi học tiểu học, em đã được các thầy cô, anh chị bậc THCS hướng dẫn cùng trồng rau, nuôi gà, vịt, heo.
Các anh chị lớp Chín còn phụ trách đồi chè. Các anh chị biết ứng dụng môn khoa học công nghệ vào kỹ thuật hái và sao chè. Lớp em có 1 luống rau, 1 góc vườn trường để nuôi heo, gia cầm. Chúng em sẽ bán rau xanh, thực phẩm cho bếp ăn của trường và các thầy cô”.
Ông Vi Hoài Thanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, mô hình này không chỉ giúp các em làm Kế hoạch nhỏ hiệu quả, mà còn giúp phát triển toàn diện. Khi về nhà, các em còn có thể hỗ trợ, hướng dẫn gia đình làm nông nghiệp khoa học hơn, đúng kỹ thuật hơn.
Hãy để học sinh tham gia một cách chủ động, sáng tạo Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, trong trường học có 2 hoạt động song song: dạy kiến thức và giáo dục. Trong đó, hoạt động giáo dục chung của toàn trường gồm: thực hiện nội quy, thi đua, Kế hoạch nhỏ… Những hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành, rèn luyện phẩm chất cũng như kỹ năng sống cho học sinh. Bà thẳng thắn cho rằng nhiều năm qua, bệnh thành tích đã biến nhiều hoạt động giáo dục thành những hành động méo mó, phản cảm, nặng tính hình thức. Bà cũng nhận được không ít phàn nàn từ phía phụ huynh cho rằng nhà trường đang “hành hạ” học sinh. Bà nhận định, hành vi mua giấy vụn của phụ huynh đã góp phần khiến phong trào Kế hoạch nhỏ méo mó, và đây cũng là hành vi phản giáo dục. Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng không ít cha mẹ chọn cách mua giấy loại thay vì cùng con thực hiện còn là biểu hiện của “bệnh” bao bọc con thái quá. Điều đó sẽ không giúp các em hình thành hay phát triển phẩm chất, thậm chí còn có tác dụng ngược. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Mỗi nhiệm vụ nhà trường hay thầy cô giao cho học sinh, dù là nhỏ bé cũng đều có mục tiêu giáo dục cụ thể, rõ ràng. Giáo dục không thể từ một phía nhà trường hay gia đình mà cần có sự phối hợp, thống nhất” - bà khẳng định. Phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời với mục tiêu dạy học sinh ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường và xây dựng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. 66 năm qua, Kế hoạch nhỏ đã trở thành một trong những hoạt động giáo dục ý nghĩa đối với rất nhiều thế hệ học sinh nói chung, đội viên nói riêng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc thực hiện đang ngày càng xa rời mục tiêu ban đầu. Để khôi phục ý nghĩa của phong trào Kế hoạch nhỏ và đưa nó trở lại là hoạt động giáo dục thực sự, các trường cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ việc “ép buộc” sang khuyến khích tự nguyện và tạo điều kiện cho các em tham gia một cách chủ động, sáng tạo. Các trường nên tập trung vào các hoạt động trải nghiệm và thực hành thay vì chỉ thu gom vật liệu mang bán. Đồng thời rất cần sự phối hợp từ phía gia đình trong hoạt động giáo dục. Chỉ khi nào học sinh được tham gia một cách tự nguyện, sáng tạo và hiểu rõ giá trị của phong trào, thì hoạt động này mới thực sự có ý nghĩa và mang lại những lợi ích giáo dục lâu dài. |
Minh Tuệ - Trang Thư