Học sinh làm "cú đêm" - Lợi bất cập hại

06/11/2022 - 16:10

PNO - Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra với não bộ và hành vi của thanh thiếu niên sau một thời gian dài làm "cú đêm".

Thanh thiếu niên có xu hướng làm cú đêm với thói quen thức khuya và ngủ nướng - Ảnh: Geisinger Health Plan
Thanh thiếu niên có xu hướng làm "cú đêm" với thói quen thức khuya và ngủ nướng - Ảnh: Geisinger Health Plan

Theo đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne (Australia) nhận thấy rằng, việc thức quá khuya (hay còn gọi là thay đổi mô hình giấc ngủ) sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về hành vi và chậm phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên về sau.

Khảo sát trên diện rộng cho thấy, mô hình giấc ngủ của con người thay đổi theo từng giai đoạn phát triển, và thanh thiếu niên cũng không là ngoại lệ. Với nhóm đối tượng này, các em có xu hướng thức khuya hơn, đi ngủ muộn hơn và thức dậy muộn vào ngày hôm sau. Phần lớn các câu trả lời đều có chung lý do: các em cảm thấy tỉnh táo và tập trung để học tập, làm việc vào thời gian đó.

Tuy nhiên, điều này lại xung đột với lịch trình thông thường của trường học và công sở nơi khung giờ hoạt động thường bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng. Vì vậy, tình trạng thiếu ngủ kinh niên do giờ ngủ không phù hợp có thể giải thích tại sao thanh thiếu niên là “cú đêm” thường có nguy cơ mắc các vấn đề về cảm xúc và hành vi cao hơn so với những con “chim sơn ca” (chỉ những người thích đi ngủ sớm và thức dậy sớm vào buổi sáng).

Phát hiện này cũng trùng khớp với một nghiên cứu tương tự được thực hiện tại Hàn Quốc năm 2020, với sự tham gia của 8.565 học sinh phổ thông: "Những thanh thiếu niên đi ngủ muộn và dậy muộn có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 1,7 lần so với những người đi ngủ sớm và dậy sớm".

Học sinh cú đêm thường có biểu hiện mệt mỏi, không thể tập trung khi học bài ở trong lớp - Ảnh: Korea Bizwire
Học sinh "cú đêm" thường có biểu hiện mệt mỏi, không thể tập trung khi học bài ở trong lớp - Ảnh: Korea Bizwire

Một nghiên cứu khác tập trung vào việc xem xét thói quen ngủ của 2.700 học sinh thuộc cấp THCS và THPT trên khắp nước Mỹ nhận thấy, những thanh thiếu niên thức khuya có khả năng bị điểm thấp hơn và gặp nhiều vấn đề về cảm xúc hơn so với những học sinh khác.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley đã xem xét hồ sơ học tập của nhóm học sinh này cùng lịch trình, thời gian đi ngủ trong suốt những năm đi học của các em và phát hiện ra rằng, khoảng 30% học sinh đã đi ngủ muộn hơn 11g30 tối vào các ngày trong tuần, thậm chí có nhiều em thức đến 1g30 sáng.

Như vậy, nhóm này không thể ngủ đủ 9 tiếng theo khuyến nghị. Kết quả là, các em có điểm tổng kết (GPA) thấp hơn các bạn cùng lứa tuổi, kèm theo nhiều vấn đề về hành vi được ghi nhận và báo cáo.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt về cấu trúc não của “cú đêm” và “chim sơn ca” liên quan đến chất xám và chất trắng, dẫn đến sự khác biệt về trí nhớ, cảm xúc hạnh phúc, sự chú ý và sự đồng cảm.

Để giải mã được liệu thói quen thức khuya ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc và hành vi của nhóm đối tượng này, các nhà khoa học đã làm việc với hơn 200 thanh thiếu niên và cha mẹ của các em. Những người tham gia đã hoàn thành một loạt bảng câu hỏi về sở thích và thói quen sinh hoạt cũng như thu thập dữ liệu sức khỏe về cảm xúc và hành vi của các em. Bảng câu hỏi này cũng được lặp lại liên tục nhiều lần cho cùng nhóm đối tượng nghiên cứu trong bảy năm liên tiếp.

Ngoài ra, các em cũng được thực hiện hai lần quét não cách nhau vài năm để kiểm tra sự phát triển não qua thời gian. Từ đó, nhóm nghiên cứu tập trung vào việc lập bản đồ những thay đổi trong cấu trúc của chất trắng - là mô liên kết của não cho phép não của chúng ta xử lý thông tin và hoạt động hiệu quả.

Kết quả cho thấy, những thanh thiếu niên là “cú đêm” ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên (khoảng 12-13 tuổi) có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về hành vi vài năm sau đó. Những hành vi tiêu cực thường gặp phải gồm: hung hăng hơn, phá vỡ quy tắc và không tuân thủ luật lệ xã hội...

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, chất trắng của “cú đêm” không tăng lên cùng mức độ với những thanh thiếu niên là “chim sơn ca”, trong khi sự tăng trưởng chất trắng là rất quan trọng trong giai đoạn vị thành niên giúp hỗ trợ sự phát triển về nhận thức, cảm xúc và hành vi.

Như vậy, nghiên cứu cho thấy, trở thành “cú đêm” làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về hành vi và chậm phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên về sau.

Thanh thiếu niên nên thiết lập và duy trì chế độ ngủ đúng giờ và đủ giấc để đảm bảo sự phát triển tốt cho tinh thần và thể chất - Ảnh: Sassy Sister Stuff
Thanh thiếu niên nên thiết lập và duy trì chế độ ngủ đúng giờ và đủ giấc để đảm bảo sự phát triển tốt cho tinh thần và thể chất - Ảnh: Sassy Sister Stuff

Những phát hiện này thêm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào thói quen ngủ - thức của thanh thiếu niên ở tuổi vị thành niên đối với sức khỏe hành vi và cảm xúc sau này của các em.

Ngủ đủ giấc là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và sự phát triển của não bộ. Chính vì vậy, cha mẹ cần hỗ trợ các con điều chỉnh sở thích và thói quen ngủ một cách lành mạnh và hợp lý để có được sự phát triển tích cực cho cả não bộ và hành vi của con em mình về lâu dài.

Nguyễn Thuận (theo Science Alert, Sleep Education)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI