Học sinh lại quay cuồng với các cuộc thi ảo

12/12/2016 - 06:56

PNO - Mới đây, khi phụ huynh phản đối cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn”, Bộ GD-ĐT ký quyết định đề nghị tạm “đóng cửa" cuộc thi này.

Mới đây, khi phụ huynh phản đối cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” (CPVM), Bộ GD-ĐT ký quyết định đề nghị tạm “đóng cửa" cuộc thi này. Thế nhưng, hành động dẹp bớt đi một trò của nhà quản lý cũng không thay đổi được thực tế học sinh đang bị bủa vây bởi vô số những cuộc thi trực tuyến, thi kỹ năng có hơi hướm thương mại.

Thi kiến thức hay game "ăn tiền"?

Chiều 9/12, Bộ GD-ĐT có công văn gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị tạm dừng cuộc thi CPVM do chính hai đơn vị này phối hợp tổ chức từ năm học 2014-2015. Sở dĩ có động thái này bởi CPVM vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh với lý do cuộc thi kiến thức nhưng hóa ra lại giống game online khi có yếu tố cào thẻ, nạp tiền…

Anh Trần Trọng An, một phụ huynh có con học lớp 5 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), bức xúc gửi “tâm thư” lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Anh An vô cùng lo lắng trước việc bộ này cổ xúy cho học sinh (HS), nhất là HS tiểu học, chơi game online thông qua cuộc thi CPVM.

Theo anh An, việc này sẽ ảnh hưởng tới con trẻ bởi trong đó có nhiều game khác và yêu cầu phải nạp thẻ cào với mệnh giá từ 10.000đ đến 300.000đ. Tôi nghĩ rằng, HS tiểu học, với thể chất và trí tuệ còn rất non nớt mà sớm bị “cài đặt” game online vào trí não (có chiến thuật, có tranh đua, có thu phí) sẽ chịu tác hại về lâu về dài.

Cũng theo phụ huynh này, CPVM thực chất là game online, trên đó có nạp thẻ cào, có mua đồ. “Cuộc thi chỉ là một phần rất nhỏ được “nhúng” trong một hệ sinh thái về game của EGroup. Cổng cuộc thi và cổng game không tách bạch, không rõ ràng” - anh An cho biết.

Hoc sinh lai quay cuong voi cac cuoc thi ao
Giao diện game online Chinh phục vũ môn.

Dẹp một CPVM thì vẫn còn bạt ngàn những cuộc thi khác, trong đó có không ít trò chơi lẩn khuất yếu tố thương mại, thí sinh phải nạp tiền để... thăng hạng. Ngoài CPVM, HS đang tham gia rất nhiều cuộc thi khác trên internet bao gồm IOE (ioe.go.vn), Violympic (violympic.vn), Trạng nguyên tại http://trangnguyen.edu.vn/, kỳ thi Olympic Smart English (OSE) tại http://www.ose.vpbox.edu.vn...

Điều đáng nói, những cuộc thi này đều được phát động, tổ chức bởi những đơn vị uy tín như Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn… nên rất khó để HS, giáo viên (GV) từ chối. Chính GV cũng không “cứu” con thoát khỏi guồng xoáy của hàng loạt cuộc thi kiến thức đang bao vây.

Thầy N. H. Phúc, Tổng phụ trách đội một trường tiểu học tại TP.HCM cho biết: “Bản thân mình làm nhiệm vụ phát động phong trào thi đua học tập theo sự chỉ đạo của nhà trường, mà mình thấy HS thật sự không có thời gian nghỉ ngơi, những em nào nổi trội trong lớp, trong trường sẽ gánh trên vai các cuộc thi Viết cho đẹp, Giải toán trên internet, Trạng nguyên, tiếng Anh IOE, các phong trào của Đội... Con trai mình mới lớp 1 đã phải luyện cho các cuộc thi này... khổ cho con ghê; trong đó, muốn tham gia vào trò Trạng nguyên và CPVM thì phải nạp tiền”.

Nếu chỉ dừng ở việc tạo thêm sân chơi, cuộc thi kiến thức đơn thuần để HS rèn luyện kiến thức, trau dồi kỹ năng thì nhà quản lý và đơn vị tổ chức sẽ nhận sự ủng hộ của phụ huynh, HS. Vấn đề nằm ở sự thương mại hóa, cộng thêm yếu tố đề cao tính thắng thua đã khiến người dùng nghi ngại yếu tố “đỏ đen” của những sân chơi dạng này. Từ chỗ đánh vào tâm lý hơn thua của người chơi, những website này “đẻ” ra những hình thức luyện thi, thi thử… có thu phí.

Chẳng hạn như ở cuộc thi Trạng nguyên là sân chơi cho HS với các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học tự nhiên - xã hội… website này có hẳn bảng vàng để vinh danh các “trạng nguyên”, những địa phương tích cực có nhiều HS tham gia. Tại mục “luyện tập”, người chơi phải chấp nhận móc hầu bao nạp tiền.

Tương tự, cuộc thi IOE tại trang web ioe.go.vn cũng tạo ra mục “Thi thử” để người chơi cọ xát, tập dợt trước khi thi thật. Để tham gia thi thử, HS phải nạp tiền. Theo bảng giá của đơn vị này, số tiền mua lượt càng nhiều thì càng được ưu đãi, cụ thể với 20.000đ sẽ mua được 20 lượt thi thử, nếu mua 100.000đ sẽ được 120 lượt và 500.000đ sẽ được 620 lượt…

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã chỉ ra sự mập mờ của CPVM: trên trang chủ, ban tổ chức cuộc thi còn thông báo biểu dương các trường đông HS tham gia, yêu cầu các trường ít HS tham gia phải tăng cường vận động tuyên truyền. Khi HS đăng nhập vào website, có thể tham gia vào chơi trò chơi khác như “Đấu trường trí tuệ”. Tuy mang tiếng là trò chơi miễn phí nhưng nếu HS muốn mua các nhân vật, thiết bị, quần áo… thì phải nạp thẻ.

Tự nguyện nhưng... đầy áp lực

Mang tiếng là sân chơi ngoại khóa nằm ngoài chương trình chính thức của nhà trường dựa trên tinh thần tự nguyện của HS nhưng những cuộc thi này đang thu hút một lượng lớn HS, GV cả nước tham gia. Theo lý giải của nhiều trường, đa phần những cuộc thi này đều được Bộ GD-ĐT phát động, nhà trường và GV khó lòng từ chối, cuối cùng là dồn nhiệm vụ “lấy điểm” cho trường lên vai HS.

Một tổng phụ trách đội than: “Nếu không tham gia thì trường sẽ không được điểm thi đua cuối năm. HS còn phải học hai buổi, nếu có thời gian rảnh lúc nào thì y như rằng sẽ có lịch tập luyện các môn đó, rất vất vả cho GV dạy hai buổi bởi vừa không có thời gian nghiên cứu bài giảng, vừa phải tham gia các phong trào này”.

Trên trang web chinhphucvumon. vn tại thời điểm chiều 9/12, riêng cuộc thi lần 3 (năm học 2016-2017) tuần thứ 10 đã có hơn 824.000 thí sinh trên toàn quốc đăng ký tham gia. TP.HCM là địa phương dẫn đầu tốp HS đăng ký nhiều nhất: hơn 92.000 em, kế tiếp là tỉnh Nghệ An với hơn 74.000 em.

Tương tự, trên “Bảng vàng” của trang web cuộc thi Trạng nguyên thống kê (đến chiều 11/12) có đến 34.044 HS lớp 1 tham gia thi trực tuyến; lớp 2 là 157.641 HS tham gia; lớp 3 là 166.335 HS; lớp 4 là 277.102 HS; lớp 5 là 406.281 HS; lớp 6 là 339.088 HS tham gia. Các cuộc thi OSE, OIE cũng liên tục cập nhật số lượng HS tham gia và không quên “vinh danh” sự tích cực những địa phương đông HS dự thi… Bên cạnh đó, những website cũng không quên đính kèm thông báo, hướng dẫn của bộ ngành trong việc triển khai cuộc thi để làm tăng “sức nặng” đối với các trường và người chơi.

Hễ có thi thố, tất nảy sinh… luyện thi. Tại nhiều trường trên địa bàn Hà Nội, HS liên tục được hướng dẫn tham gia vào các chương trình học toán, tiếng Anh trực tuyến. Chị N.T.M. có con theo học lớp 1 tại trường Tiểu học Tây Đằng B (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, không chỉ khuyến khích một cách thông thường, GV còn xem chương trình này như một cuộc đua của HS.

“Cô giáo chủ nhiệm thông báo với tôi rằng con đã được chọn vào đội tuyển để thi Olympic toán trên mạng. Tuy nhiên, để có kết quả thi tốt, không chỉ chăm chỉ tập luyện ở nhà mà HS trong đội tuyển sẽ học thêm nửa tiếng các buổi chiều từ thứ Ba đến thứ Sáu. Ngoài ra, cô giáo còn để xuất cho con đi học thêm cuối tuần để bồi dưỡng năng lực”, chị M. than phiền.

Tạo thêm sân chơi cho HS là cần thiết, nhưng thiết nghĩ nên là những sân chơi kỹ năng, khuyến khích sự sáng tạo của thế hệ trẻ hơn là cổ xúy cho sự thắng thua và chỉ xoay vòng trong mớ kiến thức học thuật. Bởi, mỗi ngày, HS vốn đã là chiếc đèn cù, vùi đầu trong mớ kiến thức sách vở và khi bước ra đời, các em như những chú “gà công nghiệp” chỉ biết có lý thuyết. Dường như chưa đủ, ở đây, chúng ta lại còn bắt các em chạy theo điểm số, những chỉ số “IQ ảo”.

Nói như mong muốn của em Đặng Hoàng Nguyên, HS trường quốc tế Á Châu rằng: Con cần những sân chơi mà ở đó được chơi mà học, không áp lực thắng thua, không chạy theo những chiến thắng ảo. Hãy tổ chức những cuộc thi một cách hợp lý và không nên thương mại hóa những hoạt động mang tính giáo dục như hiện nay.

Tiêu Hà - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI