Học sinh khối 10 "thở phào" khi làm kiểm tra giữa học kỳ 1

21/10/2022 - 14:55

PNO - Lần đầu tiên TPHCM áp dụng trắc nghiệm ngữ văn, làm dự án, sản phẩm trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 ở khối 10.

Tưởng áp lực nhưng lại... "thở phào" 

Lần đầu tiên, đề kiểm tra ngữ văn giữa học kỳ 1 của học sinh khối 10 Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận. Hình thức kiểm tra mới mẻ này khiến học sinh vô cùng thích thú...

Đề ngữ văn vẫn có cấu trúc quen thuộc gồm 2 câu: đọc hiểu (6 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất là câu đọc hiểu lại được thiết kế đan xen giữa trắc nghiệm và nghị luận. Với 7 câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức văn học trong nửa học kỳ 1, đồng thời phần đọc văn bản và trả lời câu hỏi đặt ra vấn đề nghị luận ý nghĩa khi yêu cầu học sinh nói lên vai trò của suy nghĩ lạc quan, tích cực tác động đến tâm trí mỗi người.


"Đây là lần đầu tiên em được làm đề kiểm tra môn văn theo hình thức trắc nghiệm. Em thấy khá thú vị, các câu hỏi trắc nghiệm là những kiến thức cơ bản mà chúng em đã học trên lớp. Sự kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm khiến đề vừa độc đáo, vẫn kiểm tra được kiến thức nhưng lại giúp học sinh chúng em thấy nhẹ nhàng, bớt áp lực hơn khi kiểm tra..." - Như Quỳnh, học sinh lớp 10, Trường THPT Phong Phú thích thú chia sẻ.

Tại Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức), trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 năm học 2022-2023, lần đầu tiên các bộ môn kiểm tra theo hình thức tập trung của khối 10 được nhà trường áp dụng hình thức trắc nghiệm, điền khuyết kết hợp tự luận. Với các môn kiểm tra tại lớp, giáo viên được chủ động lựa chọn cách thức ra đề phù hợp, không gây áp lực cho học sinh.

Thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng nhà trường thông tin, hình thức kiểm tra tập trung khối 10 được trường tổ chức ở 6 môn, bao gồm 4 môn bắt buộc là văn, toán, tiếng Anh, lịch sử cùng 2 môn lựa chọn trong nhóm 4 môn lựa chọn tùy theo từng lớp. Nhà trường đổi mới cách thức kiểm tra để phù hợp với yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Việc kiểm tra nhẹ nhàng, đa dạng hình thức đang được các trường THPT triển khai ở khối 10
Các trường THPT đang triển khai hình thức kiểm tra nhẹ nhàng, đa dạng đối với khối 10


"Thông thường, dạng đề trắc nghiệm chỉ được trường áp dụng với kiểm tra thường xuyên, còn kiểm tra định kỳ các môn kiểm tra tập trung thì nhà trường chỉ ra theo hình thức tự luận nhằm đánh giá sát nhất năng lực học tập của học sinh. Tuy nhiên, với học sinh khối 10 năm nay - là khối lớp đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT - bắt buộc nhà trường phải đổi mới, trước hết là tạo động lực học tập cho học sinh, đồng thời tạo điều kiện để giáo viên đổi mới, thay đổi tư duy trong đánh giá học sinh" - thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung nói.

Riêng các bộ môn thực hiện kiểm tra tại lớp, thầy Trung cho hay, trường trao quyền chủ động thiết kế cho giáo viên bộ môn. Ngoài phương thức kiểm tra truyền thống như làm bài trên giấy, thầy cô có thể tổ chức cho học sinh làm dự án, sản phẩm, thuyết trình, thậm chí là nộp sản phẩm trực tuyến... 

Nhẹ nhàng song hướng đến giải quyết vấn đề thực tiễn 

"Học sinh khối 10 phải đối diện với nhiều thay đổi của chương trình, từ phương pháp học tập cho đến lựa chọn bộ môn học. Trên thực tế, không ít học sinh lúng túng, thậm chí chưa bắt nhịp kịp với sự thay đổi này. Hình thức kiểm tra phù hợp sẽ giúp các em bớt áp lực. Hình thức này tạo động lực để học sinh tiến bộ song vẫn giúp giáo viên, nhà trường và bản thân học sinh tự đánh giá được năng lực của mình" - cô Lê Tường Quyên - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) chia sẻ.

Năm học này, Trường THPT Trưng Vương kiểm tra giữa học kỳ 1 khối 10 theo hình thức tập trung với các môn bắt buộc như văn, toán, tiếng Anh nhằm đánh giá, khảo sát chất lượng học tập của học sinh, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp nhất. Ở các nhóm môn lựa chọn, môn học chuyên đề, lớp học 2 buổi thì trường trao quyền cho tổ bộ môn thiết kế hình thức kiểm tra phù hợp. Đề kiểm tra các môn đều theo ma trận: 50% nhận biết, 40% thông hiểu, 10% vận dụng, không có vận dụng cao.

Tại TPHCM, khi kiểm tra giữa học kỳ 1, các trường THPT được chủ động lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá học sinh theo kế hoạch giáo dục chung của trường, đảm bảo đánh giá được năng lực học sinh đầu năm học và xây dựng, điều chỉnh phương pháp giáo dục phù hợp nhất... 

Việc đánh giá học sinh cần gắn liền với tính thực tế
Việc đánh giá học sinh cần mang tính thực tế

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay, đối với học sinh khối 10 đang theo học chương trình GDPT 2018 thì việc kiểm tra, đánh giá sẽ khác với trước đây. Kiểm tra, đánh giá học sinh không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức mà còn hướng tới sự tiến bộ, phát huy phẩm chất, năng lực người học. Việc đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá ở khối 10 tạo không khí nhẹ nhàng trong kiểm tra, cởi bỏ áp lực học tập cho học sinh...
Dù vậy, ông nhấn mạnh, kiểm tra định kỳ các bộ môn cần chuyển từ đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức... sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng đánh giá các năng lực như tư duy sáng tạo, giải quyết tình huống. Hạn chế tối đa các câu hỏi đơn thuần là kiểm tra kiến thức hoặc học thuộc lòng, tăng cường câu hỏi giải quyết tình huống thực tiễn.

Với riêng môn văn, ông Nguyễn Bảo Quốc lưu ý, khi ra đề, giáo viên cần chú ý thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe để giải quyết các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh và ngữ liệu mới. Khi đánh giá kết quả học tập, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết, để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng mới.

                                      Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI