Học sinh kêu ai khi cần sự chia sẻ?

18/11/2020 - 07:15

PNO - Trầm cảm học đường, học sinh tự tử… là những nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nhưng nó chỉ thực sự được quan tâm giải quyết mỗi khi có sự cố xảy ra, sau đó là phớt lờ và quên lãng.

Nhảy lầu vì buồn chuyện gia đình

Ngày 10/11, nam sinh T.D., 13 tuổi, học lớp Tám tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM), đến trường như bình thường nhưng đến khoảng 8 giờ, em trèo qua lan can tầng ba và nhảy xuống.

Theo ban giám hiệu nhà trường, T.D. chuyển đến trường này từ lớp Bảy. Trước đó, em ở với bố và ông nội ở ngoài Bắc, còn mẹ đi xuất khẩu lao động. Sau khi bị bố la rầy nhiều lần, T.D. được họ hàng đưa vào TP.HCM để nuôi nấng và cho đi học.

Học sinh luôn cần sự quan tâm chia sẻ từ người lớn trước nhiều áp lực như hiện nay
Học sinh luôn cần sự quan tâm chia sẻ từ người lớn trước nhiều áp lực như hiện nay

“Là học sinh mới nên mọi người rất quan tâm đến T.D. Có lần, giáo viên phát hiện em dùng compa rọc tay mình. Giáo viên đã nói chuyện với em và trao đổi với mẹ nuôi cũng là người giám hộ. Từ đó, em học rất ổn, ngoan, không có gì bất thường. Từ đầu năm học đến nay, em vẫn học rất ổn nhưng đột nhiên lại xảy ra sự cố”, đại diện nhà trường cho biết.

Trước sự cố ít ngày, vào giờ ra chơi, nhiều học sinh (HS) đã nhìn thấy T.D. leo qua lan can. Khi tâm sự với thầy cô em nói do bạn khích nên nhảy, nhưng tìm mãi không ra HS đã khích đó. Nhà trường đã báo và làm việc với mẹ nuôi. Sau đó, mẹ nuôi yêu cầu em phải nói ra ai đã chọc ghẹo mình.

Ngày 10/11, T.D. vẫn đi học bình thường. Khi biết mẹ nuôi tới trường, dứt khoát muốn tìm ra HS đã chọc ghẹo em. T.D. leo qua lan can, rơi từ tầng ba của trường xuống. Bệnh viện Nhân dân Gia Định chẩn đoán T.D. bị gãy xương chân, có dấu hiệu tổn thương đốt sống cổ...

Nhận định về câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, việc chọc ghẹo nhau ở lứa tuổi học trò cũng thường xảy ra. Chỉ vì nghĩ chọc nhau cho vui, các em không hiểu hết tác hại của những lời bông đùa vô ý có khi lại tạo thành nỗi đau tâm lý, mặc cảm cho người trong cuộc.

Ở độ tuổi trung học cơ sở, các em không quản lý và kiềm chế cảm xúc tốt, khả năng hưng phấn lại cao nên dễ xảy ra chuyện đáng tiếc, bộc phát bất ngờ dù biết đó là nguy hiểm.

“Những sự cố này chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý của em. Sau sự việc, có thể em sẽ bản lĩnh và cứng cáp hơn nhưng cũng có thể sẽ vĩnh viễn coi đó là nỗi đau, ám ảnh không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến tính cách và hành vi sinh hoạt đối với những người xung quanh”, tiến sĩ Đào Lê Hòa An 
cho biết.

Người trẻ đang cần chia sẻ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và những hành xử tiêu cực của lứa tuổi học trò, nhất là khi các em cảm thấy cô độc, bế tắc khi không biết chia sẻ với ai mỗi khi gặp vấn đề. Nói đúng hơn đó là những cái chết vì “đói” sự chia sẻ, sự tư vấn tâm lý từ người lớn.

Theo tiến sĩ An, bố mẹ khi ly hôn cần phải chuẩn bị tâm lý, quan tâm đến con nhiều hơn, lường trước những vấn đề con có thể gặp phải trong hậu ly hôn.

Những đứa trẻ luôn cần có đủ cha và mẹ dắt tay con trên đường đời, thiếu một trong hai người đã là một thiếu sót đối với sự phát triển của trẻ. Huống hồ trong câu chuyện của T.D., em không được sống cùng cả cha lẫn mẹ.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện quận 2 (TP.HCM), cho biết: “Tại các bệnh viện mà tôi tham gia điều trị có nhiều trường hợp HS đến khám và điều trị. Vấn đề các em thường gặp là trầm cảm, lo âu và stress, chứng tỏ các em đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khi đến bệnh viện, biểu hiện các em đã trở nặng, có em đã bỏ học, tổn hại thân thể. Lứa tuổi bắt đầu gặp các vấn đề tâm thần là những năm cuối tiểu học và rộ nhiều ở lứa tuổi lớp Sáu, Bảy, Tám, 10, 11. Những khối lớp có thi sẽ ít hơn".

Theo tiến sĩ Thuận, nguyên nhân đến từ môi trường các em sống và học tập. Thực tế, thứ các em bị áp lực không phải là học nhiều mà là cách hành xử của người lớn. Với cha mẹ, đó là sự phá vỡ niềm tin do giá trị sống thiếu thống nhất. Ví dụ như cha mẹ dạy con không nên vi phạm pháp luật nhưng bản thân lại làm sai. Cha mẹ đi làm kiếm tiền cho con ăn học, không hiểu nhu cầu và tâm tư của con nhưng lại áp đặt kỳ vọng và đòi hỏi...

Nhà trường cũng nên xem lại phương pháp giáo dục, chương trình và cách ứng xử với thành tích. Ngoài ra, cách giải quyết xung đột các mối mâu thuẫn giữa bạn bè cũng là một yếu tố. Tiến sĩ Thuận cho rằng, tách riêng vấn đề của gia đình, nhà trường và bè bạn có thể không đủ để “đánh gục" trẻ nhưng ba vấn đề này cộng lại, dồn nén và tích lũy từng ngày sẽ dẫn đến áp lực lớn lên các em. Muốn giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều, và rất cần sự thay đổi từ nhiều phía.

Thực tế, những động thái xử lý chỉ rộ lên sau mỗi sự vụ đáng tiếc nhưng ít lâu sau cũng chìm xuống. Những đứa trẻ phải vẫy vùng trong mớ bòng bong của áp lực học hành, sự thiếu thấu hiểu và đồng cảm của gia đình, thiếu sự chia sẻ của bạn bè, môi trường sống ngày càng phức tạp… Đừng để người trẻ phải “đói” sự sẻ chia từ người lớn, hãy cứu lấy chúng trước khi trông chờ hệ thống tham vấn tâm lý học đường. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI