Học sinh hưởng lợi khi trường chuyển đổi hướng nghiệp trực tuyến

11/11/2021 - 17:30

PNO - Hoạt động hướng nghiệp được các trường THPT tại TP.HCM chuyển đổi sang hình thức trực tuyến đã mang lại sự thích thú, hào hứng cho học sinh.

Talk show với cựu học sinh 

Học sinh được thụ hưởng nhiều khi các trường chuyển đổi hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp sang hình thức trực tuyến khi dạy và học trực tuyến
Học sinh được thụ hưởng nhiều khi các trường chuyển đổi hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp sang hình thức trực tuyến 

“Hành trình chinh phục ước mơ” là talk show hướng nghiệp trực tuyến do Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) tổ chức. Talk show là chuỗi hoạt động gặp gỡ, làm quen, tìm hiểu ngành nghề, định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh, với sự góp mặt của các cựu học sinh. 

Số phát sóng đầu tiên với tên gọi “Truyền lửa đam mê”, talk show đã để lại dư vị hết sức ấn tượng, tác động mạnh đến học sinh nhà trường. Đó là câu chuyện của giảng viên Nguyễn Trần Sơn Lâm (Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM). Bằng quyết tâm và đam mê, ông Lâm đã chinh phục được ước mơ theo đuổi ngành kiến trúc khi vừa học vừa làm thêm để tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Deakin (Melbourne, Úc).

Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của cựu học sinh Nguyễn Hữu Bình, cán bộ trẻ tiêu biểu Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM lại truyền cho học sinh kinh nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp. Chia sẻ đến học sinh, ông Bình cho biết, thực tế nhiều học sinh phổ thông khi lựa chọn nghề nghiệp luôn tưởng rằng mình đã biết đủ về ngành lựa chọn. Thế nhưng, chỉ một số rất ít bỏ thời gian tìm hiểu sâu về ngành học đó.“Sự hời hợt này dẫn đến tình trạng nhiều em... vỡ mộng khi bước chân vào giảng đường đại học, ngay cả khi đó là ngành học mình rất yêu thích”.

Với talk show “Hành trình chinh phục ước mơ”, cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) đánh giá, đây là sự chuyển đổi cách thức hướng nghiệp cho học sinh khi dạy và học online hiện nay. Qua câu chuyện thực tế của những anh chị đi trước đã phấn đấu, gắn bó và thành công với nghề, cô Tâm kỳ vọng sự chuyển đổi sẽ là “làn gió mới” giúp học sinh thay đổi cách nhìn nhận, tiếp cận, định hướng về ngành nghề, theo đuổi đam mê. Phương thức hướng nghiệp này còn là sự kết nối các thế hệ học sinh nhà trường, tạo ra hệ sinh thái hướng nghiệp hiệu quả, giúp học sinh chọn đúng ngành nghề, không vỡ mộng khi bước vào trường đại học.

“Sẽ không còn là những lý thuyết hướng nghiệp suông. Mỗi câu chuyện được chia sẻ học sinh có thể nhìn thấy ở ngay bản thân mình. Từ chuyện nuôi dưỡng ước mơ, dung hòa giữa sở thích bản thân và mong muốn của ba mẹ, cho đến chuyện chọn ngành nghề phù hợp...”, cô Tâm đánh giá.

Ngồi tại nhà tham quan trường đại học 

Năm học này, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức) sử dụng trang fanpage của trường để đăng tải các thông tin về hướng nghiệp. Chuỗi chương trình hướng nghiệp của trường được xây dựng theo hình thức trực tuyến với từng khối ngành, nhóm ngành như Kiến trúc - Mỹ thuật; CNTT; Sức khoẻ; Kỹ thuật; Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng; Luật; Ngôn ngữ - Văn hoá quốc tế; Khoa học xã hội và nhân văn... Bằng việc thiết kế các tour hướng nghiệp tại gia, học sinh quan tâm đến nhóm ngành nào chỉ cần ngồi tại nhà tham quan, trải nghiệm về ngành nghề và các trường đại học. 

Tương tự, “MIC RUBIK” được xem là một trong những hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện hướng nghiệp trải nghiệm của học sinh được Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) tổ chức trong năm học này. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến, là sân chơi để những học sinh có đam mê, yêu thích công việc biên tập viên, dẫn chương trình được thử sức, làm quen, trải nghiệm. 

Vẫn với hình thức trực tuyến, các trường THPT còn tăng cường tính kết nối của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn hướng nghiệp, kịp thời gỡ rối băn khoăn về ngành nghề cho học sinh. “Trên không gian mạng, giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận với từng học sinh qua zalo, facebook, email, tin nhắn... Tuy vậy, để các em cởi mở, chia sẻ, tâm tình, trước hết giáo viên phải tạo được niềm tin trong học sinh, có như thế mới phát huy tối đa hiệu của việc hướng nghiệp trực tuyến”, hiệu trưởng một trường THPT Q.5 bày tỏ.

Trong khi đó, nhìn nhận về việc chuyển đổi hình thức hướng nghiệp sang hình thức trực tuyến, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) khẳng định: “Nếu không thay đổi, chính học sinh sẽ thiệt thòi”!

Hiệu trường này cho rằng khi dạy và học bằng hình thức trực tuyến, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng cần phải thay đổi theo. Thậm chí còn phải làm cho sinh động, mới lạ hơn để tạo “sức hút”, thu hút học sinh trên môi trường mạng. 

“Cái khó khi tổ chức hướng nghiệp trực tuyến là làm thế nào phải thực sự đổi mới cách tiếp cận. Không thể nào bê nguyên xi những khuôn mẫu khi hướng nghiệp trực tiếp để đưa vào trực tuyến. Nếu nhà trường biết tận dụng, khai thác các nguồn tài nguyên từ con người đến công nghệ thì kết quả mang lại sinh động, hiệu quả”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI