Học sinh học nhẹ nhàng, phụ huynh lại "lo quýnh"

11/10/2022 - 13:44

PNO - Chương trình học nhẹ nhàng với nhiều trò chơi, không giao bài tập về nhà đang là cách thức Chương trình GDPT 2018 triển khai ở bậc tiểu học tại TPHCM.

 

Tiết học lớp 2/4, Trường TH Lương Thế Vinh tràn ngập tiếng cười
Tiết học lớp 2/4, Trường tiểu học Lương Thế Vinh tràn ngập tiếng cười

Học mà như chơi

Giờ học tiếng Việt lớp 2/4, Trường tiểu học Lương Thế Vinh (TP. Thủ Đức) chỉ xoay quanh các trò chơi. Không sách giáo khoa, không vở bài tập, chỉ có sự tương tác giữa giáo viên với học sinh; học sinh với học sinh. Qua từng nội dung bài học, giáo viên khéo léo lồng ghép thêm cho học sinh kiến thức thực tế, kỹ năng sống, giá trị đạo đức...

Cô Thanh Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/4 - cho hay, Chương trình GDPT 2018 đặt ra yêu cầu rất nhẹ nhàng đối với học sinh khi chỉ cần đạt được yêu cầu tối thiểu chuẩn kiến thức kỹ năng ở từng khối lớp. Việc đánh giá học sinh cũng không phụ thuộc vào điểm số mà là đánh giá quá trình thông qua đánh giá thường xuyên nên không đặt áp lực lên giáo viên, học sinh...

"Mỗi ngày các em chỉ học có 7 tiết, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Trong đó, các môn học đều đa dạng hoạt động, trò chơi để học sinh được trải nghiệm, thông qua các trải nghiệm tự hình thành kiến thức, kỹ năng, thầy cô chỉ củng cố. Do thời lượng học tập ở trường đã là hai buổi nên giáo viên sẽ không giao bài tập về nhà cho học sinh. So với trước đây, hiện nay chương trình học đã giảm tải rất nhiều", cô Thanh Thanh nhìn nhận. 

Thay vì học trong lớp, giờ học tiếng Việt lớp 2/5, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1) diễn ra ở sân trường, với những trò chơi thú vị. Học sinh trong lớp được chia thành 6 nhóm, cùng tham gia các trò chơi: bọ rùa tìm mẹ, hái nấm, giúp bọ rùa lấy mật ong, trò chơi đá bóng, vượt chướng ngại vật để thực hành học từ ngữ, viết câu, ghép câu...

Khi được học thông qua các trò chơi, ở một không gian lớp học hoàn toàn khác, học sinh nào cũng hào hứng, thích thú. Các em sôi nổi trả lời, tương tác trong nhóm và mạnh dạn nhận xét câu trả lời của bạn. 

Cô Nguyễn Thị Ngọc Trinh - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/5 - chia sẻ, đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Dù vậy, việc đổi mới không hề xa vời, không phải chỉ là khẩu hiệu, mà gắn liền trong từng giờ học, giúp cả thầy và trò đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

"Chỉ đơn giản là việc đưa lớp học ra ngoài sân trường đã khiến học sinh thích thú. Việc học thông qua chính các trò chơi, vừa chơi vừa học, các em sẽ tự mình phát hiện ra kiến thức, sẽ hiểu và ghi nhớ lâu hơn. Hơn nữa, qua các tiết học này các em cũng sẽ học được kỹ năng làm việc nhóm, tự quản, giáo viên chỉ đóng vai trò quan sát, hỗ trợ..., nhàn hơn rất nhiều so với tiết học theo kiểu thầy đọc - trò chép", cô Nguyễn Thị Ngọc Trinh hào hứng. 

Áp lực đến từ phụ huynh 

Học sinh được tham gia đa dạng các hoạt động trải nghiệm
Học sinh được tham gia đa dạng các hoạt động trải nghiệm

Năm học này, Trường tiểu học Lương Thế Vinh (TP. Thủ Đức) sắp xếp tổ chức thêm hoạt động các câu lạc bộ kỹ năng sau giờ học chính khóa cho học sinh trải nghiệm, nhận được sự hưởng ứng tích cực cả phụ huynh, học sinh. Cô Thạch Thị Hoàng Anh - Hiệu trưởng - cho hay, Chương trình GDPT 2018 với thời lượng môn học và kiến thức rất nhẹ nhàng. Việc dạy học, đánh giá học sinh theo hướng cá thể hóa qua chính năng lực của từng em, không có sự cào bằng giữa học sinh trong lớp.

"Học sinh không còn chỉ học qua sách giáo khoa mà thông qua chính các hoạt động, việc tham gia vào các CLB cũng là cách các em được học, được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, phát triển phẩm chất năng lực...", cô Thạch Thị Hoàng Anh nói. 

Bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - giáo viên một trường tiểu học tại quận Bình Tân - đánh giá, chương trình đã "cởi" nhiều áp lực cho cả cô và trò. 

"Không còn chuyện học sinh được giao bài tập về nhà và phải... bò ra học đến 9-10g tối. Với riêng học sinh lớp 1, giáo viên chủ nhiệm chỉ báo bài về cho phụ huynh rằng nay con học âm này, vần này và nhờ phụ huynh hỗ trợ các em thêm trong thời gian rảnh ở nhà. Áp lực của bậc tiểu học hiện nay lại thường đến từ phụ huynh chứ không phải học sinh, khi phụ huynh quá sốt ruột với việc học của con ở trường. Chuyện phụ huynh xin thêm bài tập về nhà cho con là chuyện thường gặp vì sợ con không theo kịp các bạn trên lớp, sợ con mải chơi không học, sợ con thua kèm bạn bè...", cô Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Khó... chấp nhận việc con đi học mà không có bài tập về nhà

Học sinh học nhẹ nhàng song phụ huynh lại... khó chấp nhận chuyện con đi học mà không có bài tập về nhà
Học sinh học nhẹ nhàng song phụ huynh lại... khó chấp nhận chuyện con đi học mà không có bài tập về nhà

Tuần trước, bé Ken (học sinh lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) bệnh phải nghỉ học một tuần. Sợ con không theo kịp bài vở trên lớp, chị Trần Thùy Dương nhắn tin xin giáo viên chủ nhiệm gửi bài về nhà để chị kèm thêm. "Bất ngờ là dù nài nỉ nhiều lần song cô giáo đều nói rằng các em sẽ không có bài tập về nhà. Khi con khỏe, đi học lại sẽ được cô hỗ trợ chép bài, chỗ nào không hiểu cô sẽ kèm cặp thêm...", chị Trần Thùy Dương nói.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn: "Con đi học mà không có bài tập về nhà hiện nay có lẽ vẫn còn là chuyện khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận với đại bộ phận phụ huynh". Vị này cho rằng, chính phụ huynh đang chưa hiểu, chưa nhìn nhận đúng về Chương trình GDPT 2018, từ đó vô tình tự đặt thêm áp lực cho chính mình, cho giáo viên và học sinh.

"Chương trình mới giảm tải áp lực, giảm tải chương trình cho cả thầy và trò. Các em học hai buổi/ngày ở trường rồi, được tham gia các hoạt động, được thầy cô hướng dẫn rồi, vì thế việc giao thêm bài tập về nhà là không cần thiết, thậm chí khiến học sinh sợ đi học. Điều cần thiết nhất là sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh với giáo viên xuyên suốt quá trình học của con để có sự phối hợp, cùng giáo dục trẻ ở trường và ở nhà", vị lãnh đạo Sở nhận định.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI