Học sinh học lệch, bố mẹ 'nộp tiền' để con đủ điều kiện thi

06/06/2018 - 10:06

PNO - Trước phản ánh của ĐBQH về tình trạng học sinh học lệch, bố mẹ đi “sân sau” để nộp tiền cho con đủ điều kiện thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề mà "nhà trường không chủ động làm được”.

Sáng 6/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhiều đại biểu chia sẻ sự bức xúc của cử tri trước vấn nạn bạo hành trẻ ở các trường mẫu giáo cũng như chất lượng của cấp học này. ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chia sẻ, Bộ trưởng nói giáo dục mầm non của Việt Nam được UNESCO đánh giá cao nhưng thực tế lại cho thấy chất lượng mầm non chưa đồng bộ.

Theo đó, nguồn đầu tư cho giáo dục mầm non thấp nhất trong ngành, cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên, công tác quản lý không đáp ứng yêu cầu, nhiều vụ bạo hành trẻ khiến dư luận bức xúc… “Đánh giá cao ở đây, tôi không hiểu!”, ĐB Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Đặt câu hỏi về tình trạng giáo dục mầm non, đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng, hiện tượng tiêu cực và những hình ảnh xấu, không tốt đã xảy ra với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian qua. Bộ trưởng có suy nghĩ và biện pháp gì hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục trong lĩnh vực này.

Hoc sinh hoc lech, bo me 'nop tien' de con du dieu kien thi
ĐB Đặng Thuần Phong tỏ ra khó hiểu với việc giáo dục mầm non được đánh giá cao

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, mặc dù mầm non là một cấp học quan trọng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Việc chuyển mạch mầm non từ tư thục sang công lập khiến nhiều trường chưa chuẩn bị kịp giáo viên. Ở nhiều khu công nghiệp chưa kịp giám sát chuẩn bị cơ sở vật chất và giáo viên.

Bộ trưởng Nhạ thừa nhận giáo dục mầm non cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chúng ta có 15.000 cơ sở mầm non, với 337.000 giáo viên mầm non. Về cơ bản, các cơ sở và thầy cô mầm non rất tâm huyết, yêu nghề nhưng cũng bắt đầu xuất hiện số giáo viên mầm non bạo hành trẻ. Đặc biệt là ở các cơ sở đào tạo mầm non, nhóm trẻ tư thục.

Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên mầm non bạo hành trẻ đặc biệt thường xảy ra ở nhóm trẻ độc lập. “Có những trường hợp báo chí nêu không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi đã có ý kiến chỉ đạo, kiên quyết đưa những giáo viên không đủ năng lực ra khỏi ngành”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Hoc sinh hoc lech, bo me 'nop tien' de con du dieu kien thi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Nhạ cho biết, bên cạnh cần quy hoạch giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên còn phải có chế độ hợp lý: “Hiện nay, chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá, ra trường chỉ 2,4 triệu đồng. Đây cũng là một lý do gây áp lực cho thầy cô”.

Cũng trong phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu một hiện tượng không hiếm, là nhiều học sinh chuẩn bị thi đại học chỉ ôn những môn nằm trong khối thi mà bỏ các môn còn lại. Không dừng lại ở đó, để học sinh có đủ điểm, đủ điều kiện thi do học lệch, phụ huynh sẵn sàng đến nhà “nộp tiền” cho giáo viên.

Hoc sinh hoc lech, bo me 'nop tien' de con du dieu kien thi
ĐB Nguyễn Sỹ Cương phản ánh hiện tượng bố mẹ "nộp tiền" cho giáo viên để con đủ điều kiện thi ĐH

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, vấn đề này không chỉ liên quan tới giáo dục mà còn cả đạo đức. “Khi bố mẹ học sinh nộp tiền cho các cháu để đủ điều kiện thi, nhưng bản thân các cháu nghĩ gì, nghĩ về thầy cô như thế nào?”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng một số học sinh bỏ môn, học lệch là có thật. … Bộ trưởng Nhạ khẳng định, quan điểm của bộ là không đồng ý, thậm chí là cấm tình trạng này. Bởi giáo dục còn phải trọng tới các môn phát triển con người. Bộ sẽ kiên quyết phản đối và sẽ tăng cường để giám sát. Đề nghị nhà trường thực hiện nghiêm, và không phải xác định học là để đi thi.

Về tình trạng phụ huynh “nộp tiền” cho giáo viên để đủ điều kiện thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, đây là vấn đề ảnh hưởng tới đạo đức trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, bộ trưởng cho rằng, nếu có hoạt động này, thì có vai trò lớn của phụ huynh.

“Nhân đây tôi rất mong các quý vị phụ huynh nếu như có trường hợp này, cùng với ngành giáo dục, nhà trường để chúng ta không có hoạt động này. Ở đây, nhà trường không thể chủ động làm được”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Nhóm vấn đề các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên quan đến thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Theo chương trình làm việc, dự kiến buổi chiều, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI